11/01/2025 lúc 02:05 (GMT+7)
Breaking News

Thông điệp mạnh mẽ về quan hệ đối tác tin cậy Việt Nam-Liên hợp quốc

Với sự tham gia, đóng góp tích cực trong mọi lĩnh vực, Việt Nam cũng đã khẳng định vị thế là đối tác tin cậy, trách nhiệm của Liên hợp quốc sau 45 năm qua nhập tổ chức đa phương này.
Việt Nam tham gia tích cực và có trách nhiệm trong các hoạt động của Liên hợp quốc (Ảnh: TTXVN)

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres thăm chính thức Việt Nam trong hai ngày 21-22/10.

Chuyến thăm của người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh thể hiện thông điệp mạnh mẽ về sự coi trọng của Liên hợp quốc đối với quan hệ đối tác Việt Nam-Liên hợp quốc trong 45 năm qua.

Trước thềm chuyến thăm, trong buổi tiếp Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres khẳng định Việt Nam là một trong những thành viên không thể thiếu của Liên hợp quốc, đã, đang và sẽ có những đóng góp ý nghĩa cho công việc chung của Liên hợp quốc trong giải quyết các thách thức toàn cầu, vì hòa bình và phát triển trên thế giới.

Việt Nam hiện đang giữ vai trò Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 đại diện khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời chuẩn bị đảm nhiệm trọng trách thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại các cơ quan Liên hợp quốc như thành viên Hội đồng khai thác Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) nhiệm kỳ 2022-2025, Hội đồng thống đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) nhiệm kỳ 2021-2023, các cơ quan điều hành và chuyên môn của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO), Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) nhiệm kỳ 2017-2021 và 2023-2027, một số cơ chế của Liên hợp quốc như Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) nhiệm kỳ 2023-2028, Ủy ban pháp lý và kỹ thuật của Cơ quan quyền lực đáy đại dương (LTC) nhiệm kỳ 2023-2027...

Việc được bầu vào các cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc đã cho thấy sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.

Với sự tham gia, đóng góp tích cực trong mọi lĩnh vực, Việt Nam cũng đã khẳng định vị thế là đối tác tin cậy, trách nhiệm của Liên hợp quốc sau 45 năm qua nhập tổ chức đa phương này.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres từng đánh giá: "Việt Nam là đối tác tin cậy vững chắc của Liên hợp quốc, chính sự tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam trong các vấn đề quốc tế đã góp phần nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam."

Có thể nói quan hệ đối tác Việt Nam-Liên hợp quốc đã trở thành hình mẫu của hợp tác phát triển, ngày càng đi vào hiệu quả, thực chất, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Việc Việt Nam trở thành thành viên Liên hợp quốc ngày 20/9/1977 đã mở ra trang mới giúp Việt Nam hội nhập quốc tế.

Liên hợp quốc là tổ chức giúp đỡ trực tiếp cho Việt Nam nhiều nhất, từ khắc phục hậu quả chiến tranh, xóa đói giảm nghèo đến hoạch định các chính sách và chương trình hành động về đổi mới, cải cách kinh tế, cải cách hệ thống pháp luật, hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy phát triển và hội nhập quốc tế.

Về phần mình, với những thành tựu về đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã luôn đồng hành và đóng góp ngày càng hiệu quả vào các công việc chung của Liên hợp quốc và thế giới.

Trong 45 năm là thành viên Liên hợp quốc, Việt Nam đã gánh vác nhiều trọng trách lớn, có nhiều đóng góp thực chất và hiệu quả cho tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh.

Theo đánh giá của Điều phối viên Liên hợp quốc Pauline Tamesis, những năm gần đây, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong khu vực và toàn cầu trong việc góp phần duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Việt Nam đã thể hiện là một thành viên ngày càng tích cực của cộng đồng quốc tế, trong đó có những đóng góp cho hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và Chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Việt Nam được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá là một điển hình thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ; là một quốc gia quyết tâm và nghiêm túc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy các sáng kiến cải tổ Liên hợp quốc, đặc biệt được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu triển khai sáng kiến “Thống nhất hành động” của Liên hợp quốc nhằm tăng hiệu quả hoạt động của Liên hợp quốc ở cấp độ quốc gia.

Với những đóng góp tích cực, thực chất tại các cơ quan của Liên hợp quốc, Việt Nam đã cho thấy những cam kết mạnh mẽ của một quốc gia luôn tích cực nỗ lực xây dựng lòng tin và đối thoại, làm cầu nối tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột trên thế giới thông qua Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và sự hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa Liên hợp quốc và các tổ chức cũng như các cơ chế đa phương.

Quan hệ hợp tác Việt Nam-Liên hợp quốc trong 45 năm qua không chỉ góp phần bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia-dân tộc của Việt Nam, nhất là duy trì, củng cố môi trường hòa bình, an ninh và thuận lợi cho phát triển đất nước; mà còn thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế; làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với các nước, các đối tác chủ chốt và bạn bè và tranh thủ một nguồn lực quan trọng phục vụ công cuộc phát triển đất nước.

Sau 45 năm gia nhập Liên hợp quốc, với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở vì hòa bình và phát triển, kết hợp hài hòa giữa đảm bảo lợi ích quốc gia và trách nhiệm quốc tế, Việt Nam ngày càng khẳng định là thành viên năng động, trách nhiệm và uy tín của Liên hợp quốc nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung, tham gia đóng góp chủ động, tích cực, hiệu quả vào công việc chung của thế giới. Điều này đã góp phần tạo nên vị thế mới của Việt Nam.

Trên các cương vị quan trọng đang đảm nhiệm tại Liên hợp quốc, Việt Nam có cơ hội đóng góp nhiều hơn nữa cho các mục tiêu cao cả của Liên hợp quốc, đó là giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, duy trì hòa bình, ổn định cho tất cả người dân trên thế giới.

Những kết quả đã đạt được trong 45 năm qua là cơ sở để Việt Nam vững vàng trên chặng đường tiếp theo, tham gia ngày càng thực chất và sâu rộng hơn vào quá trình hoạch định các chương trình nghị sự quốc tế, từ đó thúc đẩy các mục tiêu phát triển quốc gia dân tộc hướng tới năm 2030 và 2045./.

PV Theo TTXVN