Với người Việt độc lập thân thiết như cơm ăn nước uống, như mái nhà để ở, đám ruộng để cấy lúa, nương dâu để nuôi tằm dệt vải, cây đa để tỏa bóng mát nghỉ trưa sau buổi làm đồng nhọc mệt, như làng quê thân thiết bao đời, như mạch nguồn ca dao thấm vào hồn non nước: “Biết trồng tre đợi ngày thành gậy - Đi trả thù mà không sợ dài lâu” (Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm). Cây tre gắn với sự tích huyền thoại Thánh Gióng Phù Đổng Thiên Vương như một biểu tượng quật khởi, một ý chí sắt đá của dân tộc ta chống lại ngoại xâm. Vì lẽ đó trong tiến trình lịch sử của “bài ca giữ nước” chúng ta đã có đến 3 bản tuyên ngôn độc lập. Đó là những “lời thề giữ nước” là những bản “thiên cổ hùng văn” vang dậy núi sông truyền lại cảm hứng bao đời cho cháu con tiếp tục truyền thống tốt đẹp đó.
Chúng ta làm sao quên được trên trận tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu ngày nay) năm 1076 trong đêm thao thức dưới ngọn đèn dầu lạc vị tướng quân Lý Thường Kiệt xuất thần bài thơ thần bất hủ như bản tuyên ngôn thứ nhất khẳng định rõ ràng: “Nam quốc sơn hà nam đế cư” (Sông núi nước Nam vua Nam ở) vang lên dõng dạc động viên binh sỹ với một ý chí quyết tâm tạo ra sức mạnh tinh thần khơi dậy lòng yêu nước với khát vọng bảo vệ tổ quốc thần yêu. 352 năm sau (năm 1428) khi cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi Nguyễn Trãi đã viết “Bình Ngô Đại Cáo” như là bản tuyên ngôn thứ hai tiếp tục khẳng định: “Như nước Đại Việt ta từ trước - Vốn xưng nền văn hiến đã lâu” không chỉ ở đất đai phong thổ mà còn cả linh khí đất trời cả một sức mạnh bề dày văn hóa hun đúc nên tâm hồn con người để tạo ra khí phách. Hơn 5 thế kỷ sau ngày 02/09/1945 giữa Quảng trường Ba Đình nắng thu vàng rực rỡ, giữa biển người với cờ đỏ sao vàng chấp chới tung bay, Chủ tịch Hồ Chí Minh Người đã bao năm bôn ba trên hình trình đi tìm hình của nước “Tìm đường đi cho dân tộc theo đi” (Chế Lan Viên) đã long trọng đọc bản tuyên ngôn độc lập. Nhà thơ Tố Hữu đã viết những câu thơ ngợi ca đến bây giờ đọc lại chúng tavẫn bồi hồi xúc động tưởng như được sống lại với những giây phút ấy: “Trời bỗng xanh hơn nắng chói lòa - Ta nhìn lên Bác, Bác nhìn ta - Bốn phương chắc cũng nhìn ta đó - Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”.
Bản tuyên ngôn độc lập có ý nghĩa quan trọng khẳng định về chủ quyền quốc gia, quyền con người, quyền dân tộc được sống trong độc lập tự do. Đó là kết tinh các giá trị truyền thống anh hùng, tinh thần và ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất cho một nước Việt Nam độc lập tự do. Đây là văn kiện lịch sử vô giá, một kiệt tác chính luận, lời tuyên bố hùng hồn với thế giới về những nội dung đầy đủ cơ sở pháp lý vững chắc khẳng định chủ quyền quốc gia của dân tộc mở ra kỷ nguyên mới của thời đại Hồ Chí Minh . Tuyên ngôn độc lập không chỉ khẳng định quyền con người, quyền độc lập dân tộc mà còn chứa đựng những giá trị to lớn được coi là bản tuyên ngôn nhân quyền của các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới. Điều tuyệt vời là Chủ tịch Hồ Chí Minh khi trích dẫn hai bản tuyên ngôn bất hủ của thế giới: Là tuyên ngôn độc lập 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng, tạo hóa cho họ nhận quyền không ai có thể xâm phạm được”; và tuyên ngôn Nhân quyên và Dân quyền của cách mạng nước Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn được tự do về bình đẳng và quyền lợi”. Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã phát triển sáng tạo khi khẳng định quyền dân tộc và quyền con người có mối quan hệ biến chứng, tác động qua lại lẫn nhau. Dân tộc độc lập là điều kiện tiên quyết để bảo đảm thực hiện quyền con người và ngược lại thực hiện tốt quyền con người chính là phát huy những giá trị cao cả và ý nghĩa thực sự của dân tộc. Người đã đưa ra một mệnh đề không thể phủ nhận về quyền độc lập của mọi dân tộc: “Suy rộng ra câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Bác ơi! Chúng con mới hiểu vì sao Bác đã bao đêm thao thức dưới giá rét trời Âu, Bác đã qua nước Mỹ và sống lâu ở nước Pháp và bao nhiêu quốc gia nữa Người mới thấu hiểu quyền bình đẳng con người của độc lập tự do dân tộc. Trái tim và trí tuệ của Người không chỉ dành riêng cho nước Việt thân yêu mà còn rộng ra cả nhân loại của một người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, thể hiện tầm cao trí tuệ trái tim rộng lớn bao quát thời đại cùng với tầm nhìn và những dự báo thiên tài.
Bản tuyên ngôn độc lập chỉ 1.120 chữ được sắp xếp trong 49 câu là một văn kiện lịch sử, văn bản pháp lý ngắn gọn chặt chẽ sắt bén bao gồm 3 phần chính: Cơ sở pháp lý của bản tuyên ngôn - Cơ sở thực tiễn của bản tuyên ngôn và lời tuyên bố độc lập! Tuyên ngôn độc lập không chỉ kết tinh các giá trị truyền thống dân tộc, khẳng định cách mạng Việt Nam là một trong phong trào cách mạng thế giới; đồng thời khích lệ nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc đứng lên chống chủ nghĩa thực dân dành độc lập dân tộc; Là mục tiêu, kết quả của hành trình tìm đường cứu nước của Người mở ra thời đại của con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Ngoài ra tuyên ngôn độc lập cũng khẳng định vai trò, sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân trong cuộc đấu tranh vì độc lập tự do và xây dựng cuộc sống mới, có giá trị thực tiễn là lấy lại tên Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Nhạc sĩ Vũ Thanh đã gửi gắm bao tình cảm dào dạt với giai điệu ngân vọng da diết mà thật thiêng liêng biết bao trong bài hát “Hà Nội mùa thu”: “Như bâng khuâng - Nghe gió đưa vang vọng giữa Ba Đình - Lời mùa thu năm ấy - Màu cờ thu năm ấy - Vẫn đây xanh trời mây”. Chúng ta ngỡ như vẫn còn nghe vọng lại cả biển người như nuốt từng lời của Bác đầm ấm rõ ràng khúc chiết. Bỗng bất ngờ khi đọc Bác dừng lại giữa những tràng vỗ tay hoan hô rồi ân cần thân mật hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Người vẫn sợ rằng với giọng nói xứ Nghệ âm sắc nằng nặng có thể nhiều người nghe không rõ. Đây là một câu nói không có trong văn bản mà làm rung động lay thức vô cùng khi cả quảng trường đồng thanh vô vang như sóng dậy: “Có!”. Từ lúc đó khoảng cách giữa lãnh tụ và người dân không còn. Ai cũng thấy rằng vị cha già dân tộc đối với mình như người Ông, người Cha gần gũi thân thiết nhất. Khát vọng độc lập tự do ấy còn được thể hiện sau hơn 20 năm khi cuộc chiến tranh chống Mỹ đến thời kỳ ác liệt nhất. Đó là ngày 17/07/1966 qua làn sóng của Đài tiếng nói Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Vâng, không có gì quý hơn độc lập tự do đã trở thành mệnh lệnh trái tim của toàn dân Việt. Đó là lời thề: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của Trung đoàn Thủ đô năm 1946 chống thực dân Pháp . Đó là lời hô: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn” của Nguyễn Viết Xuân trên mân pháo phòng không bắn máy bay Mỹ . Tất cả đã trở thành hành động thiết thực tự nguyện đồng tâm để nên một Điện Biên chấn động địa cầu một đại thắng mùa xuân 1975 lịch sử. Lá cờ “quyết chiến quyết thắng” trên nóc hầm tướng Đơ Cát hay lá cờ giải phóng tung bay trên Dinh Độc Lập đó chính là sự thể hiện khát vọng hòa bình là biểu tượng cho hồn tổ quốc non nước thắm máu hy sinh bao anh hùng liệt sỹ.
Theo phong tục của người Việt chỉ một số ngày đặc biệt trong năm mới được gọi là tết. Bên cạnh các tết cổ truyền như: Nguyên đán, nguyên tiêu, thanh minh, trung nguyên (rằm tháng bảy), rằm trung thu thì ngày 02/09 được xem là ngày tết độc lập của dân tộc Việt Nam đánh dấu chấm dứt 80 năm nô lệ ngoại bang, mở đầu kỷ nguyên Hồ Chí Minh kỷ nguyên của độc lập tự do thống nhất đất nước xây dựng tổ quốc Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh . Các bản làng dân tộc với các sắc màu thổ cẩm rực rỡ đón ngày tết độc lập như đi chợ phiên, đi hội. Đặc biệt là ở Mộc Châu (Sơn La) năm nào người Mông cũng tổ chức tết độc lập thật đặc sắc mang sắc thái riêng cùng với các dân tộc khác. Khắp mọi miền thành thị, nông thôn đều treo cờ đỏ sao vàng tổ chức các hội thi mang tính cộng đồng như : bơi chải, kéo co… thể hiện sức mạnh khí chất của con người Việt.
78 năm trôi qua nhưng thiêng liêng lời thề độc lập vẫn còn nguyên vẹn giá trị. Đó chính là bản tuyên ngôn thứ ba là “Lời thề giữ nước” như lời căn dặn của Bác Hồ với đại đoàn quân tiên phong ở Đền Hùng trước khi về giải phóng thủ đô Hà Nội: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta cùng nhau giữ lấy nước”. Thưa Bác, tuy Bác đã đi xa nhưng hình ảnh Bác trên đài cao quảng trường Ba Đình ngày 02/09/1945 vẫn sống mãi trong lòng dân tộc. Tư tưởng, đạo đức, phong cách trong sáng của Người là niềm tự hào cho các thế hệ mai sau học tập và noi theo. Hai tiếng Việt Nam - Hồ Chí Minh vang lên trong lòng nhân loại như là một sự kết tinh biểu tượng cao đẹp của truyền thống khí phách, tâm hồn dân tộc Việt Nam hôm nay và mãi mãi…
N.N.P