30/11/2024 lúc 16:36 (GMT+7)
Breaking News

Thêm một cánh cửa thâm nhập thị trường Bắc Âu

Với một website giới thiệu về môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam; những cơ hội do EVFTA mang lại; cơ sở dữ liệu doanh nghiệp Việt Nam bằng tiếng Anh…, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển đã mở ra một cánh cửa rộng hơn để hàng Việt vào thị trường Bắc Âu. 

Với một website giới thiệu về môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam; những cơ hội do EVFTA mang lại; cơ sở dữ liệu doanh nghiệp Việt Nam bằng tiếng Anh…, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển đã mở ra một cánh cửa rộng hơn để hàng Việt vào thị trường Bắc Âu. 

Dung lượng nhập khẩu vào Bắc Âu còn lớn 

Trái cây, thủy sản, gạo, cà phê, dệt may và da giày là 6 ngành hàng được Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm khu vực Bắc Âu đẩy mạnh quảng bá thông qua website tiếng Anh vừa được khai trương.

Website này hoạt động với mục đích thông tin cho các doanh nghiệp (DN) khu vực Bắc Âu về môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam, những cơ hội do Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) mang lại; Cơ sở dữ liệu DN Việt Nam sắp xếp theo ngành hàng để DN Bắc Âu dễ dàng tra cứu. Đáng chú ý nữa, trang web sẽ là nơi quảng bá hoàn toàn miễn phí cho DN và sản phẩm Việt Nam.

Điểm nhấn của website này là quảng bá lợi ích của EVFTA cho các DN nhập khẩu (NK) hàng hóa vào Thụy Điển nói riêng, khu vực Bắc Âu nói chung. Theo Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), các nước khu vực Bắc Âu chủ yếu NK hàng hóa từ các nước châu Âu khác. Trong 10 nước xuất khẩu (XK) nhiều nhất vào khu vực này (chiếm khoảng 2/3 tổng kim ngạch NK của toàn khu vực) chỉ có Trung Quốc nằm ngoài khu vực châu Âu. 

Trong số 30 nước có kim ngạch NK lớn nhất, châu Á chỉ có một số nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan... Đáng chú ý, trong các nước ASEAN, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất tại khu vực này. Thậm chí, kim ngạch thương mại 2 chiều còn tăng trong thời gian dịch bệnh, “chứng tỏ sức sống và tiềm năng của quan hệ Việt Nam - Bắc Âu. Vị thế quan trọng này có nhiều cơ hội tiếp tục được duy trì và phát triển hơn nữa trong thời gian tới” - theo ITC. 

Bên cạnh đó, Việt Nam thuận lợi hơn so với các đối thủ cạnh tranh ở khu vực châu Á về chủ trương, chính sách và cơ chế hợp tác. Đáng chú ý là Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA và sắp tới là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã và sẽ tạo lợi thế cạnh tranh mới cho Việt Nam về cả thương mại và đầu tư.

Nhiều dự báo cho thấy NK trung bình năm 2021 của các nước Bắc Âu sẽ tăng khoảng 5%, riêng Iceland tăng khoảng 17%. Trong khi đó, hiện quy mô XK của Việt Nam sang khu vực Bắc Âu chiếm tỷ lệ khá nhỏ, chỉ khoảng 2,5 tỷ USD, do đó tiềm năng XK các mặt hàng chủ lực của Việt Nam vào thị trường này là rất lớn.

Website cung cấp tất cả các thông tin về hàng hóa và môi trường đầu tư Việt Nam.

Mở rộng cánh cửa vào Bắc Âu

Cuộc khủng hoảng toàn cầu do dịch Covid-19 gây ra đã làm cho các nước nhận ra rằng, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, sự phụ thuộc về nguồn cung các sản phẩm, thiết bị thiết yếu vào một số thị trường nhất định có thể đem lại rủi ro lớn.

Do đó, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng và chuỗi cung ứng đang được coi là chìa khóa để quản lý rủi ro trong trường hợp xảy ra bất ổn kinh tế, chính trị cũng như thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu. Trong nền kinh tế thị trường, khi nhận thức được những lợi ích của EVFTA, các DN EU và Bắc Âu sẽ tìm đến Việt Nam nếu NK hàng Việt Nam có lợi hơn nhập hàng từ các nước khác. 

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán thương mại tại Thụy Điển, Bắc Âu là thị trường nhỏ, yêu cầu cao, lại ở xa Việt Nam, nên nếu sử dụng các hình thức xúc tiến thương mại truyền thống cũ thì sẽ khá tốn kém và hiệu quả không cao.

Đây chính là lý do Thương vụ đã định hướng tăng cường các hình thức giao thương online thông qua website - một giải pháp phù hợp trong bối cảnh dịch Covid-19 dự kiến còn diễn biến phức tạp, đồng thời tạo đà cho những hoạt động hiệu quả hơn sẽ được triển khai trong giai đoạn hậu Covid-19. 

Để chuẩn bị cho mục tiêu này, Thương vụ đang lên kế hoạch xây dựng catalogue điện tử, triển lãm ảo, bản tin tiếng Anh hàng tháng, cập nhật tình hình môi trường đầu tư, cơ chế chính sách ngày càng được cải thiện của Việt Nam... để có thể thu hút được ngày càng nhiều DN Bắc Âu tiếp cận trang web với mục đích tìm kiếm thông tin về Việt Nam và DN Việt Nam, làm tăng cơ hội giao thương.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Thuỵ Điển Phan Đăng Đương, trong bối cảnh châu Âu trở thành tâm dịch Covid-19, mọi hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp, giao thương bị xáo trộn, đứt gãy, việc nhanh chóng thích nghi với điều kiện bình thường mới, sử dụng công nghệ thông tin để kết nối các DN trong nước với thị trường tiềm năng này có ý nghĩa rất quan trọng.

Do đó, với website tiếng Anh, các DN Bắc Âu có thêm một kênh thông tin hỗ trợ, giúp họ tìm hiểu về môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam cũng như những cơ hội do EVFTA mang lại, tạo đà cho hàng hoá Việt Nam XK ngày càng nhiều sang thị trường Bắc Âu trong thời gian tới.