19/05/2024 lúc 23:51 (GMT+7)
Breaking News

Thầy Văn Như Cương trong ký ức học trò

VNHN - "Về trường Lương Thế Vinh có thầy Văn Như Cương như về nhà có người ông, cảm giác rất ấm áp", một học sinh chia sẻ.

VNHN - "Về trường Lương Thế Vinh có thầy Văn Như Cương như về nhà có người ông, cảm giác rất ấm áp", một học sinh chia sẻ.

 

Là học sinh trường THPT Lương Thế Vinh khóa 2005-2008, Nguyễn Kim Chi (27 tuổi, Hà Nội) vẫn nhớ hình ảnh thầy giáo cao lớn với bộ râu dài, tóc bạc phơ, mùa đông mặc áo vest đội mũ nồi "đẹp như ông Tây" say sưa giảng bài. Môn Hình học của PGS Văn Như Cương bao giờ cũng bắt đầu bằng ví dụ về đồ vật xung quanh, gần gũi với học sinh, từ đó dẫn dắt đến nội dung bài học.

Chưa bao giờ Kim Chi thấy một giáo viên không dùng sách, vào lớp chỉ mang theo chiếc thước kẻ vẽ hình, có thể giảng bài rành mạch, dễ hiểu và thú vị đến vậy. "Giờ học của thầy rất thoải mái, không bài tập về nhà hay kiểm tra trên lớp, nhưng chúng em vẫn nắm rõ kiến thức. Thầy Cương còn thường xuyên nghĩ ra các đề Toán để thầy và trò cùng suy ngẫm, tìm cách giải", Kim Chi kể.

Ở trường, thầy Cương nổi tiếng hiền, chưa một lần nặng lời với học sinh, luôn giúp đỡ trò khi gặp khó khăn trong học tập cũng như cuộc sống. Với Chi và nhiều thế hệ học sinh trường Lương Thế Vinh, PGS Văn Như Cương gần gũi như người ông, người bố của mình. "Về trường Lương Thế Vinh có thầy Văn Như Cương như về nhà có ông, cảm giác rất an toàn, ấm áp", Kim Chi nói.

PGS Văn Như Cương qua đời ngày 9/10 khi 80 tuổi. Ảnh: Quỳnh Trang.

Trong khi các thành viên khác của Hội đồng từ chối, riêng thầy Văn Như Cương lại ngợi khen tinh thần "quyết tâm để được học ở Lương Thế Vinh" của cô học trò. Thầy thuyết phục Ban giám hiệu, cho Hằng được thử sức một tháng học ở trường, nếu kết quả tốt sẽ giữ lại.   Trần Thị Thu Hằng (31 tuổi, Hà Nội) từ khi học THCS Lương Thế Vinh luôn dành sự cảm ơn, kính trọng hiệu trưởng đã nhận mình vào trường. Năm đó, Hằng thiếu điểm để đỗ vào lớp 6 do ngày thi bị ốm nặng. Mẹ Hằng đến gặp Ban giám hiệu xin thêm cơ hội để con chứng minh đủ điều kiện vào trường.

"Nghe mẹ thông báo, tôi rất cảm kích. Qua một tháng, tôi được thầy cô đánh giá tốt, đặc biệt ở môn Toán nên được tiếp tục học tại trường. Ngày tôi cùng mẹ đến gặp thầy để cảm ơn, thầy xoa đầu tôi, cười nói Con làm tốt lắm. Lúc ấy, tôi rất hạnh phúc, cảm thấy yêu kính thầy và quyết gắn bó với ngôi trường này", Thu Hằng kể. Kết thúc THCS, chị tiếp tục thi đỗ và học ở THPT Lương Thế Vinh.

Nghe tin thầy Văn Như Cương mất, chị Lê Mai Hương (44 tuổi, Hà Nội) xúc động chia sẻ kỷ niệm với thầy trên Facebook: "Ngày con học cấp 2, thầy thương con nhà nghèo mà ham học, cứ đi dạy thêm trong khu Chuyên ngữ (THPT chuyên Ngoại ngữ) là lại vòng qua chở con đi. Ròng rã bao nhiêu năm, đến tận khi thi đại học".

Chị Hương cho biết, điểm Hình học không gian của thầy chị luôn đạt tuyệt đối và đam mê hình khối đến tận bây giờ. Đến khi mở trường Lương Thế Vinh, thầy nói "con cứ vào học, tiền học thầy cho", nhưng tiếc là chị đã không học.

Với cựu học sinh khóa 2014-2017 Đặng Thanh Vân (18 tuổi), ký ức về thầy Văn Như Cương không gắn liền với những giờ lên lớp mà là những điều nhắn nhủ về cách sống, đạo làm người.

"Thầy nhiều lần nói chúng em có thể trở thành những lao động chân chính, những nhà kỹ thuật có chuyên môn giỏi, những người nghiên cứu thành công… nhưng trước hết phải là người tử tế. Thầy cũng dạy chúng em phải có tấm lòng nhân ái, biết làm việc thiện dù rất nhỏ, thân thiện với mọi người. Và chính thầy đã là tấm gương của sự thân thiện, tử tế ấy", nữ sinh nói.

Dù tuổi cao, sức khoẻ yếu nhưng PGS Văn Như Cương luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động của học sinh trường Lương Thế Vinh. 

"Năm ngoái, thầy Cương vẫn cùng toàn thể học sinh dự lễ đón năm học mới. Khi đang phát biểu, thầy phải dừng lại để vào phòng nghỉ ngơi. Chúng em đều hiểu thầy bệnh, mệt lắm, nhưng vẫn cố gắng tham dự ngày lễ quan trọng của học trò. Đứa nào cũng xúc động, lo cho sức khoẻ của thầy và thầm cảm ơn thầy đã hết lòng tận tuỵ với chúng em", Thanh Vân kể. Thanh Vân kể mỗi sáng sớm đến trường luôn bắt gặp hình ảnh thầy Cương râu tóc bạc phơ tưới cây trong khuôn viên, tươi cười trò chuyện với học trò. Ngày trời mưa, thầy đứng trước phòng làm việc, mắt hướng về cổng trường dõi theo bước chân các trò ra về. Thầy luôn dặn dò bảo vệ che ô cẩn thận cho học sinh. Không dịp lễ Tết hay hoạt động lớn nào của trường vắng mặt thầy Cương, khi là cùng gói bánh chưng ngày Tết, lúc là hòa mình vào hội trại cuối năm...

5 năm học ở trường Lương Thế Vinh, Đặng Thanh Vân cảm thấy đây như là ngôi nhà thứ hai của em. Ở đó có những người anh em là bạn bè, những bố mẹ vừa quan tâm vừa nghiêm khắc là thầy cô giáo và người ông đáng kính là Chủ tịch Hội đồng quản trị Văn Như Cương. "Nếu không có môi trường giáo dục, kỷ luật tốt của trường, có lẽ em đã không thể đỗ đại học và thành người hiểu chuyện, biết cảm thông như ngày nay", tân sinh viên Đại học Hà Nội nói. 

Dù biết PGS Văn Như Cương bệnh nặng đã lâu nhưng sự ra đi của thầy ngày 9/10 vẫn khiến nhiều thế hệ học sinh hụt hẫng, "cảm giác như mất đi người cha, người ông trong gia đình".

0h27 ngày 9/10, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Lương Thế Vinh (Hà Nội), qua đời sau ba năm chống chọi với bệnh ung thư gan, hưởng thọ 80 tuổi. Sinh ra trong một gia đình nhà giáo ở Nghệ An, thầy Cương từng công tác tại Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Vinh, là tiến sĩ toán học, phó giáo sư, chủ biên của hơn 60 đầu sách liên quan đến Toán.

Thầy Cương thành lập trường THPT Lương Thế Vinh năm 1989, là trường dân lập đầu tiên tại Việt Nam kể từ năm 1975. Không chỉ là nhà giáo, nhà quản lý, thầy còn được biết đến với tài văn thơ, khả năng truyền lửa cho các thế hệ học trò và những phản biện sắc sảo trước các vấn đề nóng của giáo dục./.

Theo vnexpress