Sức vươn của một thành phố trẻ
Ngày 28 tháng 5 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký nghị định số 89/2007/NĐ-CP về việc nâng cấp thị xã Hà Tĩnh thành thành phố Hà Tĩnh. Đây là mốc lịch sử quan trọng với người dân Thành Sen. Trải qua 15 năm, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng thành phố Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế phát triển; an ninh, chính trị xã hội ổn định; diện mạo thành phố đã có nhiều đổi thay, mang dáng dấp của một đô thị hiện đại. Thành phố hiện có 16 xã, phường, với diện tích gần 56.32,64 ha, dân số hơn 202.000 người. Thành phố có công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch phát triển với tầm vóc mới. Hạ tầng giao thông được đầu tư hiện đại. Tháng 11/2019, thành phố đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới. Bên cạnh đó, nét thanh lịch, văn minh của người Thành Sen luôn được chú trọng xây dựng. Nhiều di tích lịch sử văn hóa được phục dựng và gìn giữ, trong đó có 02 di tích cấp quốc gia; 15 phường, xã đạt chuẩn quốc gia về y tế,…. Hệ thống chính trị trong trong sạch, vững mạnh, với 51 tổ chức cơ sở Đảng. Năm 2020, toàn thành phố đã huy động sức dân đóng góp 5.900 tỷ đồng chỉnh trang đô thị; ban hành bộ tiêu chí “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị kiểu mẫu”, tập trung xây dựng phường Nam Hà cơ bản đạt mẫu năm 2021, xây dựng 23 tổ dân phố mẫu. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 54 triệu đồng. Công tác cải cách hành chính dẫn đầu trong toàn tỉnh.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đổi mới, sáng tạo, bám sát cơ sở của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 của thành phố đã đạt được những kết quả tích cực: Kinh tế thành phố tiếp tục có bước tăng trưởng, đạt 6.03%; thu ngân sách đạt hơn 1.600 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 55 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,82%; có 97% hộ gia đình và 100% thôn, tổ dân phố văn hóa.
Trong những tháng đầu năm 2022, tổng thu ngân sách của thành phố ước đạt trên 244,9 tỷ đồng, tăng 58,6% so với cùng kỳ, các hoạt động sản xuất kinh doanh được phục hồi tốt trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 phức tạp. Phong trào xây dựng đô thị văn minh, nông thôn mới được triển khai gắn với việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển xuất kinh doanh. Đến nay, toàn thành phố có 11 ý tưởng sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2022; xây dựng chuỗi cửa hàng tiêu thụ nông sản Thành Sen Mart; triển khai nhiều mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Việc chỉnh trang đô thị được quan tâm, diện mạo một số khu vực của thành phố có nhiều khởi sắc. Công tác quản lý đất đai được tăng cường; nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp đô thị mới bước đầu có hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Những kết quả nêu trên đã cho thấy, Thành phố Hà Tĩnh đã và đang học tập và làm theo Bác một cách thiết thực, hiệu quả, qua đó đã xuất hiện hàng ngàn tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong lao động, sản xuất, công tác, học tập, góp phần đưa Thành phố Hà Tĩnh có được vóc dáng diện mạo như ngày nay. Thành Sen hôm nay đã và đang thực hiện tốt di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, thực sự tươi đẹp hơn sau 15 năm thành lập.
Hà Tĩnh sẽ là thành phố hiện đại, văn minh
Là một thành phố có nhiều lợi thế của một đô thị gần biển (cách 10 km), nhiều sông ngòi bao quanh, gần hồ Kẻ Gỗ, nằm trên con đường thiên lý Bắc - Nam, khí hậu ôn hòa, ít lũ lụt. Hệ thống đường ven biển giúp kết nối phát triển du lịch và kinh tế biển. Nằm ở vị trí trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, thành phố đã thu hút một lực lượng lao động trẻ bổ sung cho dân số của các xã, phường, tạo nên nguồn lực văn hóa - con người to lớn, đồng thời cũng tạo sự hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư trong cả nước. Với những điều kiện đó, Thành phố Hà Tĩnh có nhiều cơ hội để phát triển KT-XH nhanh và bền vững, nhất là trong bối cảnh tỉnh đang nỗ lực xây dựng tỉnh công nghiệp và duy trì vị thế một cực tăng trưởng của cả nước.
Mặc dù có tiềm năng và lợi thế như vậy nhưng so với nhiều đô thị của các tỉnh có KT-XH tương đồng, trong xu thế phát triển của chuỗi các đô thị miền Trung, Thành phố Hà Tĩnh vẫn có quy mô nhỏ bé, nền sản xuất chưa tiên tiến, thương mại - dịch vụ chưa thật sự sôi động, đặc biệt là vấn đề quy hoạch thành phố vẫn còn nhiều hạn chế. Đề án “Xây dựng và phát triển Thành phố Hà Tĩnh có quy mô phù hợp, hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, thông minh, phấn đấu trở thành một trong những đô thị trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” vừa được ban hành là “đòn bẩy” quan trọng cho sự phát triển nhanh và bền vững của Thành phố Hà Tĩnh nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung. Trọng tâm của đề án là phát triển không gian, đầu tư hạ tầng để thu hút đầu tư và phát triển vành đai xanh, gắn với quy hoạch phát triển KT-XH của tỉnh. Các giải pháp chủ yếu, đó là mở rộng không gian Thành phố Hà Tĩnh, đáp ứng tiêu chí đô thị theo các hướng Tây, Nam và hướng Đông. Trong đó, hướng Tây mở rộng đô thị vượt qua đường tránh quốc lộ 1A, kết nối với Khu công nghiệp và đầu mối giao thông cao tốc quốc gia (đường bộ, đường sắt); Phát triển những khu đô thị mới hiện đại, đồng bộ. Hướng Nam mở rộng đô thị kết nối với các khu phát triển hỗn hợp, khai thác cảnh quan hai bên sông Rào Cái, Trường Đại học Hà Tĩnh, khu đào tạo - nghiên cứu và sản xuất. Hướng Đông mở rộng đô thị vượt sông Rào Cái về phía Biển Đông để phát triển kinh tế biển, phát triển đô thị và nông nghiệp công nghệ cao kết nối với chuỗi đô thị ven biển của Tỉnh.
Thời gian tới, thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung, mở rộng không gian thành phố; kết nối giao thông thành phố với hệ thống giao thông quốc gia đảm bảo đồng bộ, hiện đại; đồng thời tiếp tục huy động nguồn lực xây dựng, chỉnh trang thành phố, mỹ quan đô thị, trồng cây xanh; xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao; khơi dậy sự sáng tạo, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể Nhân dân thi đua sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng đô thị văn minh, nông thôn mới, nhằm hoàn thành các chỉ tiêu KT-XH năm 2022 và những năm tiếp theo, tạo tiền đề để thành phố thực sự phát triển bền vững, hiện đại và đáng sống./.
Trọng Thắng