Dừng thanh tra vì cơ quan điều tra vào cuộc?
Trước đó, ngày 17/2, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành văn bản 2143/UBND-KSTTHCNC về việc chỉ đạo thanh tra tổng thể, toàn diện về quy hoạch đất đai, trình tự thủ tục đầu tư, xây dựng đối với 12 dự án sử dụng đất giai đoạn 2010 - 2021. Trong đó, xác định cụ thể trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra sai phạm (nếu có); trên cơ sở đó có kết luận và kiến nghị biện pháp xử lý đối với từng nội dung sai phạm; báo cáo chủ tịch tỉnh kết quả thực hiện và chỉ đạo những nội dung vượt thẩm quyền.
Trong danh sách 12 dự án bị thanh tra có dự án đầu tư xây dựng công trình Hạc Thành Tower. Tuy nhiên, ngày 7/3, UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn thay đổi dự án thanh tra, dừng thanh tra dự án này và thay vào đó là thanh tra dự án Khu công trình hỗn hợp và nhà ở tại Khu đô thị mới Nam thành phố Thanh Hóa, tại lô C4, C5 Khu đô thị mới Nam TP Thanh Hóa.
Liên quan đến thông tin dừng thanh tra dự án Hạc Thành Tower, trong chiều ngày 14/4, tại cuộc họp báo thường kỳ tại UBND tỉnh Thanh Hóa, trả lời báo chí, ông Mai Sỹ Diến - Chánh thanh tra tỉnh cho rằng: Dự án này hiện đang được cơ quan Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh làm.
Để tránh chồng chéo việc thanh, kiểm tra, Thanh tra tỉnh mới đề nghị rút dự án này ra khỏi danh sách thanh tra. Hiện cơ quan công an đang nghiên cứu hồ sơ.
Theo tìm hiểu, dự án đầu tư xây dựng công trình Hạc Thành Tower, năm phê duyệt 2011 có diện tích 0,3ha, địa chỉ tại phường Điện Biên, TP Thanh Hóa do Công ty Cổ phần Sông Mã (Công ty Sông Mã) làm chủ đầu tư.
Ai là chủ của Công ty Sông Mã?
Công ty Cổ phần Sông Mã được thành lập vào năm 2010, tiền thân là Công ty TNHH MTV Sông Mã, có trụ sở chính tại số 469 Lê Hoàn, phường Ngọc Trạo, thành phố Thanh Hoá. Tháng 5/2015, doanh nghiệp này cổ phần hóa thành công và đổi tên thành Công ty Sông Mã như hiện tại.
Trước cổ phần hóa, Công ty Sông Mã sở hữu các đơn vị như: Xí nghiệp xây dựng số 7; Xí nghiệp xây dựng số 9; Đội xây dựng số 10; Đội xây dựng số 11; Đội xây dựng số 12; Đội xây dựng số 14; Đội Xây dựng số 15; Cửa hàng ăn uống Nam Bắc Thành…
Ngoài ra, công ty này còn tham gia góp vốn vào 9 công ty liên doanh liên kết như: Công ty Cổ phần xây dựng Sông Mã số 2 (9,8%); Công ty Cổ phần xây dựng Sông Mã số 3 (22,7%); Công ty Cổ phần xây dựng Sông Mã số 6 (20,6%); Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Xây dựng Sông Mã (20%); Công ty Cổ phần Chợ Lam Sơn (10,1%); Công ty Cổ phần Xe khách Thanh Hóa (17,8%); Công ty Cổ phần ăn uống Phù Đổng (13,2%); Công ty Cổ phần sản xuất vật liệu Tự Lực (3,6%) và Công ty Cổ phần xây dựng Sông Mã số 8 (25%).
" Sau khi cổ phần hoá, Công ty Sông Mã đã "bỏ túi" một số dự án như: khu tái định cư Đông Vệ 5, khu tái định cư Đông Vệ 2, dự án Quảng trường Lam Sơn, khách sạn Sao Mai, công viên thể thao – phường Trường Thi, khu đô thị Núi Long….
Dữ liệu cho thấy, tháng 5/2016, Công ty Sông Mã đã giảm vốn điều lệ từ 35 tỷ đồng xuống còn 33,59 tỷ đồng. Lúc này, Tổng công ty Đầu tư Xây dựng và Thương mại Anh Phát - Công ty Cổ phần (Công ty Anh Phát) của ông Trịnh Xuân Nghiệm đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty Sông Mã từ 87,51% lên 91,164%. Còn đại diện phần vốn nhà nước (ông Lê Khắc Luận) nắm 7,576% và 66 cổ đông khác nắm 1,259%.
Tiếp đến tháng 12/2017, Công ty Sông Mã lại tăng vốn điều lệ lên gần gấp đôi, đạt 63,59 tỷ đồng. Song, thời điểm này Công ty Anh Phát đã thoái sạch vốn tại đây. Còn đại diện phần vốn nhà nước (ông Lê Khắc Luận) cũng đã thoái vốn, 66 cổ đông khác chỉ còn nắm giữ 0,212%.
Tính đến tháng 3/2018, vốn điều lệ của Công ty Sông Mã đã đạt 200 tỷ đồng. Hồi đầu tháng 12/2021, công ty đã tăng mạnh vốn điều lệ lên ba lần, đạt 600 tỷ đồng.
Phần vốn nhà nước ngày càng thu hẹp
Trước đây, người đại diện theo pháp luật của Công ty Sông Mã là tổng giám đốc Hoàng Văn Hưng (sinh năm 1976), sau đó chuyển giao cho ông Lê Tế Loan (sinh năm 1951). Ông Lê Văn Tám (sinh năm 1953) chính thức giữ chức tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty từ tháng 3/2017 đến nay.
Ông Lê Văn Tám cũng từng nắm vị trí chủ chốt tại hai pháp nhân khác là Công ty Cổ phần Thương mại Tiến Tài và Công ty Cổ phần xây dựng và dịch vụ thương mại Tân Tiến (Công ty Tiến Tài và Công ty Tân Tiến).
Công ty Tiến Tài được thành lập vào năm 2009, từng do ông Lê Văn Tám giữ chức chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật. Vốn điều lệ của công ty là 5 tỷ đồng.
Trước đây, cơ cấu cổ đông của công ty gồm: Lê Văn Tám (30%), Lê Thị Tâm (20%), Lê Thị Hạnh (20%) và Cao Thị Hiệp (30%). Tuy nhiên, đến tháng 3/2015, cổ đông Cao Thị Hiệp và Lê Thị Tâm đã chuyển nhượng hết cổ phần, còn ông Lê Văn Tám nâng tỷ lệ sở hữu lên 50%.
Còn Công ty Tân Tiến được thành lập vào năm 2005. Ông Lê Văn Tám từng giữ chức giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật tại doanh nghiệp này trước khi chuyển giao cho ông Lê Văn Tuân vào tháng 1 năm nay.
Công ty Anh Phát thành lập năm 2005, tiền thân là Công ty TNHH Anh Phát. Năm 2010, công ty chuyển từ mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn trở thành tổng công ty với nhiều công ty trực thuộc. Ông Trịnh Xuân Nghiệm đương nhiệm chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật.
Tháng 4/2016, công ty đã tăng vốn điều lệ từ 130 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng. Ông Trịnh Xuân Nghiệm nắm 70%, bà Đào Ngọc Dung nắm 20% còn ông Trịnh Văn Hiệu nắm 10%.
Tháng 2/2019, công ty tiếp tục tăng vốn điều lệ từ 800 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông vẫn giữ nguyên. Đến tháng 10/2020, vốn điều lệ giảm về còn 997 tỷ đồng rồi lại đột ngột tăng lên 1.200 tỷ đồng sau 2 tháng.
Sau nhiều lần thay đổi, tính đến tháng 12/2021, vốn điều lệ của Công ty Anh Phát đã đạt 2.000 tỷ đồng.