VNHN – Ngày 11/3/2021, Thanh Hóa tổ chức Phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 3 năm 2021. Tham dự có đồng chí Đỗ Minh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Phiên họp, cùng các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên UBND tỉnh; đại diện Thường trực HĐND tỉnh, Văn phòng HĐND tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ngành cấp tỉnh.
Đồng chí Lê Minh Nghĩa – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày dự thảo Kế hoạch tại Phiên họp
Phiên họp thường kỳ tháng 3 tiếp tục nghe, cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng. Cụ thể, phiên họp đã cho ý kiến vào dự thảo Kế hoạch hành động của UBND tỉnh thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Dự thảo Kế hoạch hành động của UBND tỉnh nêu rõ căn cứ Chương trình hành động số 04-CTr/TU (CTr 04) ngày 18/12/2020 của Ban chấp hành Đảng bộ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động nhằm quán triệt và chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả CTr 04. Dự thảo đề ra các nhiệm vụ và giải pháp trên 04 nhóm lĩnh vực cụ thể về kinh tế; khoa học – công nghệ, văn hóa – xã hội, tài nguyên và môi trường; quốc phòng – an ninh và xây dựng hệ thống chính trị.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn thống nhất với dự thảo Kế hoạch, yêu cầu đơn vị soạn thảo tiếp thu các ý kiến của đại biểu, khẩn trương hoàn chỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Sau khi nghe các ý kiến góp ý vào dự thảo Kế hoạch hành động của UBND tỉnh thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, phát biểu kết luận nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn thống nhất với dự thảo Kế hoạch, yêu cầu đơn vị soạn thảo tiếp thu các ý kiến của đại biểu, khẩn trương hoàn chỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Tiếp đó, Hội nghị cho ý kiến vào dự thảo cơ chế, chính sách phát triển cây gai xanh do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn soạn thảo. Dự thảo nêu rõ, phát triển cây gai xanh nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến sợi dệt sẽ từng bước hình thành một mô hình công nông nghiệp kết hợp, gắn sản xuất với chế biến theo chuỗi giá trị quy mô lớn; khi nhà máy sợi dệt đi vào hoạt động ổn định, nhu cầu nguyên liệu lớn thì cây gai xanh thực sự sẽ là cây xóa đói giảm nghèo và từng bước làm giàu cho nông dân. Nội dung cơ chế hỗ trợ đề xuất gồm: hỗ trợ chuyển đổi cây trồng lâu năm sang trồng gai xanh nguyên liệu; hỗ trợ một phần chi phí đầu tư sản xuất cây gai xanh năm đầu tiên; hỗ trợ mua máy tước vỏ gai và xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất gai tập trung, quy mô lớn.
Đồng chí Lê Đức Giang - Phó chủ tịch UBND tỉnh phát biểu
Phát biểu kết luận nội dung này, đồng chí Đỗ Minh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất xây dựng cơ chế chính sách phát triển cây gai. Góp ý cụ thể, đồng chí yêu cầu cần so sánh giá trị, hiệu quả trồng cây gai xanh so với các cây trồng khác, từ đó đưa ra sự cần thiết; đánh giá thực tiễn để đảm bảo chính sách xây dựng có ý nghĩa lâu dài. Về nội dung hỗ trợ, thống nhất sửa thành hỗ trợ chuyển đổi cây trồng lâu năm kém hiệu quả sang trồng gai xanh nguyên liệu, mức hỗ trợ 5 triệu đồng/ha; hỗ trợ mua giống gai lần đầu; hỗ trợ máy tước vỏ gai xanh. Yêu cầu đơn vị soạn thảo phối hợp với Sở Tư pháp nghiên cứu lại đối tượng, điều kiện, thủ tục hỗ trợ đảm bảo đúng quy định. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn chỉnh, báo cáo UBND tỉnh trước khi trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu Công nghiệp trình bày nội dung tại Phiên họp
Về Đề án thành lập Khu kinh tế Cửa khẩu Na Mèo, huyện Quan Sơn do Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu Công nghiệp soạn thảo. Báo cáo nêu rõ, Cửa khẩu Na Mèo là một trong 8 cửa khẩu quốc tế trên đường biên giới giữa nước Việt Nam với nước Lào; việc thành lập và đầu tư phá triển Khu kinh tế Cửa khẩu Na Mèo là cần thiết để tạo điều kiện phát triển và ổn định đời sống dân cư dọc biên giới, góp phần đẩy mạnh giao lưu kinh tế, văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái, quốc phòng an ninh khu vực biên giới. Khu vực dự kiến thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Na Mèo đáp ứng đủ 06 điều kiện tại Điều 16 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, đơn vị soạn thảo cũng nêu những khó khăn khi thành lập như: khó khăn về đất đai, quỹ đất bằng phẳng thuận lợi rất ít; hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn chỉnh, mạng lưới giao thông khó mở rộng; thiếu nguồn lao động; khó khăn về thị trường.
Góp ý vào dự thảo, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, trên cơ sở thực tiễn việc đầu tư Khu kinh tế Cửa khẩu Na Mèo giai đoạn 2021 – 2025 là chưa thực sự cần thiết, do vậy yêu cầu đơn vị soạn thảo hoàn chỉnh thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương thành lập trong giai đoạn 2021 – 2025; các bước tiếp theo về đầu tư xây dựng sẽ điều chỉnh sang giai đoạn sau.
Tại phiên họp các đồng chí cũng nghe, cho ý kiến vào Tờ trình về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 về “Khâu đột phá đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn” và Kế hoạch hành động thực hiện khâu đột phá về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Phiên họp thường kỳ tháng 3 năm 2021 đã đưa ra nhiều ý kiến và hướng phát triển quan trọng trong hiện tại và tương lai của tỉnh Thanh Hóa, đưa Thanh Hóa ngày một phát triển bền vững, vươn xa./.