Thường Xuân là một huyện miền núi nằm ở phía Tây tỉnh Thanh Hóa. Mảnh đất địa linh nhân kiệt với tên núi, tên sông, tên làng, tên bản đều gắn liền với cuộc khởi nghĩa của người anh hùng dân tộc Lê Lợi, với phong trào Cần Vương của danh nhân Cầm Bá Thước; đến với phong tục tập quán độc đáo của đồng bào các dân tộc Thái Đen, Thái Trắng, Mường, đồng bào vùng giáp ranh với nước bạn Lào và thưởng thức nhiều món ăn dân dã đậm đà khó quên, với món quế Ngọc nổi tiếng gắn liền nơi đây. Tận dụng những điều kiện thuận lợi, ưu thế tiềm năng của địa phương để phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái cộng đồng gắn với du lịch tâm linh. Những năm qua, chính quyền, các ngành chức năng của huyện đã và đang tập trung nguồn lực, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong phát triển du lịch và triển khai nhiều giải pháp nhằm từng bước đánh thức tiềm năng du lịch, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Sức hút từ tiềm năng phát triển du lịch huyện Thường Xuân
Không có bờ cát trắng, sóng vỗ ồn ào, náo nhiệt của Biển, Thường Xuân lại được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, đa dạng phong phú tạo nên một quần thể sinh thái hấp dẫn. Đó là lòng Hồ Cửa Đạt, Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên với nhiều loài động, thực vật tìm thấy ở đây được ghi trong sách đỏ thế giới và Việt Nam. Đó là hệ thống các hang động và thác nước đẹp mê hồn: Hang Lù, hang Lãm, hang Mường, hang Trăng Sáng, thác Thiên Thủy, thác Hón Yên, thác Trai Gái. Đó là các điểm du lịch tâm linh nổi tiếng: Với thác 7 tầng và đồi Bãi Tranh có phong cảnh kỳ thú, nơi đây có Khu di tích chùa Cửa Đạt - nơi thờ vị anh hùng dân tộc Cầm Bá Thước và Bà chúa Thượng Ngàn nằm trong quần thể Khu Di tích lịch sử Văn hóa Cửa Đạt; Sống lại không khí của Hội thề Lũng Nhai tại xã Ngọc Phụng - nơi này cách đây gần 600 năm Lê Lợi cùng 18 vị anh hùng dân tộc đã chích máu thề nguyền quyết tâm chống giặc Minh bảo vệ đất nước. Hàng năm, từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch, mỗi ngày khu di tích đón hàng ngàn khách thập phương tới dâng hương cầu phúc, cầu tài…Đến lễ chùa, mỗi du khách sẽ mang về cho mình một sản vật của vùng núi hoang sơ này mà người đi lễ chùa gọi đó là “lộc”. Những sản vật đơn sơ, mộc mạc, lạ mắt như cành quế, bó chè, nắm rau má, ống cơm lam…cũng góp phần hấp dẫn khách thập phương.
Quần thể di tích đền Cửa Đạt nơi thờ danh nhân Cầm Bá Thước và Bà chúa Thượng Ngàn
Ngoài ra, Thường Xuân còn có tiềm năng lớn về du lịch cộng đồng, nhiều làng nguyên sơ và nét Văn hóa truyền thống của người Thái, Mường đang còn được gìn giữ. Từ đường tỉnh lộ qua cây cầu treo vắt qua dòng sông Chu hiền hòa thơ mộng là bản Mạ (nay là Thôn Thanh Xuân ) xã Xuân Cẩm là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn của huyện. Cảnh quan nơi đây thơ mộng hữu tình, người dân sống rất hiền hậu, thật thà và hiếu khách. Đặc biệt, người dân vẫn còn lưu giữ được nét văn hóa đặc sắc của người Thái như: Đêm đến ngồi bên đống lửa trại cùng các chàng trai cô gái Thái ngây ngất bên chum rượu cần, đắm say với điệu múa xòe, nhảy sạp cùng tiếng khèn, tiếng cồng chiêng và khua luống vang vọng khắp núi rừng. Cùng với nhiều món ăn đặc trưng chỉ đồng bào Thái mới có như: Canh ui, măng rừng, canh đắng, thịt trâu gác bếp, cá nướng...
Du lịch cộng đồng bản Vịn thuộc xã Bát Mọt cũng nằm trong chiến lược phát triển du lịch cộng đồng của huyện năm 2019. Đây là một bản làng người Thái được thiên nhiên ban tặng cho nhiều cảnh đẹp hoang sơ, có tiềm năng du lịch sinh thái. Nơi đây được ví như một Tam Đảo hay Sapa của huyện Thường Xuân. Để đến được đây du khách phải vượt hơn 50km đường rừng với 2 bên đường là những cánh rừng thăm thẳm ngút ngàn và nhưng cung đèo uốn lượn quanh co. Một trong những điểm đến trên bản Vịn khá thú vị là Thác suối Liềm. Con thác này có phong cảnh còn hoang sơ, nằm cách xa khu vực dân cư và phải mất khoảng 2 tiếng đi bộ để đến được thác.
Khu du lịch cộng đồng Bản Mạ điểm đến hấp dẫn cho du khách
Ngoài ra Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên với đỉnh Pù gió cao 1.600m, Hồ Cửa Đạt - hồ Thủy lợi lớn nhất Đông Nam Á cũng là một đại dương xanh nơi hội sơn tụ thủy, thắng tích, cảnh đẹp mê hồn. Thác Yên hiền hòa thơ mộng, thác Thiên Thủy hùng vĩ tráng lệ…bên những cánh rừng nguyên sinh hoang sơ với nhiều loài động thực vật quý hiếm, là những trải nghiệm du lịch sinh thái tuyệt vời cho du khách vào mỗi dịp hè về. Du thuyền 10km thưởng ngoạn cảnh sắc hồ Cửa Đạt và dã bộ 300m Thác Yên hùng vĩ nước đổ tung bọt trắng xóa ví như dải lụa trời phơi trắng, tiếp tục len lỏi trong ngút ngàn của rừng xanh. Các làng nghề truyền thống cũng là một trong những thế mạnh trong phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng như: Nghề dệt thổ cẩm, đan lát, thủ công mỹ nghệ, mộc, chưng cất tinh dầu quế,…
Hồ Cửa Đạt – Một cùng thắng tích “hội sơn tụ thủy” với nhiều phong cảnh thiên nhiên kỳ thú mà yên bình
Năm năm qua, du lịch của huyện Thường Xuân đã đạt được những bước phát triển đáng mừng và đạt được những kết quả bước đầu, đó là: Xây dựng được đề án phát triển du lịch tổng thể huyện Thường Xuân đến năm 2020, tầm nhìn 2025 và các đề án phát triển du lịch cộng đồng; đề án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên; định hướng quy hoạch các khu, điểm du lịch, trong đó đã thực hiện việc rà soát bổ sung kế hoạch sử dụng đất cho phát triển du lịch đưa vào quy hoạch. Hàng năm, UBND huyện xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ của đề án phát triển du lịch. Quan tâm bố trí nguồn ngân sách và tranh thủ được các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, trong đó tập trung vào hạ tầng điện, đường, viễn thông; ban hành cơ chế khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, quan tâm đầu tư trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử nhằm phát huy giá trị di tích gắn với nhiệm vụ phát triển du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, lễ hội. Quy hoạch và lập hồ sơ đề nghị tỉnh xếp hạng được các điểm, khu du lịch và thu hút được đông khách tham quan như: Điểm du lịch đền thờ Cầm Bá Thước và bà chúa Thượng ngàn, Điểm du lịch hồ Cửa Đạt, Khu du lịch cấp tỉnh Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên; Khu Nông trại học đường Golden Cow Lương Sơn, Điểm du lịch cộng đồng Bản Mạ, bản Vịn (chưa xếp hạng). Tốc độ tăng trưởng khách du lịch đạt từ 15,2%/năm đến 17,8%/năm. Năm 2019, số lượng khách du lịch đạt trên 123 nghìn lượt người, tăng hơn 1,64 lần so với năm 2015; đóng góp trực tiếp ước đạt trên 15,1 tỷ đồng, cả gián tiếp và lan tỏa ước đạt trên 20 tỷ giai đoạn 2015 - 2020. Hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch từng bước được quan tâm đầu tư. Giai đoạn 2015 - 2019, tổng mức đầu tư phát triển hạ tầng du lịch lên đến trên 85,9 tỷ đồng bao gồm vốn ngân sách Nhà nước và nguồn huy động, đóng góp. Loại hình sản phẩm, dịch vụ du lịch từng bước được hình thành. Chất lượng phục vụ từng bước được cải thiện và nâng cao, đặc biệt là loại hình du lịch lễ hội và du lịch cộng đồng. Các doanh nghiệp tham gia đầu tư làm du lịch bắt đầu có sự quan tâm và đã tạo được một số sản phẩm du lịch. Sự đóng góp của ngành Du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện; hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên gắn với phát triển du lịch được quan tâm; tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập, quảng bá hình ảnh, tiềm năng và con người Thường Xuân.
Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên được biết đến là một trong 5 trung tâm đa dạng sinh học lớn của Việt Nam
Mục tiêu của huyện Thường Xuân đến năm 2025, du lịch và dịch vụ của huyện cơ bản trở thành ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; cơ bản có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ; sản phẩm du lịch đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa, cạnh tranh được với các địa phương trong tỉnh. Về lượng khách, phấn đấu thu hút được 1 triệu lượt khách du lịch nội địa, trong đó tập trung phát triển khách du lịch nội tỉnh và dần dần mở rộng ra thị trường ngoại tỉnh và hướng tới thu hút khách quốc tế để tạo ra giá trị sản phẩm và thu nhập cao. Tổng doanh thu ước đạt trên 50 tỷ; giá trị tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thông qua du lịch ước đạt từ 7-10 tỷ đồng; tạo ra nhiều việc làm, trong đó lao động làm việc trực tiếp trong ngành du lịch tăng hàng năm. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch trở thành ngành có tốc độ tăng trưởng cao trong cơ cấu kinh tế của Huyện, thúc đẩy tốt sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác; Thường Xuân thuộc nhóm các địa phương có ngành Du lịch phát triển khá trong tỉnh. Phải đảm bảo được tính bền vững, kết hợp được công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trong phát triển du lịch, dịch vụ của huyện.
Với những lợi thế thuận lợi để phát triển du lịch, hy vọng rằng, tương lai không xa du lịch huyện Thường Xuân sẽ có những bước phát triển vượt bậc, xứng tầm với vị thế tiềm năng vốn có, trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài tỉnh./.