Thời gian qua, công cuộc chuyển đổi số quốc gia do ngành Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng, triển khai thực hiện với mục tiêu kép: Vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh của Việt Nam để vươn ra thế giới ngày càng được lan tỏa sâu rộng trên toàn quốc, góp phần hiện thực hóa khát vọng vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Nắm bắt được xu thế tất yếu của việc chuyển đổi số hiện nay là rất cần thiết, tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai đề án phát triển khu công nghệ thông tin tập trung và phát triển một số sản phẩm công nghệ thông tin mũi nhọn. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ số về tìm hiểu, đầu tư vào Thanh Hoá. Đây sẽ là những điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số, tạo ra động lực đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đưa Thanh Hoá sớm trở thành một trong những trung tâm chuyển đổi số của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước.
Để thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp công nghệ số phù hợp với nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành kế hoạch số 77 về việc phát triển doanh nghiệp công nghệ số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 và giai đoạn 2026 – 2030. Trong đó, đưa ra nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp công nghệ số như: Tư vấn, hỗ trợ việc đăng ký và thành lập doanh nghiệp công nghệ số mới; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ số về thủ tục gia nhập thị trường. Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin; Hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số công bố danh mục sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, tiếp cận thị trường…
Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 được xác định, toàn tỉnh có ít nhất 100 doanh nghiệp công nghệ số, trong đó ít nhất có 10 doanh nghiệp công nghệ số phát triển sản phẩm, giải pháp, dịch vụ công nghệ thông tin trọng điểm phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử hướng đến Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số và đảm bảo an toàn, an ninh mạng được đưa vào ứng dụng thực tế tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có ít nhất 150 doanh nghiệp công nghệ số, trong đó ít nhất có 15 doanh nghiệp làm chủ công nghệ, cung cấp các sản phẩm, giải pháp phần mềm phục vụ Chính quyền điện tử hướng đến Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số và đảm bảo an toàn, an ninh mạng được đưa vào ứng dụng thực tế trên địa bàn tỉnh và các địa phương khác trên cả nước.
Nhằm đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Thanh Hoá nêu rõ kế hoạch tập trung vào 04 nhóm đối tượng doanh nghiệp, gồm: Các doanh nghiệp công nghệ thông tin đã khẳng định được thương hiệu, có hướng nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ số và chủ động trong sản xuất; Các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội; Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo về công nghệ số; Khuyến khích các doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số, đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi, ứng dụng thành tựu công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, để thực hiện kế hoạch, UBND tỉnh Thanh Hoá cũng đề ra các nhóm giải pháp chính: Hoàn thiện các chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp; Phát triển hạ tầng số, sản phẩm công nghệ số; Phát triển nhân lực công nghệ số; Phát triển thị trường cho doanh nghiệp; Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về phát triển doanh nghiệp công nghệ số.
Được biết, qua rà soát, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có 92 doanh nghiệp sản xuất phần mềm, phân phối sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin. Trong đó nhiều doanh nghiệp đã cung cấp những dịch vụ, giải pháp công nghệ thông tin có hàm lượng chất xám cao, tiêu biểu như VNPT Thanh Hoá, Mobifone, Viettel, Công ty cổ phần Thương mại công nghệ G8…
“Theo các Doanh nghiệp, muốn chuyển đổi số thành công thì yếu tố quyết định vẫn là con người. Bởi, chuyển đổi số không đơn thuần là công nghệ mà còn là tư duy, phải làm sao cho lãnh đạo DN và nhân viên chủ động hơn khi thực hiện để tạo ra những giá trị”.
Theo quan điểm của doanh nhân Đinh Văn Linh, Giám đốc của một công ty chuyên sản xuất ống nhựa cao cấp có địa chỉ tại KCN Lễ Môn thành phố Thanh Hoá nhìn nhận “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp, cấp lãnh đạo có thể hoàn toàn chủ động trong việc theo dõi các báo cáo, đánh giá hoạt động của doanh nghiệp, hiệu suất làm việc của nhân viên bất cứ lúc nào nhờ hệ thống theo dõi và báo cáo tự động. Nhờ đó, tất cả thông tin và số liệu về công việc đều được thể hiện rõ ràng, minh bạch, chính xác và nhanh chóng. Những số liệu này giúp ích cho người đứng đầu doanh nghiệp rất nhiều trong quá trình ra quyết định và hoạch định chiến lược quản trị. Chuyển đổi số trong doanh nghiệp giúp cải thiện và nâng cao năng suất làm việc của nhân viên nhờ giảm thiểu được những công việc thủ công, tốn nhiều thời gian. Nhờ vậy, nhân sự của doanh nghiệp có thể tập trung nhiều hơn vào chuyên môn và tăng hiệu quả công việc. Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp có thể vận hành mọi lúc, mọi nơi. Nếu như trước đây, nhân viên khó có thể làm việc tại nhà hay xử lý những việc phát sinh ngoài giờ do không có tài liệu, máy móc tại chỗ. Vậy giờ đây, mọi người đã có thể làm việc tại nhà với chỉ một chiếc máy tính hoặc điện thoại, nhờ đó, nhân sự doanh nghiệp có thể làm việc mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, việc phát triển doanh nghiệp công nghệ số cũng đòi hỏi rất nhiều nguồn lực về vốn, trình độ nhân lực và về tư duy đổi mới của doanh nghiệp để tiếp cận những xu hướng công nghệ mới, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ”.
Có thể nói, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và rất cần thiết nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, sức cạnh tranh của các ngành, các sản phẩm, các doanh nghiệp và cả nền kinh tế của tỉnh. Là phương thức để thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội văn minh, hiện đại, tiến bộ, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh; nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng, hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Chính vì vậy mỗi doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá cần tập trung tiếp cận và hòa mình vào quá trình chuyển đổi số, vì lợi ích doanh nghiệp cũng như sự phát triển của quê hương ngày càng giàu đẹp./.
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud Computing)... thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa doanh nghiệp.