06/02/2025 lúc 15:46 (GMT+7)
Breaking News

Thanh Hoá: Bức tranh kinh tế - xã hội với nhiều điểm sáng trong Quý I

Trong quý I năm 2023, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, song tình hình kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh Thanh Hoá vẫn giữ được ổn định và tiếp tục phát triển. Cho thấy bức tranh kinh tế - xã hội có bước khởi sắc với nhiều điểm sáng.

Đồng chí Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Họp báo

Chiều ngày 14/04, UBND tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức họp báo thường kỳ, thông tin nhiều nội dung quan trọng về tình hình phát triển kinh tế - xã hội quý I, nhiệm vụ trọng tâm quý II/2023; Đại diện lãnh đạo UBND huyện Thọ Xuân cũng đã thông tin về Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn năm 2023, kỷ niệm 1018 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Lê Hoàn, đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và tổ chức Tuần lễ Văn hóa - Du lịch - Ẩm thực huyện Thọ Xuân năm 2023, các hoạt động này diễn ra từ ngày 24/4 – 28/4/2023 (tức ngày 05/3 – 09/3 Quý Mão), địa điểm tổ chức tại Đền thờ Lê Hoàn, xã Xuân Lập, Thọ Xuân, Thanh Hoá. Hội nghị cũng đã thông tin về chương trình lễ kỷ niệm 60 năm thành lập đô thị Sầm Sơn, khánh thành Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội thành phố Sầm Sơn và khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2023 được tổ chức vào lúc 20h ngày 22/4/2023 tại sân khấu Quảng trường biển Sầm Sơn.

Đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý I, nhiệm vụ trọng tâm quý II-2023.

Theo đó, Trong 3 tháng đầu năm, kinh tế tiếp tục tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 6,21%; sản xuất nông nghiệp đạt kết quả khá toàn diện. Sản xuất công nghiệp - xây dựng tuy phải đối mặt với những biến động khó lường từ các thị trường trong nước và thế giới; song các doanh nghiệp đã nỗ lực khắc phục khó khăn về nguồn nguyên, vật liệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tập trung đẩy mạnh sản xuất ngay từ đầu năm, có thêm một số cơ sở công nghiệp mới đi vào hoạt động, nên sản xuất công nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 4,55% so với cùng kỳ; có 17/26 sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ. Công tác lập, trình phê duyệt quy hoạch được các đơn vị tích cực thực hiện.

Trong quý I có thêm 6 xã đạt chuẩn NTM, 18 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; lũy kế đến nay toàn tỉnh có 12 đơn vị cấp huyện, 352 xã đạt chuẩn NTM, 75 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 12 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có thêm 25 sản phẩm được xếp hạng OCOP cấp tỉnh, nâng tổng số sản phẩm OCOP cấp tỉnh lên 317 sản phẩm…

Tỉnh đã đưa vào hoạt động một số dự án chăn nuôi quy mô lớn trong lĩnh vực nông nghiệp như: Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa; Dự án Chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa; Khu chăn nuôi lợn giống và thương phẩm ứng dụng công nghệ cao DABACO Thanh Hóa...

Nhiều lĩnh vực thuộc ngành dịch vụ phục hồi và phát triển mạnh, đặc biệt là du lịch, vận tải... Toàn tỉnh ước đón 2,25 triệu lượt khách, tăng 26% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch ước đạt 2.056 tỷ đồng, tăng 24,5%; vận chuyển hành khách tăng 66,2%, vận tải hàng hóa tăng 30%, doanh thu vận tải tăng 35,4% so với cùng kỳ.

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn quý I năm 2023 ước đạt 10.382 tỷ đồng, đạt 29,1% dự toán tỉnh giao, giảm 20,4% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 6.232 tỷ đồng, đạt 28,5% dự toán, giảm 25,1% so cùng kỳ, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 4.150 tỷ đồng, đạt 30,0% dự toán, giảm 12,1% so với cùng kỳ.

Trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 14 dự án đầu tư (1 dự án F1) với tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 7.738 tỷ đồng và 1 triệu USD, điều chỉnh tăng vốn 1 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn 42 triệu USD. Huy động vốn đầu tư phát triển tăng so với cùng kỳ, ước đạt 32.526 tỷ đồng, bằng 23,2% kế hoạch, tăng 1,8% so với cùng kỳ... Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, là tỉnh thứ 4 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch. Đến ngày 20/3, có 471 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đạt 15,7% KH, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và thứ 8 các nước, có 270 doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động. Đã giải quyết việc làm cho 13.500 lao động, cấp mới, cấp lại, gia hạn giấy phép lao động cho 247 lao động nước ngoài muốn làm việc tại tỉnh.

Dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh tiếp tục được kiểm soát, tạo môi trường ổn định cho kinh tế - xã hội phát triển. Văn hóa - xã hội chuyển biến tiến bộ, giáo dục mũi nhọn đạt kết quả khá, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đời sống của Nhân dân ổn định. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đạt kết quả tích cực.

Đại diện lãnh đạo huyện Thọ Xuân thông tin về việc tổ chức Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn năm 2023, đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Tuần lễ Văn hóa - Du lịch - Ẩm thực huyện Thọ Xuân năm 2023.

Tại buổi họp báo, đại diện các cơ quan báo chí đã đồng thuận và đánh giá cao kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua; đồng thời có nêu một số vấn đề dư luận quan tâm như: Công tác quản lý các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh; Giải pháp để thu hồi công nợ của một số doanh nghiệp nợ, chậm đóng BHXH cho người lao động; Đã có hướng dẫn cụ thể về công tác phòng cháy, chữa cháy cho các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân chưa; Tại sao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, Thanh Hóa đã tụt xuống vị trị thứ 47 trên bảng xếp hạng 63 tỉnh thành; Tiến độ trả tiền đền bù dự án đường giao thông Vạn Thiện đi Bến En cho người dân trong diện giải phóng mặt bằng (thuộc địa bàn Như Thanh) còn chậm; Xem xét lại vấn đề chấm dứt một số hợp đồng lao động tại các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND thành phố Thanh Hoá…Những vấn đề này đã được các sở, ngành, huyện, thị, thành phố liên quan tiếp thu, trả lời và làm rõ.

Trong quý II/2023, UBND tỉnh nhận thấy vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách, cả hệ thống chính trị phải tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội; trong đó nhấn mạnh đến một số vấn đề, như: Nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, kịp thời hỗ trợ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, nhất là các doanh nghiệp có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách và giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về bất cập vốn vay, đơn giá vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về công tác phòng cháy, chữa cháy… Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn, tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước các cấp và vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành các hoạt động của cơ quan, địa phương, đơn vị. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, xử lý nghiêm các trường hợp gây khó khăn, phiền hà trong thực thi công vụ, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành và tính nghiêm minh của pháp luật. Nâng cao chất lượng hiệu qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng…

Phát biểu tại buổi họp báo, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng cảm ơn các phóng viên đã có những chia sẻ, góp ý thẳng thắn và nêu ra những vấn đề dư luận quan tâm để tỉnh Thanh Hóa nắm bắt và chỉ đạo kịp thời. Đồng thời, khẳng định, trên tinh thần cầu thị, lắng nghe, chia sẻ, đồng hành, mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục có những thông tin đa chiều, tiếp tục quảng bá tuyên truyền hình ảnh xứ Thanh ra thế giới; đóng góp cho sự phát triển của tỉnh và phục vụ tốt nhất cho người dân tỉnh nhà. Qua đó, đề nghị lãnh đạo các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí trong việc cung cấp, trao đổi thông tin kịp thời trước những vấn đề dư luận quan tâm./.

Hải Nam