23/01/2025 lúc 02:53 (GMT+7)
Breaking News

Thanh Hóa: “Công chức, viên chức rất lười đọc sách!”

VNHN - Thư viện tỉnh Thanh Hóa tọa lạc trên một diện tích rộng với cơ sở vật chất khang trang, thiết bị hiện đại được tỉnh đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động từ 2016.

VNHN - Thư viện tỉnh Thanh Hóa tọa lạc trên một diện tích rộng với cơ sở vật chất khang trang, thiết bị hiện đại được tỉnh đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động từ 2016. Mặc dù số lượng bạn đọc chỉ đứng sau Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tuy nhiên số lượng lớn này không phải lực lượng nòng cốt là công chức viên chức mà là học sinh sinh viên và người ngoài tuổi lao động.

Hiện trong thư viện có khoảng 430.000 bản sách; 172 loại báo, tạp chí; có 120 máy tính phục vụ bạn đọc; có khoảng 6000 bạn đọc tại chỗ và hàng chục ngàn bạn đọc lưu động. Mỗi ngày có khoảng từ 15 đến 20 người đến thư viện làm thẻ. Bạn đọc đến thư viện nhiều vào mùa thi; từ tháng 10 đến tháng 12 thì bạn đọc ít hẳn; có khoảng 100 người hay lui tới thư viện để nghiên cứu; khoảng gần 1000 các bác về hưu là bạn đọc thường xuyên của thư viện. Tổng có khoảng 40.000 bạn đọc trong và ngoài thư viện.

Bên trong thư viện khá là khang trang và sạch sẽ

Hằng năm thư viện bổ sung các đầu sách mới từ nhiều nguồn khác nhau: nguồn kế hoạch nhà nước cung cấp tại chỗ khoảng 500 triệu; nguồn tài trợ (quỹ châu Á, các nhà văn nhà thơ); nguồn sách biếu tặng và sách chương trình mục tiêu quốc gia. Tính chung có khoảng từ 10 đến 12 ngàn bản/ năm được bổ sung vào thư viện. Có thể thấy nguồn sách trong thư viện khá phong phú đủ để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc nhiều lứa tuổi từ việc học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đến nghiên cứu chuyên sâu.

Sách đọc nhiều, mượn nhiều chủ yếu là sách văn học (truyện kí, văn thơ, tiểu thuyết); tiếp đến sách thiếu nhi, sách giáo dục, các sách về xây dựng nông thôn mới và kĩ thuật nông nghiệp, một số sách nghiên cứu. Hiện thư viện có 6 phòng chức năng, có 40 cán bộ nhân viên trong đó có 12 cán bộ trực tiếp phục vụ bạn đọc.

Trao đổi với PV VNHN, ông Đỗ Hữu Cương – Giám đốc Thư viện cho biết: “Đối tượng bạn đọc của thư viện khá đông, có thể nói là chỉ đứng sau Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh nhưng chủ yếu là học sinh sinh viên và người ngoài tuổi lao động. Công chức, viên chức rất lười đọc sách. Hầu như không thấy công chức, viên chức đến thư viện!”.

Chủ yếu là các cháu học sinh đến để học tại thư viện

Như vậy, đối tượng cần thường xuyên bổ sung nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ nhằm triển khai một cách có hiệu quả chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước là công chức, viên chức thì lại hầu như không xuất hiện nơi Thư viện (cả việc đọc sách tại thư viện và mượn sách về nhà đọc). Biết rằng chúng ta đang sống trong thời đại kĩ thuật số, mọi kiến thức có thể được tìm kiếm trên mạng internet. Tuy nhiên, hệ thống kiến thức chính thống được cán bộ nhân viên của Thư viện chắt lọc đưa vào lưu trữ tại Thư viện là cần thiết cho công chức, viên chức tiếp nhận một cách có hệ thống, tránh chệch luồng. Hơn nữa, để tôn vinh văn hóa đọc, không ai khác lại phải chính là công chức viên chức tiên phong, nhưng tiếc rằng lực lượng nắm giữ cán cân tri thức này đã, đang tự lãng quên trách nhiệm lớn lao của mình. Đây có lẽ là điểm mấu chốt khiến lực lượng nòng cốt được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó hết lòng “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” ngày càng trở nên trì trệ, tự mãn, cửa quyền, xa dân./.