VNHN - Người xưa có câu “Tháng Giêng là tháng ăn chơi “, là thời điểm mà các lễ hội trên khắp cả nước được mở ra chào đón du khách thập phương tới thăm quan hay làm lễ. Đến Bắc Ninh thời điểm này cũng vậy,có Hội Lim – một lễ hội được xem là truyền thống nhất ở nơi đây và là một trong 18 lễ hội lớn nhất cả nước.
Hội Lim là hội của những làng xã cổ nằm quanh núi Lim và đôi bờ sông Tiêu Tương, là lễ hội lớn trong vùng, thể hiện một cách sâu nhất văn hóa nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh của người dân xứ Kinh Bắc.
Khách thập phương tham gia Hội Lim ( ảnh sưu tầm)
Có truyền thống từ rất lâu đời, có rất nhiều truyền thuyết được truyền miệng từ đời này sang đời khác ở nơi đây để nói về nguồn gốc của Hội Lim và truyền thuyết Trương Chi – Mị Nương, với tiếng hát của chàng Trương Chi được xem là tiêu biểu nhất cho nguồn gốc của hội này.
Tiếp nối truyền thống từ viên quận công Đỗ Nguyên Thụy – người thôn Đình Cả, Nội Duệ, xứ Kinh Bắc đã tự hiến nhiều ruộng vườn và tiền của cho tổng Nội Duệ trùng tu đình chùa, mở mang hội hè, gìn giữ thuần phong mỹ tục. Vào khoảng thế kỷ 18, khi quan trấn thủ xứ Thanh Hóa Nguyễn Đình Diễn cũng là người thôn Đình Cả, Nội Duệ, xứ Kinh Bắc, có nhiều công lao với triều đình, được phong thưởng nhiều bổng lộc, đã tự hiến nhiều ruộng vườn và tiền của cho tổng Nội Duệ tiếp tục trùng tu đình chùa, mở mang hội hè
.
Phần lễ rước Kiệu tại Hội Lim ( ảnh sưu tầm )
Ông còn cho xây dựng trước phần lăng mộ của mình đặt tên là lăng Hồng Vân trên núi Lim. Do có nhiều công lao với hàng tổng và việc ông đặt hậu ở chùa Hồng ân, nên khi ông mất nhân dân tổng Nội Duệ đã tôn thờ làm hậu thần, hậu Phật hàng tổng. Mỗi năm hai dịp vào "ngày sinh" và "ngày hóa" của ông tại lăng Hồng Vân và chùa Hồng ân trên núi Lim.
Trải theo tháng năm lịch sử, hội Lim đã có nhiều lớp văn hóa, trong đó người ta chỉ tổ chức tế lễ hậu thần vào một dịp là ngày 13 tháng giêng trùng với hội chùa Lim, trên cơ sở lễ hội truyền thống của các làng trong tổng Nội Duệ (bao gồm 6 xã phường: Nội Duệ (Đình Cả và Lộ Bao), Nội Duệ Khánh, Nội Duệ Nam, Lũng Giang, Xuân Ổ và phường hát cửa đình Tiên Du (sau là Duệ Đông). Chính vì vậy mà có hội Lim và đây được xem là hội hàng tổng.
Sáng ngày 13/1 Âm lịch hàng năm, Hội Lim được mở đầu bằng lễ rước. Đoàn rước với đông đảo người dân tham gia trong những bộ lễ phục ngày xưa, sặc sỡ sắc màu và cũng vô cùng cầu kì, đẹp mắt kéo dài tới cả gần km.
Trong ngày lễ, có nhiều nghi lễ và tục trò dân gian nổi tiếng, trong đó có tục hát thờ hậu. Toàn thể quan viên, hương lão, nam đinh của các làng xã thuộc tổng Nội Duệ phải tề tựu đầy đủ tại lăng Hồng Vân để tế lễ hậu thần. Trong khi tế có nghi thức hát quan họ thờ thần.
Để hát thờ, các liền anh, liền chị hát quan họ nam và nữ của tổng Nội Duệ đứng thành hàng trước cửa lăng hát vọng vào. Trong khi hát, họ chỉ được hát những giọng lề lối để ca ngợi công lao của thần.
Sau phần lễ , là tới phần hội, phần mà du khách hầu hết đều muốn có mặt để tham dự :
“Hội Lim ai thấy chẳng thèm,
Tổ tôm, bài điếm, giò nem thiếu gì.
Đồn sắp có dệt cửi thi,
Cao lâu trăm thức thiếu gì thức ngon”
Có thể thấy, một hội lớn như Hội Lim thì phần hội sẽ có rất nhiều trò chơi dân gian được tổ chức với mục đích thể hiện những mong muốn trong năm mới của người dân làng Hội Lim được mưa thuận gió hòa, vạn sự tốt lành đồng thời thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách thập phương về trẩy hội.
Phần thi bắt dê tại Hội Lim ( ảnh sưu tầm )
Các hội được tổ chức như là : hát trống quân, hát chèo, ca trù, hát tuồng và hát quan họ. Còn có nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm…
Trò Đánh Đu tại Hội Lim ( ảnh sưu tầm )
Hội thi hát diễn ra khoảng gần trưa, được tổ chức theo hình thức du thuyền hát quan họ. Tại một hồ nước nhỏ sát bên cánh đồng làng Lim, chiếc thuyền hình rồng được sơn son thiếp vàng rời bến trong những câu hát đậm đà nghĩa tình. Một bên thuyền là các liền chị, các liền anh thì đứng hoặc ngồi sát hai phía đầu và cuối thuyền. Đây là phần được mong chờ nhất lễ hội.
Phần thi hát Quan Họ tại Hội Lim ( ảnh sưu tầm )
Về với Hội Lim là về với không gian âm nhạc, thơ ca náo nức đến xao xuyến lòng người, ẩn chứa cả sức sống mùa xuân của con người và vạn vật. Mỗi một phần hội lại thể hiện cách chơi độc đáo, mỗi cử chỉ giao tiếp đều mang trong đó một sắc thái văn hoá cao.
Và nếu du khách thập phương có dịp được thưởng thức những khúc quan họ do chính những nghệ nhân mảnh đất Kinh Bắc hát, chắc hẳn sẽ là một trải nghiệm khó quên.