29/12/2024 lúc 09:32 (GMT+7)
Breaking News

'Thẳm sâu' ký ức Truông Bồn

VNHNO - Những tượng đài sừng sững ở Truông Bồn (Mỹ Sơn, Đô Lương, Nghệ An) như tạc vào thời gian chiến công bất tử của những chàng trai, cô gái TNXP chống Mỹ, cứu nước năm nào. Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau khúc tráng ca 50 năm trước của lực lượng TNXP là cả một tập thể những người nông dân Mỹ Sơn đã kề vai, sát cánh, sẻ sắn, nhường khoai; trở thành hậu phương vững chắc, tiếp lửa cho tiền tuyến Truông Bồn. Và, cũng mấy ai hiểu được vì sao Truông Bồn được ví là tọa độ lửa một thời chiến tranh k

VNHNO - Những tượng đài sừng sững ở Truông Bồn (Mỹ Sơn, Đô Lương, Nghệ An) như tạc vào thời gian chiến công bất tử của những chàng trai, cô gái TNXP chống Mỹ, cứu nước năm nào. Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau khúc tráng ca 50 năm trước của lực lượng TNXP là cả một tập thể những người nông dân Mỹ Sơn đã kề vai, sát cánh, sẻ sắn, nhường khoai; trở thành hậu phương vững chắc, tiếp lửa cho tiền tuyến Truông Bồn. Và, cũng mấy ai hiểu được vì sao Truông Bồn được ví là tọa độ lửa một thời chiến tranh khốc liệt…  

Khu mộ - nhà che mộ 13 anh hùng liệt sĩ TNXP 110m2, nhà tưởng niệm 1.240 anh hùng liệt sĩ Ở Khu di tích Truông Bồn

Cung đường chiến lược 30 (nay là tuyến đường 15A), trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là tuyến đường vận tải mặt đất quan trọng, là mạch máu giao thông chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Trong đó, Truông Bồn trở thành tọa độ lửa, là “túi bom” hứng chịu sự bắn phá vô cùng ác liệt của không quân Mỹ, là vì nơi đây ở vào vị trí độc đạo, truông dốc; lại chỉ cách Hang Thung (thuộc xã Trù Sơn) chưa đầy 10 km, nơi đặt là kho quân nhu của miền Bắc lúc đó.

Đánh phá ác liệt Truông Bồn chính là địch muốn cắt đứt con đường tiếp viện của ta. Trong cuộc chiến đấu vô cùng khốc liệt tại đây, hàng nghìn bộ đội, TNXP đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, góp phần làm nên chiến thắng Truông Bồn huyền thoại, nhưng cũng để lại nỗi đau thương, những mất mát không gì bù đắp được. Và, trên cung đường huyền thoại này, lớp lớp những TNXP, bộ đội cùng với người dân địa phương đã viết nên câu chuyện đẹp về tình quân dân thắm thiết, về lòng yêu nước nồng nàn…

Tình quân dân trên cung đường huyền thoại

Không thể có chiến thắng nếu không có được lòng dân. Đó là cội nguồn làm nên sức mạnh của cả dân tộc ta trong cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước chống kẻ thù xâm lược. Ở Truông Bồn cũng vậy và càng như vậy. Bởi tình người ở đây lớn lắm, cao đẹp lắm.

Hai vợ chồng bàn với nhau chịu khó ở chật một tý, nhường hai gian nhà cho các anh, chị ấy ở. Thời điểm đó có năm người ở trong nhà tôi, là các anh Hạp, Thỏa, Phương, Tràn và o Dương” - ông Đào Văn Thùy và bà Nguyễn Thị Hồng ở xóm 9 xã Mỹ Sơn (Đô Lương) mở lời với chúng tôi như vậy khi kể về những tháng ngày các anh, chị thuộc đại đội TNXP 317 chống Mỹ, cứu nước ở trong nhà mình, làm nhiệm vụ thông đường ở tọa độ lửa Truông Bồn.

Một góc xóm 9 xã Mỹ Sơn ngày nay - nơi sinh ra những con người quả cảm

Những cái tên mà ông Thùy, bà Hồng vừa nhắc tới đã trở thành một phần ký ức, neo lại vững chắc trong tâm khảm của ông bà cho mãi tận hôm nay. “Chúng tôi coi các o, các chú TNXP như con cháu trong nhà. Thỉnh thoảng chúng tôi cho họ mớ khoai, sắn hay bơ gạo… vì thấy họ ăn mì lắm cũng tội” -  bà Hồng nhớ lại bằng một ký ức đằm sâu và tấm chân tình.

Cùng với bà Hồng, hàng chục hộ dân khác tại xóm 9 xã Mỹ Sơn cũng đã từng sống với những chàng trai, cô gái TNXP những ngày đói khổ nhất, khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh vệ quốc. Giờ đây, người mất, người còn; những gia đình từng nuôi TNXP chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhưng có một điều rất đặc biệt, những người sống trong những năm tháng ấy không bao giờ quên những gương mặt TNXP đã về làng.

Nay đã ở tuổi ngoại bát tuần, nhưng cụ ông Nguyễn Tất Lữ vẫn còn rất minh mẫn. Khi được hỏi về những năm tháng góp sức cùng đại đội TNXP 317 làm nên chiến thắng Truông Bồn, cụ rất hào hứng, đôi mắt như sáng lên lấp lánh. Thời ấy, cụ Lữ là xóm trưởng nên mọi hoạt động diễn ra trong xóm, cụ là người tường tận nhất. “Ngoài việc tổ chức sản xuất cho bà con, tôi còn cùng với dân quân địa phương tham gia đào hầm đào công sự cùng bộ đội, TNXP. Ngày ấy vất vả lắm; dân quân, bộ đội, TNXP khi rảnh lại tăng gia sản xuất. Lúc nghỉ giải lao còn đàn hát rất vui” – Cụ Lữ vui vẻ kể lại.

Cụ Nguyễn Tất Lữ kể lại những năm tháng sống, chiến đấu cùng TNXP và bộ đội

Những ngày mùa hối hả trên đồng, những đêm sáng trăng trục lúa giữa sân kho HTX Mỹ Thái (nay thuộc xóm 9) luôn rộn rã tiếng hát, tiếng cười. Nhiều người dân xóm 9 Mỹ Sơn vẫn còn nhớ tiếng hát o Đa, o Yến, o Doãn ngày ấy. Cụ Lữ trầm ngâm nhớ lại: Các o ấy hát hay lắm…

Theo dòng hồi ức của cụ Lữ, chúng tôi hình dung ra xóm 9 xã Mỹ Sơn thời ấy chỉ là mấy chục ngôi nhà dựa lưng vào triền núi. Nơi hậu phương nhỏ mà vững chắc nơi xóm 9 ấy chỉ cách tiền tuyến Truông Bồn một cánh đồng chừng 1,5km. Rồi cụ Lữ kể về cây đa giữa làng - cây đa được người dân xóm 9 xem như một biểu tượng, niềm tự hào của người dân nơi đây. Cụ Lữ kể: “Cả xóm 9 có 39 hộ thì có đến 33 hộ có TNXP và bộ đội công binh ở. Cuối năm 1967, đơn vị TNXP 317 về đóng quân ở làng, sống trong nhà dân. Đến giờ đi làm thường tụ tập đông đủ dưới gốc đa như để điểm danh quân số”.

Thực sự 39 hộ dân xóm 9 thời kỳ ấy đã trở thành những pháo đài chống Mỹ kiên cường; động viên, khích lệ, tiếp lửa cho những TNXP vượt qua vô vàn gian khổ, khốc liệt của chiến tranh. Ông Nguyễn Tâm Cớn – Nguyên đại đội trưởng đại đội TNXP 317 vẫn còn nhớ như in tình cảm nồng ấm mà người dân xóm 9 Mỹ Sơn đã dành cho mình, cho đồng đội của mình ngày đó. Những bát nước chè, nước vối đặc quánh; những củ khoai, củ sắn chất chứa cả tình người được bà con xóm 9 san sẻ đã khiến cho những đôi tay cầm súng, cầm cuốc xẻng của TNXP thêm chắc khỏe; để những đoàn xe lăn bánh kịp giờ ra trận…

Khúc bi tráng của một thời khói lửa

TNXP san lấp hố bom ở Truông Bồn. Ảnh tư liệu

Nhiệm vụ của TNXP là thông đường, rà phá bom mìn, giữ cho mạch máu giao thông được thông suốt, để những đoàn xe nối nhau ra trận. Không kể ngày đêm, từ hậu phương xóm 9, họ mang cuốc xẻng, súng đạn qua cánh đồng Mỹ Sơn để ra tiền tuyến Truông Bồn. Trong cuộc đối đầu một mất một còn ấy, Đế quốc Mỹ đã đụng độ với lực lượng TNXP và một tập thể những người nông dân xóm 9 luôn tựa lưng vào nhau với khẩu hiệu “sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”.

Cho đến tận bây giờ, người dân xóm 9 Mỹ Sơn, nhất là những con người đã sống những năm tháng ấy, không thể nào quên ký ức đằm sâu từ 50 năm trước: Ngày 31/10/1968 trở thành ngày đau thương nhất tại tuyến lửa Truông Bồn. Đó cũng là ngày mà nhân dân xóm 9 xã Mỹ Sơn (Đô Lương) mất đi 13 người con anh dũng, quả cảm vào một thời khắc đặc biệt của cuộc chiến tranh – ngày Mỹ ký Hiệp định ngừng bắn trên toàn miền Bắc nước ta. Ngày ấy, 13 thanh niên nam nữ thuộc tiểu đội cảm tử của đại đội TNXP 317 đã mãi mãi nằm xuống. Khúc bi tráng đồng nghĩa với nỗi đau thương bao trùm nơi xóm nhỏ…

Kể với chúng tôi về ngày định mệnh 31/10, giọng cụ Lữ chùng xuống, nghẹn ngào: Sáng sớm, nghe tiếng nổ thật to, ai cũng giật mình. Sau đó là tiếng người chạy hối hả, loan báo TNXP hy sinh rất nhiều. Ai trong xóm cũng khóc bởi chúng tôi coi TNXP như người thân trong nhà.

Ông Nguyễn Tất Phác - nguyên là trung đội trưởng trung đội dân quân HTX Tân Quý, nhà ở xóm 10 xã Mỹ Sơn, ngậm ngùi kể lại: Chúng tôi tìm mãi mà chỉ thấy 6 người còn nguyên vẹn; đó là o Đang, o Yên, o Doãn, o Tâm…; 7 người khác không còn gì. Chị Trần Thị Thông là TNXP duy nhất sống sót trong trận bom sáng 31/10. Mọi người phát hiện ra nhờ nòng súng chị Thông mang theo nhô cao trên mặt đất. Đồng đội đưa chị Thông về sân kho HTX. Ai cũng nghĩ sẽ không cứu kịp. Đầu tóc, quần áo chị bê bết bùn đất, hơi thở yếu ớt. Nhưng còn nước còn tát, cụ Lữ và cụ Sơn (nay đã mất) băng đồi sang phía bên kia nhờ đơn vị bộ đội công binh cứu giúp. Cụ Lữ kể: gặp một người mang súng lục, tôi nghĩ là chỉ huy nên nói bên Sẵn sàng có người bị thương, ngất xỉu. Ngay sau đó, bộ đội cho y tá sang tiêm, một lúc sau chị Thông tỉnh…

Sống dân nuôi, ốm đau dân chăm sóc. Suốt mấy tháng sau đó, chị Thông được mẹ Nguyễn Thị Thởm chăm sóc tận tình, giành giật sự sống cho chị. Mẹ Thởm nhớ lại: Hắn (chị Thông) nằm ở nhà tui mô hai tháng. Tui coi hắn (chị Thông) như con của mình. Thấy hắn bị thương nặng, nhìn rất tội. Tui nghĩ sẽ không qua khỏi nên cố gắng chăm sóc thật tốt, được ngày mô hay ngày đó. Cuộc sống thời chiến khốn khó trăm bề; một nách mẹ Thởm mấy đứa con vất vả nay lại chăm thêm chị Thông, nhưng trong mỗi bữa ăn, giấc ngủ… mẹ luôn ưu tiên để chị mau bình phục. Từng thìa cháo, muỗng nước… được mẹ Thởm bón cho chị bằng tất cả tình thương yêu của một người mẹ lam lũ, tảo tần.

Mẹ Thởm xúc động khi kể về những mất mát ở tọa độ lửa Truông Bồn

… Thấm thoắt 50 năm đã trôi qua, Truông Bồn nay đã khác xưa. Xóm 9 đã đổi thịt thay da, dấu vết đạn bom chỉ còn trong ký ức. Rồi đây, những bữa cơm độn sắn khoai, những ký ức của một thời binh lửa có thể không còn được thế hệ trẻ nhắc tới, nhưng có một giá trị sẽ mãi trường tồn, đó là nghĩa tình của những người dân xóm 9 với TNXP, bộ đội mà năm tháng thời gian vẫn sống mãi với mảnh đất huyền thoại này. Không phải chỉ những TNXP, những chiến sĩ quân đội ở Truông Bồn ngày ấy, mà cả những người dân Xóm 9, Mỹ Sơn cũng là “những tấm gương bất tử” đúng như Chủ đề của chương trình nghệ thuật đặc biệt trong Lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Truông Bồn./.