05/05/2024 lúc 20:22 (GMT+7)
Breaking News

Thảm họa ở Indonesia: Mặt đất hóa lỏng nuốt chửng hàng ngàn ngôi nhà

VNHNO - Trận động đất cùng với sóng thần hôm cuối tuần rồi tại Indonesia khiến gần 1.400 người chết, kèm theo đó một hiện tượng thiên tai khác đã được ghi nhận khi hàng ngàn ngôi nhà bị nuốt chửng vì mặt đất bỗng dưng bị hóa lỏng.

VNHNO - Trận động đất cùng với sóng thần hôm cuối tuần rồi tại Indonesia khiến gần 1.400 người chết, kèm theo đó một hiện tượng thiên tai khác đã được ghi nhận khi hàng ngàn ngôi nhà bị nuốt chửng vì mặt đất bỗng dưng bị hóa lỏng.

Sau trận động đất hôm 28/9 tại một số khu vực ở Indonesia xuất hiện hiện tượng mặt đất bỗng trở nên lầy lội và dần hóa lỏng. Theo ghi nhận tại huyện Petobo, phía Nam sân bay Palu trận động đất đã làm cho mặt đất nhão ra khiến 744 căn nhà ở đây chìm dần xuống bên dưới theo lớp bùn dẻo do mặt đất hóa lỏng. Ông Sutopo Purwo Nugroho, người phát ngôn Cơ quan Giảm trừ Thiên tai Indonesia cho hay gần như tất cả các tòa nhà ở đây đều biến mất theo lớp đất khi chúng trở nên lỏng sau trận động đất.

Mặt đất hóa lỏng ở Indonesia khiến hàng ngàn ngôi nhà bị nuốt chửng

Theo Dailymail, một đoạn video được chia sẻ trên mạng xã hội Twitter hôm 30/9 cho thấy, nhiều gia đình ở thành phố Palu hoảng loạn bỏ chạy khi nhìn thấy những ngôi nhà xung quanh họ lần lượt bị đổ sập và sụt lún dưới lớp bùn mềm.

Còn trang báo The Star hôm qua (2/10) cũng ghi nhận tại khu phố Balaroa thuộc thành phố Palu cũng xảy ra hiện tượng mặt đất trở nên nhão khiến cho khoảng 1.700 ngôi nhà bị mặt đất "nuốt chửng" như trong phim viễn tưởng. Trước đó phía Hội Chữ thập đỏ Indonesia cho hay một thảm cảnh xảy ra khi trại nghiên cứu Kinh thánh Cơ đốc giáo cũng bị chìm nghỉm vào bùn đất khiến cho 34 trẻ em trong đó bị chôn vùi.

Hiện tượng đất hóa lỏng là hiện tượng cát bão hòa và bùn bị mất cường độ, sức kháng

Theo các chuyên gia nghiên cứu về động đất cũng như Địa chất học thì hiện tượng đất hóa lỏng là hiện tượng cát bão hòa và bùn bị mất cường độ và sức kháng, xảy ra trong quá trình rung lắc dữ dội của một trận động đất. Nền đất lúc này mất đi sức chịu lực và độ cứng, thể hiện đặc tính giống như nước khiến các công trình, vật thể bên trên bị chìm dần xuống do tác động của trọng lực.

Hiện tượng trôi chảy nền đất không chỉ xảy ra trong cơn động đất mà còn tiếp tục kéo dài âm ỉ ngay cả khi dư chấn đã đi qua. Lúc này nền đất dịch chuyển một lượng rất lớn, gây hư hỏng hoặc phá hủy các công trình ngầm trong lòng đất cũng như mọi thứ bên trên.

Nhiều nơi trên thế giới đã ghi nhận tình trạng mặt đất hóa lỏng sau động đất

Phó giáo sư Khoa học động đất tại Trường ĐH Melbourne (Australia) Mark Quigley cho biết điều kiện dẫn đến đất hóa lỏng có thể tìm thấy ở Indonesia và trên khắp châu Á.

Ông cho biết những trận động đất hồi năm 2010-2011 ở Christchurch của New Zealand, thành phố Urayasu phía Đông Nhật Bản năm 2011 và ở Alaska (Mỹ) năm 1964 cũng xuất hiện tình trạng mặt đất hóa lỏng. Và thường thì hiện tượng đặc biệt này sẽ gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng mà phải mất một thời gian dài mới có thể khắc phục được./.