Thời gian qua, các cấp hội nông dân (HND) trên địa bàn T.X Phổ Yên đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, hội viên nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, đặc biệt là khu vực nông thôn. Qua đó, góp phần tích cực nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng các khu dân cư nông thôn ngày càng xanh, sạch, đẹp.
Sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nông dân xã Minh Đức (T.X Phổ Yên) đã chủ động bỏ vào các bể chứa được đặt tại cánh đồng.
Chị Phạm Thị Hường, Chủ tịch HND xã Minh Đức cho hay: Những năm trước đây, người dân trên địa bàn sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thường có thói quen để bao bì ngay tại bờ ruộng hoặc bỏ trực tiếp xuống hệ thống kênh mương. Từ thực tế này, năm 2019, HND xã cũng đã triển khai xây dựng 4 bể thu gom rác thải (kinh phí trên 4 triệu đồng/bể) đặt tại vị trí thuận lợi (gần đường giao thông, hệ thống kênh mương) trên các cánh đồng lớn. Hằng tháng, số rác thải trên sẽ được chi HND xóm mang đi xử lý nên không có tình trạng ùn ứ, ô nhiễm môi trường. Nhờ vậy, việc thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã đạt hiệu quả tốt hơn, người dân cũng đã hình thành thói quen bỏ rác vào các bể thu gom.
Bà Đỗ Thị Hạnh, người dân xóm 2 chia sẻ: Trước đây, tại các cánh đồng, chai lọ, bao bì thuốc bảo thực vật, túi ni lông vứt bừa bãi gây ô nhiễm môi trường và làm xấu hình ảnh làng quê. Từ khi xuất hiện các bể chứa, người dân đã có ý thức thu gom các loại rác thải trên đúng nơi quy định. Những cánh đồng vì vậy cũng mang một sắc màu mới, trong lành, sạch sẽ hơn.
Tương tự, tại xã Đắc Sơn, nhằm nâng cao tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, HND xã đã phát động chi HND các xóm phối hợp với các tổ chức đoàn thể triển khai các tuyến đường tự quản, trồng hoa và cây xanh nhằm tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Thực hiện mô hình 3 sạch “nhà sạch, đường sạch, đồng ruộng sạch”, các gia đình hội viên nông dân đã bố trí bếp ăn, nhà vệ sinh và nguồn nước phù hợp; chuồng trại chăn nuôi được bố trí xa nhà ở, không xả chất thải trực tiếp ra môi trường. Cùng với đó, Hội cũng đã tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp chăn nuôi, sản xuất thân thiện với môi trường như: Sử dụng đệm lót sinh học, làm hầm biogas; vận động các gia đình tích cực trồng cây xanh, phân loại rác thải tại nguồn và không vứt rác bừa bãi...
Ông Phạm Văn Hà, Phó Chủ tịch HND T.X Phổ Yên cho biết: Từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, cảnh quan môi trường nông thôn trên địa bàn thị xã đã có những chuyển biến tích cực. Cùng với nỗ lực của các cấp, ngành, đoàn thể, hằng năm, HND thị xã cũng đã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế thị xã xây dựng các mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn; mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện thực tế của từng cơ sở, địa phương; vận động nhân dân thường xuyên phát quang, tu sửa nạo vét kênh mương để tránh ô nhiễm nguồn nước; hạn chế sử dụng túi nilon trong sinh hoạt, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường; phát triển sản xuất, chăn nuôi theo hướng an toàn; thực hiện tốt việc thu gom, phân loại rác thải tại nguồn...
Nhờ tích cực triển khai các giải pháp, nhân dân, các hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn đã quan tâm hơn đến việc thu gom rác thải, đổ rác đúng nơi quy định; tích cực cải tạo cảnh quan trên các tuyến đường, ngõ, xóm và giữ gìn môi trường sống. Đến nay, toàn thị xã đã xây dựng được 68 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; 9 câu lạc bộ nông dân tham gia bảo vệ môi trường; xây dựng hơn 200 điểm tập trung rác thải sinh hoạt tại các xã, phường; mua trên 400 xe đẩy rác, trên 500 thùng đựng rác di động; thành lập gần 300 tổ thu gom rác thải tại các khu dân cư (thực hiện, vận chuyển rác thải sinh hoạt đến điểm tập kết 2-3 lần/tuần); xây dựng trên 250 điểm thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật; 92,5% hộ hội viên thực hiện thu gom rác thải…
Thời gian tới, HND thị xã sẽ tiếp tục vận động nhân dân xây dựng, nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ nông dân tham gia bảo vệ môi trường, sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, khuyến khích người dân tích cực tham gia trồng và bảo vệ rừng; xã hội hoá hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn.