Thái Nguyên hiện có 20.542 cở sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Trong đó, có 9.236 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; 5.641 cơ sở kinh doanh thực phẩm; 4.468 bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống; 1.019 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố và 178 loại hình khác. Hiện nay, đang trong giai đoạn nắng nóng, nhiệt độ luôn ở mức cao, là điều kiện vi khuẩn sinh sôi, phát triển trong các loại đồ ăn, thức uống tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh…
Thịt gà được bày bán ngoài cổng chợ Chùa Hang (T.P Thái Nguyên), ngay sát đường nhưng chỉ được che đậy sơ sài, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATVSTP.
Ông Lý Văn Cảnh, Trưởng phòng An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), Sở Y tế cho biết: Xác định tầm quan trọng của công tác ATVSTP, nhất là vào thời điểm mùa hè, Ban chỉ đạo liên ngành An toàn thực phẩm tỉnh đã có nhiều hoạt động đảm bảo công tác ATVSTP. Đơn cử như việc tổ chức triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” (từ ngày 15/4-15/5), trong đó các đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm ở tất cả các tuyến; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về ATVSTP; hướng dẫn người dân sản xuất, kinh doanh, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn. Theo đó, đã thanh tra, kiểm tra được 2.679 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó phát hiện 492 cơ sở vi phạm về ATVSTP; xử lý 204 cơ sở với tổng số tiền trên 422 triệu đồng.
Sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng, đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhân dân. Chị Nguyễn Thị Thoa, tổ 6, phường Đồng Quang (T.P Thái Nguyên) cho hay: Vào mùa hè, thực phẩm tươi sống bày bán ngoài chợ nếu không được bảo quản tốt sẽ rất dễ bị hỏng. Vì vậy, hằng ngày tôi thường đi chợ sớm, hoặc vào các siêu thị, cửa hàng lớn có uy tín để mua thực phẩm cho gia đình. Còn anh Dương Văn Toán, chủ cửa hàng kinh doanh thực phẩm tại xã Văn Yên (Đại Từ) thì cho biết: Bình thường tôi nhập khoảng 100kg thịt lợn về bán nhưng ngày nắng nóng tôi chỉ nhập khoảng 70kg để bán hết trong buổi sáng. Còn với các loại giò, chả, xúc xích tôi đều để trong tủ kính và ngăn mát tủ lạnh để đảm bảo ATVSTP.
Tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể cũng nâng cao ý thức, trách nhiệm trong vấn đề ATVSTP. Chị Nguyễn Thị Hiên, Phụ trách bếp ăn Công ty CP Elovi Việt Nam, xã Thuận Thành (T.X Phổ Yên) nói: Mỗi ngày, Công ty phục vụ trên 270 suất ăn cho công nhân, nhân viên và được chia thành 3 ca. Vấn đề ATVSTP luôn được công ty thực hiện nghiêm ngặt, nhất là vào thời điểm nắng nóng, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay. 100% nhân viên bếp ăn thực hiện đúng, đầy đủ quy định về bảo hộ lao động; thực phẩm đều có nhãn mác, xuất xứ, nguồn gốc từ những nhà cung cấp uy tín và có đầy đủ hóa đơn; bếp ăn được bố trí theo nguyên tắc một chiều, có hệ thống che chắn côn trùng, thùng rác có nắp đậy; các bàn ăn đều có các tấm kính chắn để phòng dịch....
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì hiện nay nguy cơ không bảo đảm ATVSTP vẫn còn hiện hữu ở một số nơi. Theo khảo sát của chúng tôi tại một số chợ trên địa bàn T.P Thái Nguyên và huyện Đồng Hỷ, tình trạng thực phẩm chế biến sẵn không được che đậy cẩn thận, đặt sát hàng bán thực phẩm tươi sống; thức ăn vẫn bày bán ngay sát đường; người bán hàng không đeo găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín.... Ông Lý Văn Cảnh khuyến cáo, người tiêu dùng cần chú ý chọn mua thực phẩm tại các cơ sở có uy tín, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng thực phẩm ôi thiu; thực hiện ăn chín, uống sôi; sau khi nấu nên sử dụng ngay trong vòng 2 tiếng đồng hồ; những người trực tiếp kinh doanh dịch vụ ăn uống cần thực hiện đúng các quy định về ATVSTP...