15/01/2025 lúc 08:26 (GMT+7)
Breaking News

Thái Nguyên: Đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường

Những năm qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, các điểm “nóng” về ô nhiễm môi trường dần được khắc phục. Để có được kết quả trên, cơ quan chức năng của tỉnh đã triển khai và thực hiện các đề án, kế hoạch bảo vệ môi trường mang tính trước mắt và lâu dài…

Những năm qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, các điểm “nóng” về ô nhiễm môi trường dần được khắc phục. Để có được kết quả trên, cơ quan chức năng của tỉnh đã triển khai và thực hiện các đề án, kế hoạch bảo vệ môi trường mang tính trước mắt và lâu dài…

Xử lý rác thải theo phương thức lò đốt tại Nhà máy xử lý rác thải Đá Mài đã góp phần cải thiện rõ rệt vấn đề ô nhiễm môi trường.

Cùng với sự phát triển nhanh về công nghiệp, sự gia tăng dân số, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh đã khiến vấn đề ô nhiễm môi trường luôn “nóng”. Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ môi trường, lượng rác thải sinh hoạt đang gia tăng mạnh ở một số địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp và dân cư tập trung đông như: T.P Thái Nguyên khoảng 250 tấn/ngày; huyện Phú Bình từ 12-15 tấn/ngày; T.X Phổ Yên gần 100 tấn/ngày, với tỷ lệ gia tăng ở mức 10-15%/năm. Ngoài ra, lượng chất thải công nghiệp (chất thải thông thường, chất thải nguy hại) cũng đạt hơn 450 tấn/ngày, lượng bùn thải trong khai thác, chế biến khoáng sản phát sinh hàng nghìn m3/ngày. Bà Hoàng Thị Liên, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Mặc dù môi trường nguồn nước, không khí ở Thái Nguyên vẫn đảm bảo, nhưng với tốc độ phát triển như hiện nay, nếu không có kế hoạch, đề án bảo vệ môi trường thì rất dễ phát sinh các điểm “nóng”.

Theo cơ quan chức năng, các nguồn thải phát sinh, gây ô nhiễm môi trường chủ yếu là: rác thải, nước thải sinh hoạt; chất thải trong chăn nuôi; chất thải công nghiệp (chất thải thông thường, chất thải nguy hại); bùn, nước thải trong khai thác và chế biến khoáng sản… Để giải quyết nguồn thải gây ô nhiễm, cơ quan chức năng đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xử lý hiệu quả các nguồn thải. Đối với rác thải sinh hoạt, trước đây, nhiều bãi rác xử lý theo hình thức chôn lấp không đảm bảo quy chuẩn nên đã gây ô nhiễm, phát tán mùi hôi thối, ruồi muỗi khiến người dân sinh sống gần khu vực bức xúc.

Cụ thể, năm 2016, người dân sinh sống gần bãi rác Đồng Hầm, xã Minh Đức (T.X Phổ Yên) đã ngăn cản, không cho xe chở rác vào bãi rác, với lý do gây ô nhiễm môi trường. Còn tại bãi rác Lục Ba (Đại Từ), người dân cũng liên tục phản ánh tới cơ quan chức năng về tình trạng ô nhiễm do nước thải rác chảy ra đồng ruộng, kênh mương dẫn nước của bà con. Tuy nhiên, những năm gần đây, với việc thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư, nhiều nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt theo phương thức lò đốt đã được xây dựng, tình trạng ô nhiễm tại các khu vực bãi rác được cải thiện rõ rệt. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 2 nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại T.X Phổ Yên và T.P Thái Nguyên với công suất xử lý khoảng gần 300 tấn/ngày. 

Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Đá Mài (T.P Thái Nguyên) cho biết: Hiện nay, để quy hoạch và xây dựng một bãi rác là hết sức khó khăn, do các quy định về khoảng cách với khu dân cư, diện tích đất cần cho quy hoạch bãi rác lớn. Vì vậy, xử lý rác thải sinh hoạt theo phương thức lò đốt là định hướng đúng đắn và cần được triển khai, nhân rộng. Khi xử lý rác theo phương thức lò đốt sẽ giảm ô nhiễm môi trường rất nhiều…

Ngoài ra, tỉnh cũng đã thu hút được 4 dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải nguy hại. Trong đó, có 2 nhà máy đã đi vào hoạt động, đáp ứng được nhu cầu xử lý chất thải nguy hại cho nhiều doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, để bảo vệ môi trường nguồn nước, tỉnh đã xây dựng Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tại T.P Thái Nguyên với công suất gần 7.000m3/ngày đêm và chủ trương tiếp tục xây dựng thêm nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt ở khu vực phía Nam của T.P Thái Nguyên… Đối với vấn đề ô nhiễm trong chăn nuôi, cơ quan chức năng của tỉnh đã thực hiện quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung và để xuất một số khu vực cấm chăn nuôi…

Ông Nguyễn Thế Giang, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020”, cơ quan chức năng đã tổ chức hơn 1.600 cuộc kiểm tra, thanh tra về môi trường (tăng 12,3% so với giai đoạn 2011-2015), xử phạt hơn 230 cơ sở vi phạm, với số tiền 11,6 tỷ đồng. Đồng thời, phát hiện 20 trường hợp đổ trộm chất thải ra môi trường, xử phạt hơn 2 tỷ đồng. Sau khi tổng kết Đề án đã cho thấy được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, cùng với đánh giá, phân tích và nhận định tốc độ phát triển của Thái Nguyên trong thời gian tiếp theo, tỉnh tiếp tục xây dựng, thực hiện Đề án “Tăng cường bảo vệ môi trường giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, tập trung vào 7 giải pháp cơ bản: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với người dân và doanh nghiệp; tăng cường Quản lý về nguồn nước thải, khí thải, chất thải rắn để kiểm soát ô nhiễm nguồn nước, không khí; tăng cường phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường; tăng cường trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng, chính quyền các cấp và vai trò giám sát của Ủy ban MTTQ; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra xử lý vi phạm trong chấp hành quy định về bảo vệ môi trường…

Với tốc độ phát triển nhanh ở nhiều lĩnh vực khiến lượng nước, rác thải phát sinh trên địa bàn Thái Nguyên ngày càng lớn nên nguy cơ ô nhiễm, phát sinh các điểm “nóng” về môi trường vẫn hiện hữu. Việc xây dựng các kế hoạch, đề án bảo vệ môi trường là yếu tố quan trọng. Nhưng để môi trường mãi xanh, sạch, đẹp, ngoài sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng thì rất cần sự chung tay của cả doanh nghiệp và người dân.