Hôm nay (22/12), Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ 2020 với chủ đề “Thách thức và Cơ hội trong trạng thái bình thường mới”, đã được diễn ra tại Hà Nội.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn
Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong trạng thái bình thường mới
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, năm 2020 được xem là một năm của những khó khăn và thách thức lớn mà tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam do phải đối mặt với sự bùng phát của dịch COVID-19. Tuy nhiên, với những giải pháp quyết liệt và hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu kép phục hồi và phát triển kinh tế, đồng thời kiểm soát dịch bệnh, Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực với việc duy trì được tăng trưởng GDP, dự kiến năm 2020 đạt 2,5-3%.
Đây cũng là năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016 – 2020, giai đoạn mà Việt Nam đã vượt qua nhiều thử thách để đạt được những thành tựu rất quan trọng và toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Cả nước đã tập trung phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chất lượng tăng trưởng được nâng lên. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 – 2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được tập trung nguồn lực đầu tư; nhiều công trình, dự án quan trọng, quy mô lớn đã hoàn thành trong giai đoạn 2016 – 2019. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả. Cải cách hành chính chuyển biến tích cực, môi trường kinh doanh được cải thiện. Các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng.
“Trong các kết quả nêu trên có sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Sự tin tưởng và chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp đã bổ sung thêm động lực để Chính phủ Việt Nam quyết tâm và điều hành linh hoạt để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đã đề ra”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, bước vào năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, Việt Nam đang hướng đến các mục tiêu, cụ thể là tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Cùng với đó, thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số, xây dựng xã hội số. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để khơi thông các nguồn lực cho phát triển. Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, với chủ đề “Thách thức và Cơ hội trong trạng thái bình thường mới”, Diễn đàn sẽ là cơ hội để trao đổi, chia sẻ và đề xuất những sáng kiến và giải pháp mới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.
Nỗ lực kiên trì, không mệt mỏi của Nhà nước
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, năm 2020 là năm cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức vô cùng to lớn từ dịch bệnh COVID-19, thiên tai…
Trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức nêu trên, Việt Nam vẫn nổi lên là một trong những điểm sáng trên bản đồ kinh tế thế giới. “Có thể nói, Việt Nam đã thành công trong giông bão”, ông Lộc nhận định.
Cùng với chỉ số tăng trưởng GDP, Chủ tịch VCCI nhắc tới nhiều số liệu ấn tượng khác, như tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng qua vẫn tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2019, ước tính đạt 489,1 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/11/2020 đạt 26,4 tỷ USD, chỉ giảm 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh trên toàn cầu do tác động của đại dịch COVID-19, kết quả này là tốt hơn nhiều so với các quốc gia khác và thể hiện sức hấp dẫn của Việt Nam trong giới đầu tư quốc tế.
“Những thành công về mặt kinh tế nói trên là kết quả của những nỗ lực kiên trì, không mệt mỏi của Nhà nước từ đầu năm đến nay trong việc khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo thuận lợi cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Nhiều cơ hội mới đã được mở ra với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam như EVFTA, EVIPA, RCEP, FTA Việt Nam - Vương quốc Anh và Thỏa thuận cộng gộp xuất xứ dệt may Việt Nam- Hàn Quốc… Quốc hội cũng đã thông qua một số luật quan trọng, theo hướng thông thoáng hơn, như Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Xây dựng sửa đổi, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư…
Về phía Chính phủ, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02 về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực kinh doanh với nhiều giải pháp cụ thể. Cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính được đẩy mạnh tích hợp số thủ tục hành chính mới lên Cổng dịch vụ Công quốc gia.
Chính phủ đã tiếp tục thúc đẩy chương trình rà soát và đơn giản hoá điều kiện kinh doanh với trọng tâm cải cách các quy định về kinh doanh và gỡ bỏ chồng chéo xung đột. Đặc biệt vào tháng 5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 về cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, với mục tiêu rất cụ thể: giảm 20% số quy định và 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Những thành công kinh tế đã nêu cũng chính là nhờ kết quả của sự cố gắng vượt bậc của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh khó khăn chưa từng có này. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động lên kịch bản để ứng phó với khó khăn, rất nỗ lực duy trì sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu, thay đổi sản phẩm để tồn tại. Các doanh nghiệp đều cố gắng có đơn hàng dù nhỏ để bảo đảm cho người lao động có việc làm, có thu nhập.
Cam kết hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo
Nhiều dự báo cho thấy năm 2021 vẫn là năm kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn và Việt Nam không là ngoại lệ. Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ có các biện pháp cụ thể và nhanh chóng để giải quyết ngay các nút thắt đang cản trở doanh nghiệp tận dụng các cơ hội hội nhập từ các FTA nói chung và từ EVFTA nói riêng để phục hồi từ COVID-19 và tiếp tục phát triển.
Chủ tịch VCCI nhắc tới các kiến nghị về nguồn nhân lực, thị trường việc làm; triển khai hiệu quả Luật PPP và Luật Đầu tư công với ưu tiên cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông và các dự án đang triển khai dở dang; nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm…
Cùng với đó, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Cũng theo TS Vũ Tiến Lộc, bối cảnh COVID-19 đã một lần nữa cho thấy khả năng chống chịu của doanh nghiệp và nền kinh tế trước các biến động khó lường là hết sức quan trọng. Do đó, trước các thách thức mới như thiên tai, biến đổi khí hậu và dịch bệnh, Chủ tịch VCCI đề xuất sáng kiến xây dựng một trung tâm quốc tế tại Việt Nam nghiên cứu các mô hình kinh doanh có khả năng thích ứng với những đe dọa, biến động khó lường này trong tương lai.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận tập trung vào một số vấn đề như cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển doanh nghiệp, điện và năng lượng, cơ sở hạ tầng, thuế và hải quan, giáo dục và đào tạo, du lịch…
Trong quá trình thảo luận, đại diện các Bộ, ngành cũng đã có những ý kiến phản hồi và trao đổi cụ thể, chi tiết, qua đó làm rõ hơn các nội dung mà các bên cùng quan tâm, đặt ra yêu cầu cần tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực đầu tư nước ngoài để nâng cao hiệu quả hợp tác về đầu tư nước ngoài.
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục duy trì trao đổi và kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; cam kết thiết lập cơ chế chính sách ưu đãi thúc đẩy đổi mới sáng tạo; cam kết huy động và kết hợp mọi nguồn lực để hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp các ý kiến của Cộng đồng doanh nghiệp và nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, đồng thời sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để xử lý hiệu quả các kiến nghị, trình cấp có thẩm quyền tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.