15/01/2025 lúc 17:11 (GMT+7)
Breaking News

Thác Sơn Long: “Rồng nhỏ” ẩn mình giữa núi rừng Tây Nguyên

Với 2 tên gọi huyền bí, Thác Sơn Long (theo truyền thuyết của người Tày- Nùng Tây Bắc) hay Drai H’Juh (thác Nữ Hoàng, theo cách gọi của người đồng bào Êđê), dù với tên gọi nào đi chăng nữa thì về tới huyện Krông Năng (Đắk Lắk) hỏi về con thác này thì ai ai cũng biết.

Với 2 tên gọi huyền bí, Thác Sơn Long (theo truyền thuyết của người Tày- Nùng Tây Bắc) hay Drai H’Juh (thác Nữ Hoàng, theo cách gọi của người đồng bào Êđê), dù với tên gọi nào đi chăng nữa thì về tới huyện Krông Năng (Đắk Lắk) hỏi về con thác này thì ai ai cũng biết.

Được UBND tỉnh Đắk Lắk công nhận di tích cấp tỉnh vào tháng 11 năm 2020, Di tích danh lam thắng cảnh thác Sơn Long, xã Ea Tam, huyện Krông Năng dần được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh biết đến, tìm về để tận mắt chứng kiến “Con Rồng nhỏ” ẩn mình giữa núi rừng Tây Nguyên nhiều năm qua.

Di tích danh thắng thác Sơn Long cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 87 km về hướng Đông Bắc.

Cái tên thác Sơn Long là cách gọi của các đồng bào phía Bắc và Nhân dân ở huyện Krông Năng từ năm 1975 đến nay. Khi đến vùng đất Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk theo chính sách di dân đi xây dựng kinh tế mới của Nhà nước; Đồng bào phía Bắc phát hiện ra một dòng thác đẹp tựa như một con Rồng nhỏ đang nằm ẩn thân trong dòng thác trên núi cao nên đã tin rằng đây là một vùng đất được Rồng nhỏ che chở, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Do đó, họ đã chọn nơi đây để sinh sống, lập nghiệp và gọi tên dòng thác nơi có Rồng nhỏ cư trú là thác Sơn Long (có nghĩa là thác Rồng núi). Còn theo tên gọi Drai H’Juh (thác Nữ hoàng) của đồng bào Êđê ở buôn Wiâo, buôn Ur, huyện Krông Năng là vì theo truyền thuyết do một số già làng kể lại, dòng thác nằm giữa rừng sâu (ở xã Ea Tam, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk ngày nay) được cai quản bởi một Nữ hoàng xinh đẹp, giỏi giang nên đồng bào Êđê mới gọi tên là Drai H’Juh  (thác Nữ hoàng).

Về mùa nước lớn con thác trở nên hùng vĩ, thác có chiều dài từ thượng nguồn đến hạ nguồn khoảng 1300m.

Di tích danh thắng thác Sơn Long cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 87 km về hướng Đông Bắc, thuộc địa phận hành chính thôn Tam Điền, xã Ea Tam, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk. Toàn bộ diện tích đất nằm trong tiểu khu 316 và 323 thuộc lâm phần Ban Quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng quản lý vì thế hiện nay con thác vẫn giữ được vẻ nguyên sinh, chưa bị tác động bởi bàn tay của con người.

Nếu có dịp về với Đắk Lắk, về với huyện Krông Năng, chắc hẳn du khách không nên bỏ qua con thác này, về mùa nước lớn con thác trở nên hùng vĩ, thác có chiều dài từ thượng nguồn đến hạ nguồn khoảng 1300 m, chênh lệch độ cao từ chân thác so với đỉnh khoảng 180 m; thác gồm có 3 tầng, nước chảy mạnh qua các tầng đá, bọt tung trắng xoá, huyền ảo giữa những ánh nắng xuyên qua các tán cây của rừng.

Thác Sơn Long có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và hệ thực vật phong phú.

Còn nếu đến với thác vào mùa hè, du khách sẽ được tận hưởng tiếng róc rách của những dòng nước mát lạnh, dòng thác uốn mình, chảy qua nhiều tầng đá, nhẹ nhàng như một Nữ hoàng xinh đẹp đang cất lên những bản tình ca của rừng, của nước, của hệ sinh vật nơi đây.

Phát triển du lịch phải gắn liền với bảo vệ môi trường.

Với những thuận lợi về danh lam thắng cảnh mà thiên nhiên ban tặng như thác Sơn Long, thác Thuỷ Tiên…, hay những giá trị văn hoá vật thể và phi vật của người Tày – Nùng Tây Bắc được thu nhỏ giữa Tây Nguyên đại ngàn – Làng Quảng Hòa, thôn Tam Điền, xã Ea Tam… Chính quyền địa phương nơi đây đang rất quan tâm và tích cực triển khai việc kêu gọi các nguồn lực xã hội đầu tư vào việc phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, đặc biệt là hệ thống giao thông đường bộ, phát triển nguồn nhân lực du lịch; bảo tồn các nguồn tài nguyên du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, bảo vệ môi trường và xây dựng thương hiệu cho du lịch huyện Krông Năng.

“Con Rồng nhỏ” ẩn mình giữa núi rừng Tây Nguyên.

Bên cạnh những ưu đãi của thiên nhiên ban tặng, xã Ea Tam nói riêng và huyện Krông Năng nói chung đã có nhiều cố gắng trong việc gìn giữ và phát huy tốt những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi phía bắc đang sinh sống trên mảnh đất Krông Năng theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương V - Khóa VIII của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam. Từ đó, làm tiền đề cho việc phát triển du lịch sinh thái kết hợp du lịch cộng đồng. Ban ngày du khách có thể trải nghiệm tại các con thác, trải nghiệm vào rừng, mạo hiểm hấp dẫn…tối đến có thể về nghỉ ngơi, giao lưu múa hát bên bếp lửa tại làng Quảng Hòa và nghe những câu chuyện truyền thuyết nơi đây…

Ngôi làng Quảng Hòa với những ngôi nhà sàn vẫn giữ được nét truyền thống của dân tộc Tày - Nùng Tây Bắc.

Chia sẻ với phóng viên, ông Trương Hoài Anh, Phó Bí Thư, Chủ tịch UBND huyện Krông Năng cho biết : ‘‘Việc phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng nhằm phát triển nền kinh tế chung của địa phương. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế, du lịch cần phải đi đúng định hướng và phát triển một cách bền vững, đặc biệt phải gắn liền với bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước và vẻ hoang sơ vốn có của nó…’’.

Ngoài ra, cần phối hợp với các cấp, các ngành, xây dựng các phương án rừng bền vững, đề án phát triển du lịch nhằm bảo vệ, phát huy giá trị di tích. Điều quan trọng nhất là phải đầu tư vào một số công trình, dịch vụ giải trí phục vụ khách tham quan mà không làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường của di tích. Kết nối danh thắng này vào tour du lịch của huyện Krông Năng Và một số tour khác trong tỉnh nhằm thu hút thêm khách tham quan, thưởng ngoạn nhiều hơn nữa. Với những giá trị về văn hóa, thẩm mỹ của di tích, nơi đây chắc chắn sẽ là điểm tham quan, nghỉ mát lý tưởng cho mọi tầng lớp Nhân dân trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.