13/09/2024 lúc 01:51 (GMT+7)
Breaking News

Tết dân tộc với đồng bào xa Tổ quốc

Một mùa xuân nữa lại về, báo hiệu Tết Nguyên đán đang đến rất gần, không khí rạo rực đón Tết trong nước đồng nghĩa với những người con ở xa đất nước đang đau đáu nỗi nhớ quê hương, nhớ cái Tết cổ truyền dân tộc, nhớ sắc mai vàng rực rỡ, sắc đào thắm đỏ khắp mọi miền đất nước; cũng không thể nào quên cảm giác được cùng nhau quây quần bên nồi bánh chưng, bánh tét đỏ lửa đêm giao thừa… Hình ảnh Tết quê hương bình dị đó luôn là nỗi nhớ cháy bỏng và da diết trong lòng những người con tha phương.

Hiện có khoảng 4 triệu kiều bào ta đang sống ở khắp nơi trên thế giới. Tết là một cái gì đó rất thiêng liêng đối với mỗi người Việt Nam, dù đang sống ở bất kỳ quốc gia nào. Tùy từng điều kiện và hoàn cảnh, mỗi người sẽ có những cách đón Tết khác nhau, nhưng ai cũng có chung một tâm trạng, đó là nỗi nhớ quê hương, người thân và gia đình. Bà con đều mang trong mình một tình cảm hướng về cội nguồn, cùng chung một nỗi nhớ quê, nhất là mỗi độ Tết đến Xuân về. Không chỉ là nỗi nhớ, mà trong ký ức nhiều người, những kỷ niệm sâu sắc khi còn ở quê nhà lại sống dậy, không dễ nguôi ngoai…

 

 

Tôi có vợ chồng người cháu bên ngoại, vì kế mưu sinh, cả nhà (2 vợ chồng cùng 2 đứa con) mới sang Canada sống và làm việc được 5 năm. Tết nào các cháu cũng gửi thư điện tử về cho bố mẹ ở trong nước, mới có một Tết là người chồng về được, không có điều kiện để đưa cả nhà cùng về.  Tết này không về được, cách đây hơn một tuần, cháu đã gửi thư về, mẹ cháu “khoe” với tôi; trong thư có đoạn: “… Tết của nước mình, chúng con vừa mong mỏi, đợi chờ, nhưng cũng có những lúc lại không muốn Tết đến, vì Tết đến mà không về nước được, sẽ vô cùng buồn vì nhớ nhà, nhớ quê, nhớ cái không khí vui nhộn, ấm áp tình người khi đón Tết ở quê nhà. Từ khi con sang đây cho tới bây giờ, cứ mỗi khi tới giao thừa thì đầu tiên, gia đình con đều chuẩn bị mâm ngũ quả, thắp hương tưởng nhớ tổ tiên. Tới giờ phút giao thừa thì cả nhà ngồi kể chuyện về Tết và những kỷ niệm một thời ở trong nước; rồi gọi điện hoặc nhắn tin cho người thân, cho bạn bè, chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Mình là người Việt nên vẫn giữ văn hóa của Việt Nam bố mẹ ạ. Nhưng, Tết cũng đồng nghĩa với nối nhớ da diết, nhớ đến cháy lòng, nên buồn lắm, lúc này chỉ mong được gặp bố mẹ và mọi người…”.

Vào dịp Tết, ở hầu hết các nước đang là mùa lạnh, có nơi nhiệt độ xuống dưới 0 độ.  Với bà con người Việt, cái lạnh nơi đất khách quê người càng lạnh lẽo hơn khi mỗi độ Xuân về, Tết đến. Chỉ khi xa quê rồi, bà con mới thấm thía nỗi nhớ quê, mới thấm cái lạnh khi thiếu vắng tình cảm gia đình, tình anh em, bè bạn, làng xóm, quê hương.

Nếu chỉ nói về vật chất, Tết cổ truyền của người Việt ở hầu hết các nước có người Việt sinh sống, hầu như cũng không thiếu gì, cũng bánh chưng xanh, cũng mâm ngũ quả, cũng giò chả, nem mọc, thậm chí có cả hoa đào…, để rồi thắp nén nhang thơm tỏ lòng thành kính với ông bà tổ tiên. Thế nhưng cái thiếu với bà con là thiếu tinh thần, tình cảm, thiếu hình ảnh quê hương, những thứ không gì thay thế được. Cho nên, sau cả một năm, cũng có khi là sau nhiều năm lăn lộn với công việc ở nước ngoài, không ít bà con mình đi làm dành dụm tiền để được về quê ăn Tết. Có thể coi đó là một trong những ước mong đau đáu của bà con. Tuy là ở bên xứ người cũng tổ chức Tết đấy, nhưng làm sao Tết ly hương so sánh với Tết ở quê nhà được. Bà con nói cũng đúng, quốc hồn, quốc túy của người Việt Nam là những ngày Tết Nguyên Đán. Vì vậy mà cứ gần tới Tết là lại như có một cái gì thiêng liêng thôi thúc, chộn rộn nỗi niềm nhớ mong. Cho dù có ở xa nửa vòng trái đất, ai cũng mong được về Tổ quốc vào ngày Tết cổ truyền. 

Dù trong hoàn cảnh nào phải xa quê thì với mỗi người con đất Việt, trong sâu thẳm lòng mình, quê hương vẫn là nơi gần gũi và thân thương nhất. Truyền thống hào hùng của quê hương, đất nước, những nét văn hóa cổ truyền ngàn năm văn hiến của dân tộc là những giá trị vô giá theo những người con đất Việt suốt cả cuộc đời.

Cũng vì vậy, năm nào Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng tổ chức gặp mặt và chúc tết đại biểu Việt kiều về nước ăn Tết, không chỉ thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào ta sống và làm việc ở nước ngoài, mà còn mang đến cho bà con tình cảm, niềm vui, sự cảm động trong không khí đón Tết cổ truyền dân tộc; từ đây những tâm hồn người con xa xứ càng đồng điệu hơn để cùng nhau gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Việt và giới thiệu văn hóa Tết cổ truyền với bạn bè quốc tế… 

        Mạnh Hiếu 

 

 

...