22/11/2024 lúc 16:54 (GMT+7)
Breaking News

Techcombank: Kết quả kinh doanh quý 4/2023 tạo tiền đề tích cực cho năm 2024

Tính chung cả năm 2023, lợi nhuận trước thuế của Techcombank đạt 22,9 nghìn tỷ đồng, vượt so với kế hoạch, ở mức 22 nghìn tỷ, đã được Đại hội Đồng cổ đông thông qua hồi tháng 4.2023. Ngân hàng dự kiến đề xuất mức chi trả cổ tức hàng năm bằng tiền mặt ít nhất 20%/ tổng lợi nhuận – tương đương 4-5% vốn chủ của Ngân hàng tại thời điểm đầu năm, ước tính khoảng 1.500 đồng/cổ phiếu cho năm 2024.

Tỷ lệ CASA tăng ngoạn mục lên gần 40%

Trong năm 2023, tổng tài sản của Techcombank tăng 21,5% lên mức 849,5 nghìn tỷ đồng tại thời điểm cuối năm. Tính riêng Ngân hàng, tín dụng tăng trưởng 19,2% so với đầu năm lên ngưỡng 530,1 nghìn tỷ, phù hợp với hạn mức tín dụng được cấp bởi NHNN.

Tiền gửi của khách hàng đạt 454,7 nghìn tỷ đồng, tăng 26,9% so với đầu năm và 11,2% so với quý 3. Số dư CASA tăng trong 3 quý liên tiếp, đạt 181,5 nghìn tỷ, tăng 37,0% so với cùng kỳ và 31,9% so với quý 3, giúp tỷ lệ CASA cải thiện lên mức 39,9%. Mức tăng trưởng cho thấy năng lực ngân hàng giao dịch hàng đầu của Techcombank, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng khối lượng giao dịch trên các kênh số (tăng 41% so với cùng kỳ lên 2,2 tỷ giao dịch, tương đương 13% thị phần giao dịch NAPAS) và lượng truy cập ứng dụng mỗi tháng dẫn đầu toàn cầu - hơn 50 lượt/ khách hàng active. Mặt khác, tiền gửi có kỳ hạn (TD) đạt 273,2 nghìn tỷ đồng, tăng 20,9% so với đầu năm và tương đối ổn định theo quý, do lợi suất bắt đầu ít hấp dẫn hơn, khi so sánh với với tỷ suất đầu tư và tiềm năng của thị trường bất động sản, trái phiếu và thị trường chứng khoán.    

Vị thế vốn của Tecchombank vẫn được duy trì mạnh mẽ, với tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) theo quy định là 77,4% vào ngày 31 tháng 12 năm 2023. Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn ở mức 26,4%, thấp hơn nhiều so với mức trần quy định mới 30%, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 10 năm 2023.

Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II của Ngân hàng đạt 14,4%, tiếp tục duy trì vị thế hàng đầu trong ngành ngân hàng và cao hơn nhiều so với yêu cầu tối thiểu 8,0%. Tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2023 chỉ còn 1,19%, từ mức 1,40% vào cuối quý 3. Tỷ lệ nợ xấu của cả danh mục dư nợ cho vay và trái phiếu là 1,12%. Chi phí dự phòng của Techcombank tăng 102,5% so với cùng kỳ, phản ánh sự chủ động của Ngân hàng trong trích lập dự phòng, phù hợp diễn biến số dư nợ xấu theo dự kiến. Điều này góp phần đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 102% vào cuối năm. Chi phí tín dụng của Techcombank vẫn được kiểm soát tốt, chỉ ở mức 0,8%.  

Số lượng khách hàng tăng ở mức kỷ lục

Techcombank khép lại quý 4 năm 2023 với hơn 13,4 triệu khách hàng, ghi nhận 2,6 triệu khách hàng mới trong cả năm 2023, nhiều hơn gấp đôi con số của năm 2022. Trong số đó, 46,8% gia nhập qua các kênh kỹ thuật số và 36,2% thông qua hệ sinh thái của các đối tác.

Thu nhập từ hoạt động dịch vụ cả năm 2023 tăng 9,5% đạt 10,2 nghìn tỷ đồng. Trong đó, riêng quý 4 thu nhập từ dịch vụ tăng 14,2%, đạt 3,1 nghìn tỷ đồng, là quý có nguồn thu từ dịch vụ tốt nhất trong lịch sử hoạt động của nhà băng này. Động lực giúp hoạt động dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ đến từ nguồn thu dịch vụ thẻ tăng 33,7% đạt 2.148 tỷ đồng trong năm qua; thu từ thư tín dụng (LC), tiền mặt và thanh toán tăng 81,5% so với cùng kỳ đạt 4.509 tỷ đồng; Thu từ dịch vụ ngoại hối tăng 9,2% đạt gần 996 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do tác động của các yếu khách quan trong nửa đầu năm khiến nguồn thu từ dịch vụ bảo hiểm và phí dịch vụ ngân hàng đầu tư cả năm của Techcombank giảm, nhưng quý 4 đã có sự khởi sắc ấn tượng, là tiền đề để kỳ vọng hai mảng này sẽ hồi phục mạnh hơn trong năm 2024.

Cụ thể, thu từ dịch vụ bảo hiểm quý 4 tăng trưởng 25,2% so với cùng kỳ, đồng thời giữ vững ngôi vị số 1 toàn ngành về phí bảo hiểm hàng năm (APE) trong 4 tháng cuối năm 2023. Còn thu phí dịch vụ ngân hàng đầu tư quý 4 tăng trưởng tới gần 136% so với cùng kỳ và tăng 4,1% so với quý 3, chủ yếu nhờ mô hình môi giới khác biệt. Thị phần của TCBS tiếp tục tăng tốc ấn tượng lên 7,6% vào cuối năm, vươn lên vị trí top 3 công ty chứng khoán có thị phần cao nhất trên sàn HOSE.

Ngoài ra, Techcombank còn ghi nhận 1,4 nghìn tỷ đồng thu nhập từ các hoạt động khác trong năm qua, so với gần 373 tỷ đồng chi phí thuần năm 2022, chủ yếu nhờ thu nhập từ kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán đầu tư và khoản lãi thu được từ việc thanh lý trụ sở cũ tại Hà Nội vào quý 1 năm 2023.

Không chỉ vậy, thu nhập lãi thuần quý 4 tăng 11,4% sau đà giảm ở 3 quý trước, giúp lãi thuần cả năm đạt 27,7 nghìn tỷ đồng, thu hẹp tỉ lệ giảm xuống 8,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi hiệu quả kinh doanh nâng cao thì Techcombank vẫn duy trì tốt việc tiết giảm chi phí hoạt động, với tỷ lệ chi phí/ thu nhập (CIR) cả năm ở mức 33,1%, trong đó riêng chi phí hoạt động quý 4 giảm 7,8% so với cùng kỳ.

Kết quả chung, Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 4 đạt 5,8 nghìn tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế cả năm 2023, lợi nhuận trước thuế đạt 22,9 nghìn tỷ đồng, vượt so với kế hoạch đề ra ở mức 22 nghìn tỷ đã được Đại hội Đồng cổ đông thông qua hồi tháng 4.2023. Kết quả kinh doanh 2023 của Techcombank đã thể hiện khả năng nắm bắt tình hình và dự báo sát diễn biến thị trường, cùng năng lực triển khai đúng kế hoạch đề ra của nhà băng này.

“Techcombank tăng tốc hiệu quả hoạt động trong quý cuối cùng của năm 2023 và vượt tất cả các chỉ tiêu theo kế hoạch đã đề ra. Tôi tin tưởng rằng chiến lược chuyển đổi và kết quả khả quan trong một năm 2023 khá thách thức một lần nữa khẳng định sức mạnh nội tại của Ngân hàng, đồng thời tạo bước đệm vững chắc cho tăng trưởng cao trong những năm tới. Qua đó cho phép Ngân hàng lên kế hoạch chiến lược cổ tức tiền mặt toàn diện, lâu dài cho cổ đông.” ông Jens Lottner – Tổng Giám đốc Techcombank chia sẻ.

Thanh Bút