02/01/2025 lúc 22:13 (GMT+7)
Breaking News

Tập đoàn Hoành Sơn với những đầu tư trong thời điểm khó khăn

CTCP Tập đoàn Hoành Sơn (Hoành Sơn Group) là một doanh nghiệp đa ngành nghề, được thành lập bởi ông Phạm Hoành Sơn vào năm 2001 và trụ sở chính tại tỉnh Hà Tĩnh. Một điều ít biết là TĐ này cũng có đam mê đầu tư tài chính.

Đôi nét về Tập đoàn Hoành Sơn

CTCP Tập đoàn Hoành Sơn được thành lập bởi ông Phạm Hoành Sơn vào năm 2001, thời điểm tháng 7/2014, vốn điều lệ Hoành Sơn Group ở ngưỡng 1.000 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm ông Phạm Hoành Sơn sở hữu 94%; bà Nguyễn Thị Hằng Nga sở hữu 4% và ông Phạm Ngọc Hà sở hữu 2% còn lại.

Đến tháng 6/2016, vốn điều lệ Hoành Sơn Group được nâng lên 2.500 tỷ đồng. Bà Phạm Ngọc Hà lúc này đã chuyển nhượng 1% số cổ phần mình nắm giữ cho ông Phạm Hoành Sơn, 1% cổ phần còn lại cho cổ đông góp vốn mới là ông Nguyễn Tiến Ngọc.

Tuy nhiên, năm 2018, vốn điều lệ Hoành Sơn Group giảm về còn 1.000 tỷ đồng. Ông Nguyễn Tiến Ngọc chuyển nhượng số cổ phần của mình sở hữu sang cho cổ đông mới Lưu Thị Duyên. Cơ cấu cổ đông Tập đoàn lúc này gồm ông Phạm Hoành Sơn (95%), bà Lưu Thị Duyên (1%) và Nguyễn Thị Hằng Nga (4%).

Sự phát triển của Hoành Sơn Group sau hơn 2 thập kỷ gắn liền với hình bóng doanh nhân Phạm Hoành Sơn (SN 1972). Chẳng những là cổ đông chi phối, ông còn nắm các chức vụ cấp cao như Chủ tịch HĐQT, Người đại diện theo pháp luật tập đoàn. Không những thế, ông còn đứng tên tại nhiều thành viên của Hoành Sơn Group như: CTCP Đầu tư và Phát triển công thương Hoành Sơn, CTCP Đầu tư và Phát triển Vũng Áng, CTCP Dịch vụ Cảng Vũng Áng, CTCP Vận tải biển Hoành Sơn, CTCP Sao vàng Hoành Sơn….

Hoành Sơn Group để lại dấu ấn với nhiều dự án trong lĩnh vực cảng biển, có thể kể đến dự án Cảng tổng hợp quốc tế Hoành Sơn (cầu cảng số 4) ở cụm cảng Vũng Áng (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh), khởi công từ năm 2015 tại khu dịch vụ hậu cảng Khu kinh tế Vũng Áng, thuộc địa bàn xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh. Công suất khai thác dự kiến 2.300.000 tấn/năm. Tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên sau 8 năm thi công, dự án chỉ đạt 85% tiến độ.

Ngoài ra, đó còn là dự án cảng Phước An (Đồng Nai) có tổng diện tích lên tới 733,4ha (183 ha khu cảng và 550,4 ha khu dịch vụ hậu cần cảng), với tổng vốn đầu tư 17.571,36 tỷ đồng do Công ty TNHH MTV Hoành Sơn (công ty con của Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn) sở hữu 44% vốn điều lệ; dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước cho KKT Vũng Áng, tổng vốn đầu tư 4.415 tỷ đồng do thành viên Hoành Sơn Group - CTCP Đầu tư và Phát triển Vũng Áng là chủ đầu tư.

Tháng 3 vừa qua, liên danh Hoành Sơn Group – Công ty TNHH Nhà máy điện Xekong vừa có đề xuất với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị về ý tưởng đầu tư xây dựng Quốc lộ 15D từ cửa khẩu quốc tế La Lay đến cảng Mỹ Thủy và đầu tư xây dựng cụm cảng Mỹ Thủy cùng khu dịch vụ hậu cần cảng.

Theo đó, liên danh nói trên muốn đầu tư dự án Quốc lộ 15D đi qua 2 huyện Hải Lăng và Đakrông với tổng mức đầu tư trên 3.433 tỷ đồng. Ngoài ra, liên danh trên đã đề xuất ý tưởng đầu tư xây dựng hệ thống cầu cảng để thuận tiện cho việc vận chuyển, bốc xếp hàng hóa….

Đặc biệt, Hoành Sơn Group cũng là “ông lớn” mê đầu tư bất động sản. Hồi tháng 3/2014, tập đoàn thực hiện mua lại tài sản của Công ty Xi măng Bỉm Sơn thông qua trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản – Sở tư pháp TP. Hà Nội trên các khu đất gồm: (1) Khu văn phòng làm việc tại số 116 Trần Phú, phường Trần Phú, TP. Hà Tĩnh; (2) Khu kho xi măng tại xã Thạch Trung, TP. Hà Tĩnh; Khu cửa hàng bán xi măng tại phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh; Khu kho xi măng tại xóm Trung Thượng, thị trấn Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh.

Trong đó, đáng chú ý là công ty cho biết sẽ sử dụng lô đất 116 Trần Phú xây dựng văn phòng, trung tâm thương mại, nhà hàng và khách sạn, tổng vốn đầu tư 220 tỷ đồng.

Ông Phạm Hoành Sơn

Không những thế, Hoành Sơn Group còn là chủ đầu tư dự án “Khách sạn, nhà phụ trợ thuộc dự án Trung tâm thương mại khách sạn và dịch vụ tổng hợp Hoành Sơn” tại phường Hưng Dũng, TP. Vinh. Khách sạn có quy mô 20 tầng và 1 tầng hầm; chiều cao 74,9 m.

Đặc biệt, Hoành Sơn Group còn cùng đối tác Công ty TNHH Sao Vàng triển khai xây dựng dự án Tổ hợp Thương mại và Nhà ở Sao Vàng - Hoành Sơn trên khu đất 6,2ha tại số 231 Nguyễn Trãi, Hà Nội. Tính đến tháng 4/2021, Hoành Sơn Group và nhóm cổ đông có liên hệ nắm 46,15% vốn CTCP Cao su Sao Vàng (Hose: SRC). Ông Phạm Hoành Sơn hiện là Chủ tịch HĐQT của SRC. Tuy nhiên, đến thời điểm này dự án đang mắc kẹt với nhiều thủ tục chưa thể triển khai.

Hoành Sơn Group và Công ty TNHH MTV Bạch Đằng xây dựng dự án chung cư nhà ở xã hội cán bộ, chiến sĩ Bộ Công an tại 282 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội. Dự án có diện tích hơn 10.600m2, diện tích xây dựng gần 4.000m2, với chiều cao 21 tầng, đạt 612 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 800 tỷ đồng.

Hoành Sơn Group cũng được biết đến là chủ đầu tư Cụm công nghiệp Cổng khánh 2, phường Đậu liêu, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh, quy mô 35,06ha, tính chất là cụm công nghiệp với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, sản xuất đồ uống (sản xuất bia, rượu…); sản xuất bao bì, lon bia, các thiết bị phụ trợ phục vụ sản xuất bia và các ngành nghề khác đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, tập đoàn còn là chủ đầu tư một số dự án đáng chú ý như: Nhà máy Bia Hà Nội – Nghệ Tĩnh (TX Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh), công suất 50 triệu lít/năm, tổng vốn 1.200 tỷ đồng; Dự án điện mặt trời tại xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) với tổng mức đầu tư trên 1.458 tỷ đồng, công suất dự kiến 50 MW, bao gồm 200.000 tấm pin mặt trời loại đa tinh thể, hòa vào lưới điện quốc gia theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt. Thời hạn hoạt động dự án là 50 năm.

Đầu tư và thế chấp trái phiếu

Hoành Sơn Group cũng có đam mê đầu tư tài chính khi mới đây, Tập đoàn này đầu tư 3.000 trái phiếu do CTCP Tập đoàn Sovico phát hành (Mã trái phiếu: SVACH2124006).

Tuy nhiên, sau đó, Hoành Sơn Group lại thế chấp 3.000 trái phiếu do Công ty cổ phần tập đoàn Sovico phát hành vào Ngân hàng Tmcp Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh Chi nhánh Hà Tĩnh theo hợp đồng 328/23MB/HĐBĐ.

Được biết, Tập đoàn Sovico và Ngân hàng Tmcp Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh Chi chính là 2 Tập đoàn lớn trong hệ sinh thái của bà Nguyễn Thị Phương Thảo.

Trước đó, Hoành Sơn Group cũng đầu tư 1.055 trái phiếu Công ty TNHH Phát triển Bất động sản An Khang mã ANKHANG2019-02 (Lô giải ngân ngày 31/03/2020). Ngày phát hành 31/12/019, ngày đáo hạn 30/6/2023.

Khoản đầu tư trái phiếu kể trên là 105,5 tỷ đồng.

Sau khi đầu tư 1.055 trái phiếu Công ty TNHH Phát triển Bất động sản An Khang, Hoành Sơn Group lại tiếp tục thế chấp và Ngân Hàng Tmcp Việt Nam Thịnh Vượng Chi Nhánh Nghệ An theo Số hợp đồng :130821. Tài sản đảm bảo khoản vay trên gồm: Tài sản bảo đảm là toàn bộ số trái phiếu và lãi trái phiếu, quyền mua cổ phiếu mới, quyền nhận cổ phiếu thưởng, các tài sản, quyền tài sản, quyền và lợi ích vật chất khác phát sinh từ Tài sản bảo đảm thuộc sở hữu của Bên bảo đảm sau đây: Tổ chức phát hành: Công ty TNHH Phát triển Bất động sản An Khang; Mã trái phiếu: ANKHANG2019-02 (Lô giải ngân ngày 31/03/2020); Số lượng (Trái phiếu): 1.055; Ngày phát hành: 31/12/2019; Ngày đáo hạn: 30/06/2023. Mệnh giá 100.000.000 (VND). Toàn bộ Trái phiếu nêu trên chưa được đăng ký tập trung tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. “Trừ tàu bay, tàu biển, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc thẩm quyền của văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất”.

Từ 2 khoản đầu tư trái phiếu kể trên chỉ là ăn chênh lệch lãi suất, có thể thấy phần nào tính ăn chắc mặc bền trong việc đầu tư tài chính của Hoành Sơn Group, nhưng cũng phải kể đến là hiện nay việc đầu tư trái phiếu tiềm tàng nhiều rủi ro.

Mới đây, Tập đoàn Hoành Sơn đã thế chấp Quyền đòi nợ phát sinh từ Hợp đồng cung cấp than số 14/HDCC-GENCO3/2023 ngày 05/04/2023 và các phụ lục hợp đồng, văn bản, sửa đổi, bổ sung (nếu có) về việc thực hiện Gói thầu: Mua sắm than
antraxit cho Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 năm 2020-2021, giai đoạn 1 ký giữa Tổng Công ty Phát điện 3 – Công ty Cổ phần (EVNGENCO3) (“Bên có nghĩa vụ thanh toán”) với Liên danh LGHS (Liên danh LG International Corp và Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn) tại Ngân Hàng Tmcp Việt Nam Thịnh Vượng Chi Nhánh Nghệ An.

Ngoài ra, Hoành Sơn cũng thế chấp khá nhiều tài sản trong ngân hàng, trong đó đa phần là cái loại xe Tập Đoàn này sở hữu.

Đặc biệt, tập đoàn cũng từng nắm nhiều chứng chỉ tiền gửi do Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (hiện là FE Credit) phát hành.

Tính riêng năm 2021, doanh thu thuần Hoành Sơn Group đạt 6.790 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trừ đi các chi phí, lãi ròng còn 330,6 tỷ đồng, tăng đến 534,5%.

Trước đó, công ty đạt 52,1 tỷ đồng trong năm 2020 và lỗ 39,77 tỷ đồng năm 2019.

Trên bảng cân đối kế toán, tại ngày 31/12/2022, cơ cấu nguồn vốn công ty ghi nhận nợ phải trả lên đến 10.540 tỷ đồng (tăng 38,5% so với số đầu kỳ), gấp hơn 7 lần so với vốn chủ sở hữu (1.446 tỷ đồng). Tổng tài sản công ty đạt 11.986 tỷ đồng, tăng 36,6%.

Thanh Bút