19/12/2024 lúc 15:02 (GMT+7)
Breaking News

Tạp chí khoa học ứng dụng: Một loại hình truyền thông không thể thiếu trong hoạt động báo chí

Thực hiện cơ chế tự chủ chuyên môn và tài chính, nhiều tạp chí khoa học đã đảm bảo được việc xuất bản đúng kỳ hạn, từng bước nâng cao chất lượng chuyên môn, bài viết, tập trung vào các hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, xã hội hóa thông tin, khoa học, chuyển tải tri thức khoa học từ hàn lâm, lý luận đến tri thức phổ thông dễ hiểu, dễ ứng dụng trong đời sống, được cộng đồng khoa học và công chúng ghi nhận, đánh giá cao.

 

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I Hội phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam, ngày 18/5/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi. Như vậy, nhiệm vụ của khoa học, kỹ thuật là cực kỳ quan trọng, cho nên mọi ngành, mọi người đều phải tham gia công tác khoa học, kỹ thuật, để nâng cao năng suất lao động, sản xuất ra nhiều của cải vật chất, để xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi”. Cũng tại Đại hội, Người nhấn mạnh công tác thông tin, truyền thông khoa học: “Các cô, các chú phải ra sức đem hiểu biết khoa học, kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động, để nhân dân đẩy mạnh thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Có như vậy nước mới giàu, dân mới mạnh và đời sống của nhân dân mới được cải thiện về mọi mặt. Đó là nhiệm vụ vẻ vang của các cô, các chú”.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định, cùng với sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đát nước, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là công cụ then chốt trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; đóng vai trò quan trọng trong tăng kinh tế, giải quyết các thách thức trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Ngày nay, cùng với cách mạng khoa học và công nghệ, cách mạng thông tin, truyền thông, cách mạng công nghiệp 4.0, tạp chí khoa học và tạp chí thuộc cơ quan khoa học là một loại hình truyền thông không thể thiếu trong hoạt động báo chí.

  1. Vài nét về sự hình thành, phát triển tạp chí trên thế giới và Việt Nam

Tiền thân của các tạp chí khoa học trên thế giới xuất phát từ ý tưởng hình thành các xuất bản phẩm: tiểu luận, bài viết ngắn, thư từ trao đổi cá nhân giữa các nhà khoa học theo trào lưu xã hội hóa kiến thức khoa học thế kỷ XVI – XVII. Cuối thế kỷ XVIII, ngày càng nhiều tạp chí khoa học dành sự quan tâm cho các chủ đề chuyên biệt hơn, xu hướng này tăng tốc cùng với sự phát triển của các trường đại học khoa học vào giữa thế kỷ XIX.

Cho đến nay, bên cạnh các tạp chí khoa học chuyên ngành mang tính truyền thống, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đã dẫn đến hình thành và phổ biến loại hình các tạp chí khoa học đa ngành và liên ngành vừa mang tính chuyên môn cao, đăng tải các bài báo liên quan đến các lĩnh vực khoa học cụ thể, vừa thông qua một quy trình bình duyệt nghiêm ngặt, tôn trọng bản quyền.

Nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn, từ nhiều năm nay trên thế giới đã hình thành các chỉ số phân loại, đánh giá các tạp chí khoa học, điển hình và nổi tiếng nhất là chỉ số ISI (Institute for Scientific Information) và Scopus.

Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, cách mạng công nghiệp 4.0 ngày nay trên thế giới các tạp chí khoa học trực tuyến có xu hướng tăng nhanh. Bắt đầu từ năm 2007 mức tăng trưởng của tạp chí khoa học điện tử có xu hướng tăng cao hơn so với tạp chí khoa học in.

Tại Việt Nam nếu so với báo, tạp chí ra đời muộn hơn. Tờ báo ra đời sớm nhất trong làng báo là tờ Gia Định báo, phát hành số đầu 15/04/1865 được xuất bản hàng tuần tại Sài Gòn và tồn tại suốt 44 năm. Trong khi đó, tờ tạp chí ra đời đầu tiên ở Việt Nam là tờ Kỷ yếu của Ủy ban canh nông và kỹ nghệ Nam kỳ (Bulletin du Comite Agricole et Indutriel de la Cochinchine) chuyên đăng tải các bài khảo cứu, điều tra về tài nguyên rừng, khai thác gỗ, nghề trồng bông, trồng chè, nước mắm, cây ăn quả… (Đỗ Quang Hưng, 2001).

Tờ tạp chí đầu tiên xuất bản bằng chữ quốc ngữ ở Việt Nam là Đông Dương Tạp chí, phụ trương của tờ Lục tỉnh tân văn, xuất bản hàng tuần, số ra đầu tiên vào ngày 15/05/1913, chủ bút là Nguyễn Văn Vĩnh. Trong thời kỳ này, Đông Dương tạp chí được nhiều cây viết tham gia cộng tác là các nhà văn, nhà thơ, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu chính trị, được đánh giá có công lớn trong việc phổ biến những tư tưởng tiến bộ chính trị, kinh tế, văn hóa, đạo đức của phương Đông và phương Tây.

 Bên cạnh đó, Tạp chí Nam Phong, xuất bản từ ngày 01/07/1917 với ý tưởng ngọn gió nước Nam đã khẳng định tinh thần tự cường dân tộc, lấy tạp chí làm nền tảng phát triển khoa học và văn hóa Việt Nam. Trong những năm hoạt động xuất bản, tạp chí đã phát triển nhiều chuyên mục phong phú như: Lý thuyết, Văn hóa bình luận, Khoa học bình luận, Triết học bình luận, Văn uyển, Tạp văn, Thời đàm, Tiểu thuyết...

Đồng hành với công cuộc nâng cao dân trí, giác ngộ cách mạng, cổ vũ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và cách mạng Việt Nam, đã có rất nhiều tạp chí của những người cộng sản được hình thành trước năm 1945. Nhiều tạp chí hoạt động bí mật, vô cùng khó khăn trong công tác biên tập, xuất bản, song với sự quyết tâm của những nhà báo, trí thức cách mạng các số tạp chí vẫn được xuất bản, đóng góp vô cùng to lớn cho nền báo chí cách mạng Việt Nam thời kỳ đầu. Có thể kể đến Tạp chí Bônsơvic (1934), Đông Thanh tạp chí (1936), Đông phương tạp chí (1939), Tạp chí Cộng sản (1941) …

Từ sau Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công, với mục tiêu bước đầu xây dựng và phát triển các ngành khoa học cơ bản và ứng dụng, phục vụ mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, cùng với sự thành lập của Ủy ban Khoa học Nhà nước, nhiều tạp chí chuyên ngành khoa học non trẻ đã được thành lập và từng bước phát triển. Trong suốt giai đoạn 1945 -1975, rất nhiều tạp chí khoa học Việt Nam đã từng bước vượt qua khó khăn từ cơ sở vật chất, con người, hoàn cảnh chiến tranh để cải thiện số lượng, chất lượng, không ngừng công bố các công trình nghiên cứu quan trọng của các nhà khoa học Việt Nam là nền tảng và cơ sở cho quá trình ứng dụng khoa học, đưa khoa học vào thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước.

Từ những năm đổi mới đến nay, các Bộ, ngành, hội nghề nghiệp, các trường đại học, viện nghiên cứu đều quan tâm, nghiên cứu, xây dựng tạp chí khoa học riêng, vừa phục vụ công tác quản lý, vừa đóng góp xây dựng ngành khoa học và phổ biến kiến thức khoa học đến nhân dân. Có nhiều tạp chí khoa học ra đời từ rất sớm như: Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử (tháng 6/1954), Tạp chí Y học Việt Nam (năm 1955), Tạp chí Nghiên cứu Văn học (tháng 1/1960), Tạp chí Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp (1962) …

Trong những năm gần đây, đẩy mạnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều tạp chí khoa học ở Việt Nam đã thực hiện thêm loại hình xuất bản tạp chí điện tử, khẳng định được uy tín, chất lượng, phục vụ phát triển của các khoa học và công nghệ Việt Nam.

  1. Quá trình hình thành, phát triển các tạp chí thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật (Liên hiệp Hội Việt Nam)

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) thành lập năm 1983, là hệ thống tập hợp các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí và ấn phẩm thông tin, lớn hiện nay, có chức năng, nhiệm vụ đoàn kết và tập hợp đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, điều phối hoạt động của các hội thành viên, là đầu mối giữa các cơ quan, tổ chức, đại diện quyền lợi hợp pháp của các hội thành viên, giải quyết những vấn đề chung trong phát triển KHCN Việt Nam.

Từ Nghị định 81/2002/NĐ-CP (Nay là Nghị định 08/2014/NĐ-CP) về việc Quy định chi tiết một số điều của Luật Khoa học và công nghệ, được Chính phủ ban hành ngày 17/10/2002, Liên hiệp Hội Việt Nam được phép thành lập các trung tâm, viện nghiên cứu, tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập. Cho đến nay, Liên hiệp Hội Việt Nam đã thành lập và quản lý hàng trăm tổ chức KHCN ngoài công lập theo mô hình này. Điểm quan trọng nhất của các tổ chức KHCN thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam là phát triển hướng KHCN liên ngành, nghiên cứu, phát triển (RD), ứng dụng, chuyển giao công nghệ, tăng cường các hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ góp phần phát triển kinh tế xã hội đất nước và cải thiện đời sống nhân dân các vùng miền, cả nước.

Tạp chí KHCN một trong những thế mạnh đặc biệt của Liên hiệp Hội Việt Nam. Nhiệm vụ của các tạp chí trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam đã được khẳng định từ các Đại hội VI, Đại hội VII và Đại hội VIII Liên hiệp Hội Việt Nam, đó là: thực hiện truyền tải, phổ biến thông tin về khoa học và công nghệ, không ngừng thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, truyền thông phổ biến kiến thức KH&CN, các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, các hoạt động tôn vinh trí thức KH&CN Việt Nam, thông tin chính trị, thời sự, văn hóa, xã hội phục vụ nhu cầu của công chúng cả nước.

Nhiều Viện Nghiên cứu khoa học thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam được thành lập khá sớm và có định hướng xây dựng và phát triển các tạp chí khoa học liên ngành. Đến nay, toàn hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam đã có 22 Viện nghiên cứu có tạp chí, trực tiếp do Đoàn chủ tịch Hội đồng Trung ương thành lập và quản lý Viện.

Sau 5 năm thực hiện Luật Báo chí 2016 và 3 năm thực hiện Quy hoạch báo chí, các tạp chí khoa học thuộc các Viện Nghiên cứu trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam đã thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, hoạt động báo chí trong khuôn khổ pháp luật không có những vụ việc vi phạm nghiêm trọng dẫn đến đình bản.

Thực hiện cơ chế tự chủ chuyên môn và tài chính, nhiều tạp chí khoa học đã đảm bảo được việc xuất bản đúng kỳ hạn, từng bước nâng cao chất lượng chuyên môn, bài viết, tập trung vào các hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, xã hội hóa thông tin, khoa học, chuyển tải tri thức khoa học từ hàn lâm, lý luận đến tri thức phổ thông dễ hiểu, dễ ứng dụng trong đời sống, được cộng đồng khoa học và công chúng ghi nhận, đánh giá cao. Bên cạnh đó nhiều tạp chí đã đảm bảo cân đối thu, chi tài chính, đảm bảo sự ổn định hoạt động chuyên môn và đời sống cho phóng viên, biên tập viên.

Trong sự phát triển và thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước giao, nhiều tạp chí đã trở thành cơ quan tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật nhà nước, tuyên truyền tích cực cho hoạt động các ngành, lĩnh vực từ trung ương, đến địa phương. Nhiều tạp chí nhận được bằng khen, giấy khen, ghi nhận của các cơ quan Đảng và nhà nước. Trong thời gian phòng chống đại dịch Covid 19 (2020 -2022), nhiều cơ quan tạp chí đã huy động các nguồn lực tài chính từ doanh nghiệp, cộng đồng hỗ trợ công tác phòng chống dịch. Nhiều phóng viên đã đến các điểm nóng vừa làm công tác báo chí vừa làm công tác thiện nguyện giúp đỡ đồng bào vượt qua những khó khăn của dịch bệnh.

Bên cạnh kết quả đã đạt được trong những năm qua, các tạp chí của các Viện nghiên cứu gặp không ít khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Hiện nay cùng với quá trình chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0, việc chuyển đổi mô hình xuất bản điện tử là một trong những yêu cầu không thể thiếu của các tòa soạn. Việc xuất bản Tạp chí điện tử (hay phiên bản điện tử) nếu áp dụng theo mô hình xuất bản định kỳ như Tạp chí in, gây cản trở cho việc tương tác liên tục với độc giả. Bởi vậy Tạp chí điện tử, phiên bản điện tử cũng cần được xuất bản hàng ngày nhưng các tòa soạn cần giám sát chặt chẽ nội dung theo tôn chỉ, mục đích tránh tình trạng mua mũ hay ”báo hóa tạp chí”. Bên cạnh đó, các tạp chí hiện nay hoạt động theo mô hình tự chủ, cần có thêm các chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, nâng cao hoạt động chuyên môn các tạp chí gắn với quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách nhà nước, tạo nguồn thu hợp pháp về chuyên môn, xuất bản và các hoạt động khác.

  1. Câu lạc bộ lãnh đạo Tạp chí khoa học từ ý tưởng đến hiện thực

Nhằm tăng cường vai trò kết nối, hỗ trợ, gắn kết các các tạp chí, cơ quan khoa học thông qua các chương trình truyền thông, phổ biến quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật nhà nước, kiến thức khoa học và công nghệ, cùng chia sẻ kinh nghiệm, thực hiện tôn chỉ, mục đích các tạp chí, 14 cơ quan tạp chí khoa học trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam đã làm việc và thống nhất việc hình thành Câu lạc bộ lãnh đạo Tạp chí khoa học và ra mắt vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21.6.2022.

Câu lạc bộ lãnh đạo tạp chí khoa học có tôn chỉ mục đích là mạng lưới tự nguyện, phi lợi nhuận, phi hành chính... Các thành viên là Lãnh đạo các tạp chí của các Viện khoa học có cùng quyền lợi, trách nhiệm và bình đẳng trong mọi hoạt động.

CLB Là nơi giao lưu trao đổi kinh nghiệm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các cơ quan tạp chí; là nơi để lãnh đạo các tạp chí chia sẻ kinh nghiệm, những chủ trương chính sách đáp ứng, thúc đẩy hoạt động để các tạp chí hoạt động ngày càng phát triển; là nơi tạo ra những hoạt động gắn kết giữa các tạp chí để nâng cao chất lượng nghiệp vụ; là nơi kết nối chức năng truyền thông, phổ biến kiến thức và chuyển giao khoa học công nghệ.

Phương thức hoạt động của CLB là: Hàng tháng có buổi gặp gỡ, sinh hoạt Câu lạc bộ theo chủ đề đã định; tổ chức thăm hỏi, động viên các cơ quan tạp chí vào những dịp kỷ niệm; liên kết, là cầu nối giữa cơ quan tạp chí với các cơ quan hữu quan; xây dựng các chuyên đề đáp ứng yêu cầu truyền thông về các lĩnh vực kinh tế - xã hội; phối hợp tổ chức hội thảo khoa học, tổ chức các cuộc thi về sáng kiến ứng dụng khoa học công nghệ.

Chắc chắn với các hoạt động gắn liền với sự phát triển đúng hướng của các Tạp chí khoa học ứng dụng, CLB lãnh đạo Tạp chí khoa học sẽ là nơi quy tụ những tập thể nhà báo khoa học tâm huyết với sự nghiệp phát triển và hội nhập của đất nước trong thời đại số.

Câu lạc bộ lãnh đạo Tạp chí khoa học 

...