26/12/2024 lúc 04:00 (GMT+7)
Breaking News

Tạo thế đứng vững chắc để hội nhập

VNHN - Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ tháng 1-2019 đã mở ra nhiều cơ hội lớn cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có mặt hàng nông sản như lúa gạo, trái cây, thủy sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

VNHN - Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ tháng 1-2019 đã mở ra nhiều cơ hội lớn cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có mặt hàng nông sản như lúa gạo, trái cây, thủy sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Để hiện thực hóa thành công các cơ hội cũng như vượt qua thách thức, sức ép từ CPTPP, các doanh nghiệp ĐBSCL đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất, xây dựng thương hiệu cho riêng mình trên bản đồ kinh tế, từng bước tạo thế đứng vững chắc trong hội nhập.

Doanh nghiệp sẵn sàng cho hội nhập

CPTPP là một trong những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với nhiều nội dung cam kết sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, mức độ tự do hóa thương mại rất cao khi gỡ bỏ khoảng 95% sắc thuế giao dịch hàng hóa giữa các quốc gia thành viên. Hiệp định này có sự tham gia của 11 nước thành viên, gồm: Việt Nam, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore.

Để tận dụng “cơ hội vàng” từ CPTPP, theo ông Lê Văn Điệp, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú (MPC), Minh Phú đã sẵn sàng chớp cơ hội này, đồng thời chuẩn bị những bước đi dài hạn nhằm “chinh chiến” trên thị trường quốc tế, vừa khẳng định thương hiệu, vừa tăng trưởng doanh thu. “Chúng tôi đặt kế hoạch tăng trưởng năm 2019 khoảng 10 -15% so với năm 2018. Cơ hội từ CPTPP tạo điều kiện thuận lợi để Minh Phú hiện thực hóa kế hoạch này”, ông Lê Văn Điệp nói.

Cũng theo ông Điệp, trong 11 nước CPTPP, công ty đang có tôm xuất khẩu vào Canada, Úc, Nhật Bản. Hiện nay, Mỹ (nước không tham gia CPTPP) vẫn là thị trường chủ lực của công ty. Sang năm 2019, Minh Phú sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến lược tung sản phẩm mới có tính cạnh tranh cao vào thị trường chủ lực này. Tuy nhiên, cùng với đó, khối các nước CPTPP sẽ được công ty chú trọng hơn để khai thác lợi thế. Với thị trường Úc, từ trước đến nay, Minh Phú gặp nhiều khó khăn khi Úc có rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt, không chấp nhận nhập khẩu tôm tươi. Tôm vào Úc phải trải qua khâu kiểm duyệt gắt gao nên sản lượng tôm của Minh Phú xuất đi Úc khá khiêm tốn. “Để đưa tôm vào Úc nhiều hơn, chúng tôi đã nhập máy kiểm tra virus đáp ứng nhu cầu kiểm dịch của Úc, kiểm tra được bệnh đốm trắng, đầu vàng, đảm bảo tôm đạt chuẩn trước khi xuất đi. Đồng thời, các vùng nguyên liệu cũng được kiểm tra nghiêm ngặt”, ông Lê Văn Điệp chia sẻ.

Dù không có lợi thế nhiều như may mặc và ngành tôm, thế nhưng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) TP Bến Tre vẫn đang nỗ lực để có thể tận dụng cơ hội từ CPTPP.

Theo bà Châu Kim Yến, Tổng giám đốc Công ty Betrimex, hiện sản phẩm dừa hữu cơ của công ty đã xuất khẩu ra hơn 40 thị trường nước ngoài. Trong đó có nhiều thị trường khó tính như: Mỹ, Anh, Đức, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản. Sản phẩm được thị trường quốc tế đánh giá cao là nước dừa đóng hộp. Với sản lượng kinh doanh 20 triệu lít nước dừa và sữa dừa, Betrimex đang xây dựng chiến lược mở rộng xuất khẩu qua các thị trường CPTPP.

“Để làm được điều này, công ty đang mở rộng vùng chuyên canh dừa hữu cơ để đảm bảo nguồn nguyên liệu chất lượng ngay từ đầu vào. Cùng với đó cũng đẩy mạnh đầu tư vào khâu máy móc thiết bị, nâng cao công nghệ chiều sâu và xây dựng nguồn nhân lực tay nghề cao đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường”, bà Yến cho biết.

Chính quyền luôn đồng hành

Tham gia Hiệp định CPTPP, thị trường sẽ được mở rộng hơn cho các doanh nghiệp, cùng với đó là cơ hội tiếp cận với những thị trường khó tính cũng sẽ nhiều hơn. Đặc biệt, qua đây giao thương của Việt Nam đối với các quốc gia trong thị trường CPTPP cũng sẽ nhiều hơn, nhất là đối với các mặt hàng mà ĐBSCL có lợi thế như gạo, thủy sản, trái cây. Tuy nhiên, những thách thức mà CPTPP đem đến cũng “rất lớn”. Đó là những rào cản về kỹ thuật, những yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hóa, cũng như việc bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng sẽ khắt khe hơn. Vì vậy, doanh nghiệp cần trang bị thêm nhiều kiến thức khi tham gia sân chơi toàn cầu.

Đối với các doanh nghiệp ở Cần Thơ, để đồng hành cùng họ, ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ thông tin, hiện trung tâm đang phối hợp với một số tổ chức thương mại của Canada, Hàn Quốc cũng như các chuyên gia trong nước để tổ chức các hội thảo tập huấn về CPTPP tại Cần Thơ. Để hỗ trợ doanh nghiệp, trong tháng 6 sẽ có đoàn tổ chức thương mại của Canada sang phổ biến, hướng dẫn giúp các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng xoài để có thể đạt tiêu chuẩn xuất khẩu của thị trường này.

Ngoài ra, trung tâm cũng hỗ trợ nâng cao năng lực cho các sở, ngành cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn. Đặc biệt, tháng 8 tới sẽ có đoàn các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Malaysia và Singapore cũng đến Cần Thơ để tìm kiếm cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư với các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Cần Thơ tiếp cận trực tiếp với họ để nâng cao năng lực trong hợp tác quốc tế, ông Nguyễn Khánh Tùng cho biết thêm.

Hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt cơ hội từ CPTPP, tỉnh An Giang cũng tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế, lợi thế và thách thức của CPTPP đối với doanh nghiệp An Giang… Theo ông Lê Văn Nưng, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: “Tỉnh đã chỉ đạo Sở công thương nghiên cứu thật kỹ hiệp định CPTPP để thông tin cụ thể đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn để nắm được thời điểm áp dụng được với từng thị trường về hàng rào thuế quan cũng như hàng rào kỹ thuật. Sở Công Thương sẽ tổ chức tuyên truyền về CPTPP cho doanh nghiệp nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và hàng hóa”.

Để tận dụng cơ hội vàng từ CPTPP, các doanh nghiệp ĐBSCL đã chủ động tìm hiểu, xác định rõ trách nhiệm cũng như lường trước được khó khăn đang chờ đón. Dù có sự chuẩn bị, nhưng chưa đủ và còn nhiều việc phải làm mới có thể giải quyết được những khó khăn. Sự đồng hành từ chính quyền địa phương đã góp phần giúp doanh nghiệp phần nào tự tin hơn khi bước vào “cuộc chiến”. Để đi đến thành công nhất định, doanh nghiệp cần nỗ lực nhiều hơn, đồng thời Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và nhất là các hiệp hội cũng phải làm tốt hơn nữa công tác tư vấn, hỗ trợ, cung cấp đầy đủ nhất thông tin cho doanh nghiệp về CPTPP.