VNHNO-Chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong – Nhật Bản lần thứ 10 và thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thể hiện Việt Nam coi trọng cơ chế hợp tác Mekong - Nhật Bản, mong muốn đóng vai trò tích cực trong cơ chế hợp tác này cũng như phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản lên một tầm cao mới.
Các đại biểu tại Hội nghị cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 9
Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong-Nhật Bản lần này đánh dấu 10 năm hình thành và phát triển cơ chế hợp tác Mekong-Nhật Bản và 3 năm triển khai chiến lược Tokyo.
Tháng 1/2007, Hội nghị Cấp cao ASEAN 12 diễn ra tại Philippines, Nhật Bản đề xuất Chương trình quan hệ đối tác Nhật Bản - Mekong. Cho tới nay, Nhật Bản và các nước Mekong gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam đã tiến hành 9 Hội nghị Cấp cao, 11 Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và 10 Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế, trong đó đã đạt được một số thỏa thuận và triển khai cụ thể.
Nằm ở vị trí cửa ngõ của khu vực Mekong, Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác với các quốc gia tiểu vùng, nhất là cơ chế hợp tác Mekong - Nhật Bản. Ngay từ khi cơ chế hợp tác này được hình thành, Việt Nam đã thể hiện vai trò của một quốc gia có trách nhiệm, năng động và tích cực.
Các bộ, ngành và địa phương của Việt Nam đã tham gia vào hơn 100 dự án, nổi bật là các dự án xây dựng cảng nước sâu Lạch Huyện, nhà ga số 2 sân bay Nội Bài, nhà máy nhiệt điện Ô Môn, Nghi Sơn 2, nâng cao năng lực sản xuất vắc xin sởi và Rubella...
Việt Nam cũng đã kiên trì thúc đẩy và đưa vấn đề hợp tác nguồn nước sông Mekong trở thành một nội dung quan trọng của hợp tác, gắn kết cơ chế Mekong – Nhật Bản với Ủy hội sông Mekong (MRC). Trong hợp tác Mekong – Nhật Bản, Việt Nam đã tham gia nhiều dự án, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Với quyết tâm cao từ phía Nhật Bản và các nước tiểu vùng Mekong, Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong – Nhật Bản lần thứ 10 được kỳ vọng sẽ tạo một dấu mốc mới trong hợp tác Mekong – Nhật Bản với việc thông qua “Chiến lược hợp tác Tokyo 2018” định hướng cho hợp tác Mekong – Nhật Bản giai đoạn 2019 – 2021. Đồng thời, Hội nghị sẽ đánh giá lại những bài học kinh nghiệm từ quá trình 10 năm hợp tác và những cơ hội, thách thức của hợp tác Mekong – Nhật Bản trong giai đoạn mới.
Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị lần này nhằm khẳng định cam kết của Việt Nam đối với cơ chế hợp tác này, đánh giá các kinh nghiệm trong 10 năm qua, đề ra định hướng lớn và đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả hợp tác trong thời gian tới.
Thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ thăm Nhật Bản. Chuyến thăm đặc biệt diễn ra trong dịp hai nước kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản, nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản đang phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực, góp phần tăng cường tin cậy chính trị giữa hai nước.
Sau 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (tháng 9/1973), Việt Nam và Nhật Bản đã trở thành đối tác ngày càng quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Không những thế, từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” (tháng 3/2014), quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đã có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất.
Nhật Bản là nước G-7 đầu tiên đón Tổng Bí thư Việt Nam đến thăm (năm 1995), nước G-7 đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam (năm 2009), nước G-7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (năm 2011), nước G-7 đầu tiên mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G-7 mở rộng (tháng 5/2016).
Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Đến nay, Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, nhà đầu tư số hai tại Việt Nam. Năm 2017 Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam.
Về thương mại, hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ 1999. Trong 8 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 24,52 tỷ USD (tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2017).
Về đầu tư trực tiếp, năm 2017, đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam đạt mức kỷ lục 9,11 tỷ USD, đứng đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Lũy kế tính đến cuối tháng 8/2018, Nhật Bản có 3.865 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 55,838 tỷ USD, đứng thứ 2 trong tổng số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Về viện trợ phát triển chính thức ODA, từ năm 1992 đến hết tài khóa 2016 (31/3/2017), Nhật Bản đã cam kết khoảng 30,5 tỷ USD, ODA vốn vay cho Việt Nam. 6 tháng đầu năm 2018, hai bên đã ký các công hàm trao đổi cho 2 dự án viện trợ không hoàn lại (tổng trị giá gần 25 triệu USD). Nhật Bản cam kết khoản vay gần 16 tỷ yên (142 triệu USD) cho lĩnh vực đào tạo nghề tại Việt Nam.
Từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã cử nhiều tu nghiệp sinh sang Nhật Bản. Hiện có khoảng 120.000 lao động, thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản. Quan hệ hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa hai nước đã phát triển dưới nhiều hình thức, Nhật Bản là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành giáo dục đào tạo của Việt Nam. Số lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản đến đầu 2018 khoảng 75.000 người.
Chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong – Nhật Bản lần thứ 10 và thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhằm khẳng định Việt Nam là đối tác tin cậy, sẵn sàng cùng Nhật Bản và các nước xây dựng các kế hoạch hợp tác dài hạn hướng tới mục tiêu chung là phát triển và thu hẹp khoảng cách phát triển của các nước tiểu vùng Mekong cũng như trong việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản lên một tầm cao mới.
An Bình/VGP