Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đang triển khai Đề án xây dựng sàn thương mại điện tử hợp nhất 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Theo Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, thực hiện Quyết định số 645/QĐ-TTg (Quyết định 645) ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025, đơn vị được giao nhiệm vụ triển khai Đề án xây dựng sàn thương mại điện tử hợp nhất 63 tỉnh, thành phố.
Hiện nay, việc xúc tiến thương mại trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử của các địa phương còn nhiều hạn chế, hoạt động kém hiệu quả.
Do đó, đặt ra bài toán làm thế nào để các sàn địa phương vừa phát triển tốt, vừa đảm bảo tính chất vùng miền, tận dụng được nền tảng thương mại điện tử chiếm thị phần lớn.
“Đề án xây dựng sàn thương mại điện tử hợp nhất 63 tỉnh, thành phố sẽ liên kết, kết nối các sàn thương mại điện tử địa phương với nhau và với sàn thương mại điện tử phổ biến tạo nên một môi trường kết nối giao thương đa chiều hiệu quả. Qua đó, phục vụ nhu cầu thúc đẩy giao dịch, mua sắm hàng hóa qua kênh thương mại điện tử của người dân,” đại diện Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số cho hay.
Cùng đó, phù hợp với yêu cầu thiết thực của doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên toàn quốc và phù hợp với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng sàn thương mại điện tử tại Quyết định 645.
Sàn thương mại điện tử hợp nhất 63 tỉnh, thành phố hướng tới việc thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về mức độ phát triển thương mại điện tử. Đồng thời, kết nối các sàn thương mại điện tử địa phương trên cả nước về một địa chỉ.
Mặt khác, hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng thông qua việc lựa chọn sản phẩm có trọng tâm của địa phương theo tiêu chí sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)...
Việc này nhằm triển khai sự kiện truyền thông, quảng bá thúc đẩy hoạt động giao dịch trực tuyến, tăng doanh số bán hàng, hướng tới xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững.
Theo Trung tâm Phát triển Thương mại Điện tử thuộc Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số-Đơn vị triển khai Đề án, sàn thương mại điện tử hợp nhất là mô hình chuỗi cung ứng hàng hóa tập trung từ Trung ương đến địa phương và cũng là địa điểm chia sẻ, giao lưu hàng hóa giữa các địa phương trong cả nước.
Bên cạnh đó, cung cấp công cụ tiếp thị, xúc tiến bán hàng trực tuyến và doanh nghiệp chỉ cần truy cập vào một địa chỉ tên miền là có thể thực hiện hầu hết mọi thao tác trên cùng một nền tảng. Qua đó, giúp doanh nghiệp, cá nhân phát triển thương mại điện tử và thu hút được lượng lớn nhà cung cấp sản phẩm và khách hàng.
Thời gian tới, Trung tâm Phát triển Thương mại Điện tử sẽ kết nối sàn hợp nhất với các sàn nhánh để hoàn thiện hệ thống, tạo môi trường kết nối giao thương đa chiều hiệu quả, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam trong và ngoài nước thông qua ứng dụng thương mại điện tử./.