08/11/2024 lúc 15:53 (GMT+7)
Breaking News

Tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu: Hiệu ứng tiêu cực lên giá cước vận tải

VNHN - Liên quan đến đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, nhiều DN vận tải cho biết, họ sẽ buộc phải tăng cước vận chuyển để bù đắp khoản chi phí nhiên liệu tăng theo.

VNHN -  Liên quan đến đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, nhiều DN vận tải cho biết, họ sẽ buộc phải tăng cước vận chuyển để bù đắp khoản chi phí nhiên liệu tăng theo.

Doanh nghiệp vận tải sẽ không chịu thiệt

Trước thông tin về kiến nghị tăng thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng từ 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít; nhiều DN vận tải tỏ ra lo lắng, thậm chí phản đối. Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát Đỗ Anh Bằng cho biết, hiện chi cho nhiên liệu của DN chiếm khoảng 40% chi phí hàng ngày. “Mỗi ngày, chúng tôi tiêu thụ khoảng 3.000 lít xăng dầu. Nếu giá dầu tăng theo thuế bảo vệ môi trường, mỗi ngày chúng tôi có thể mất thêm khoảng 3 triệu đồng, mỗi tháng khoảng 100 triệu đồng” - ông Bằng tính toán. Đồng thời, vị lãnh đạo Công ty Minh Thành Phát khẳng định, một khi giá xăng dầu tăng, đơn vị sẽ phải xin tăng giá cước để bù đắp.

Ảnh : Người tiêu dùng mua xăng tại cửa hàng trên đường Nguyên Hồng. Ảnh: Hải Linh.
Giá cả hàng hóa leo thangTương tự, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng khẳng định, tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ gây ra một chuỗi hiệu ứng tiêu cực đối với xã hội. “Xăng tăng, giá cước taxi sẽ tăng. Và đương nhiên, người cuối cùng phải chi trả cho các khoản tăng đó là người dân chứ không phải ai khác”. Ông Hùng nhấn mạnh thêm, hiện taxi truyền thống đã phải chịu quá nhiều loại chi phí, lại đang bị taxi công nghệ dồn vào thế chân tường. Tăng chi phí nhiên liệu, tăng giá cước có thể khiến taxi truyền thống ngày càng lún sâu vào khủng hoảng; đồng nghĩa với việc hàng vạn lái xe và gia đình họ sẽ không được đảm bảo cuộc sống dù là tối thiểu.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng: Tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu trong thời điểm này sẽ hạn chế sự phát triển, giao thương, đặc biệt là trong nội địa; ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng nội cũng như các DN trong nước. Do đó, cần phải rất thận trọng với việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Các DN vận tải hàng hóa cũng đồng thời tỏ ra lo ngại, việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ tác động tiêu cực lên giá cước vận chuyển, qua đó đẩy giá hàng hóa leo thang. Đại diện một DN vận tải tại Hà Nội chia sẻ, hiện nay, chi phí vận tải hàng hóa đang có chiều hướng bị cưỡng bách gia tăng. Vị này lý giải, phí cầu đường cao, lương nhân công tăng, nếu giá nhiên liệu cũng tăng nữa, thì không cách nào khác là DN phải tăng cước vận tải. “Đầu tư phương tiện, chi phí DN để hoạt động là rất lớn, nếu lợi nhuận thu lại “cắc bụp” thì những lúc rủi ro biết lấy gì khắc phục? Do đó chúng tôi bị cưỡng bách phải tăng chứ không hề muốn”.

Các chuyên gia cho rằng, đừng xem việc tăng 500 - 1.000 đồng tiền thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là nhỏ; nó có thể tạo nên cả một dây chuyền phản ứng tiêu cực đối với nền kinh tế và an sinh xã hội. Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng phân tích, vận tải là mạch máu lưu thông sản phẩm của nền kinh tế, giá cước đắt đỏ, đương nhiên sẽ đẩy giá hàng hóa leo thang.

Nhiều câu hỏi khác cũng được cả các DN vận tải lẫn người dân quan tâm là tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ làm lợi cho ai? Liệu khoản tăng thêm này có nên chỉ đánh vào người tiêu dùng hay không? Các chuyên gia cho rằng, muốn thuyết phục được người dân đồng thuận với mức tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, trước tiên phải giải thích được tại sao họ phải là người gánh thuế. Mức thuế này nên chăng cần áp dụng, hoặc tối thiểu là chia đều cho cả DN kinh doanh xăng dầu, DN vận tải và người dân./.

Theo Kinh Tế Đô Thị