16/01/2025 lúc 02:54 (GMT+7)
Breaking News

Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong thương mại quốc tế

VNHN - Việt Nam luôn chú trọng bảo đảm lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật, chính sách phát triển bao trùm, chú trọng triển khai các biện pháp tạo điều kiện thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động kinh doanh, thương mại quốc tế, khuyến khích sự phát triển của các nữ doanh nghiệp.

VNHN - Việt Nam luôn chú trọng bảo đảm lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật, chính sách phát triển bao trùm, chú trọng triển khai các biện pháp tạo điều kiện thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động kinh doanh, thương mại quốc tế, khuyến khích sự phát triển của các nữ doanh nghiệp.

Vừa qua, tại Geneva, Việt Nam cùng một số thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tham dự cuộc họp trực tuyến cấp đại sứ, trưởng phái đoàn đã nhất trí thành lập Nhóm công tác không chính thức về thương mại và giới, đánh dấu giai đoạn tiếp theo của việc triển khai sáng kiến được khởi động vào năm 2017 nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong thương mại.

Ảnh minh họa

Đại sứ Iceland Harald Aspelund, đồng Chủ tịch Nhóm tác động thương mại quốc tế đối với bình đẳng giới, đã giới thiệu đề xuất thành lập Nhóm công tác không chính thức nêu trên của WTO. Ông cho biết, đề xuất này xuất phát từ các cuộc tham vấn với các thành viên WTO ủng hộ việc theo đuổi các cam kết nêu trong Tuyên bố chung Buenos Aires về thương mại và nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Tuyên bố chung này là sáng kiến ​​nhằm xóa bỏ các rào cản đối với sự tham gia của phụ nữ trong thương mại, được 118 thành viên WTO và các quan sát viên ủng hộ tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 11 năm 2017 tổ chức tại Buenos Aires, Argentina. Hiện có 127 nước tham gia Tuyên bố chung này.

Mục tiêu của Nhóm công tác là tiếp tục chia sẻ các thực tiễn tốt nhất của các thành viên WTO về nâng cao sự tham gia của phụ nữ trong thương mại quốc tế, xem xét và làm rõ nội hàm của "lăng kính giới" trong thương mại quốc tế và xem xét làm thế nào lăng kính giới có thể được áp dụng một cách hữu ích đối với công tác của WTO ; xem xét và thảo luận về các phân tích liên quan đến giới do Ban Thư ký WTO thực hiện và tìm hiểu cách thức tốt nhất để giúp cho việc đưa ra chương trình làm việc sắp tới của WTO về viện trợ cho thương mại. Nhóm sẽ triệu tập cuộc họp đầu tiên vào cuối năm nay và lập ra lịch trình hoạt động, các chủ đề sẽ được thảo luận trước Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 12.

Phó Tổng Giám đốc WTO Yonov Frederick Agah phát biểu tại cuộc họp đã nhấn mạnh, “Tuyên bố Buenos Aires về thương mại và nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ đã trở thành một phần quan trọng trong công tác của WTO nhằm làm cho thương mại trở nên bao trùm hơn”, đồng thời cho rằng cuộc họp này “đánh dấu một giai đoạn mới quan trọng trong việc thúc đẩy công tác này trên cơ sở tiếp tục bảo đảm minh bạch, hợp tác và cởi mở”.

Ông Agah chia sẻ về một số hoạt động nổi bật của WTO về thực hiện Tuyên bố này như tổ chức hội thảo, sử dụng quy trình Rà soát chính sách thương mại để chia sẻ các chính sách liên quan đến giới của một số thành viên WTO… Bên cạnh đó, Ban Thư ký WTO có một đầu mối chuyên trách về giới và thương mại, tích cực tham gia vào các hoạt động thúc đẩy chủ đề này; triển khai đào tạo về thương mại và giới từ năm 2019 thuộc chương trình đào tạo, tập huấn của Viện Đào tạo và Hợp tác kỹ thuật của WTO (ITTC) dành cho các quan chức chính phủ và sẽ được phát triển thêm để tích hợp nghiên cứu mới về chủ đề này; đồng thời từ năm 2018, WTO đã thu thập dữ liệu và thống kê hằng năm về bình đẳng giới trong WTO.

Ngoài ra, ông Agah nhấn mạnh, phụ nữ đang chịu tác động lớn do những gián đoạn liên quan đến thương mại từ đại dịch COVID-19 và không thể thiếu sự đóng góp của phụ nữ trong việc xây dựng lại một hệ thống thương mại mở và có thể dự đoán được nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế mạnh mẽ và toàn diện sau đại dịch.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác khẳng định, là một thành viên tham gia Tuyên bố chung Buenos Aires, Việt Nam ủng hộ việc thành lập Nhóm công tác với lộ trình và hoạt động cụ thể để thúc đẩy thực hiện Tuyên bố chung Buenos Aires hướng tới nâng cao sự tham gia của phụ nữ trong thương mại quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Việt Nam luôn chú trọng bảo đảm lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật, chính sách phát triển bao trùm, chú trọng triển khai các biện pháp tạo điều kiện thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động kinh doanh, thương mại quốc tế, khuyến khích sự phát triển của các nữ doanh nghiệp. Việt Nam mong muốn học tập kinh nghiệm của các nước trong lĩnh vực này, sẵn sàng tham gia các hoạt động của Nhóm công tác mới được thành lập.

Đại sứ Botswana, bà Athaliah Molokomme, đồng Chủ tịch của Nhóm Tác động thương mại quốc tế đối với bình đẳng giới, phát biểu nhấn mạnh, các ý kiến của các thành viên WTO tại cuộc họp cho thấy có sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc thành lập Nhóm làm việc không chính thức và cụ thể hóa các hoạt động và lộ trình cụ thể của Nhóm trong thời gian tới.

Bà Dorothy Tembo, Giám đốc điều hành lâm thời của Trung tâm Thương mại quốc tế và là đồng Chủ tịch Nhóm Tác động thương mại quốc tế đối với bình đẳng giới, lưu ý thêm rằng công việc tiếp theo là cần mở rộng sự tham gia của các thành viên WTO ngoài 127 nước hiện nay tham gia Tuyên bố Buenos Aires.

Trong nội dung Tuyên bố chung Buenos Aires về thương mại và nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ năm 2017, các thành viên tham gia Tuyên bố công nhận vai trò và tầm quan trọng của phụ nữ trong thương mại, sẽ phối hợp với nhau nhằm mục tiêu lồng ghép vấn đề giới, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ trong xây dựng chính sách thương mại, phát triển, bao gồm: Chia sẻ kinh nghiệm về khuyến khích phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế trong khuôn khổ WTO, cụ thể là trao đổi thông tin và tự nguyện báo cáo về các hoạt động liên quan trong các buổi rà soát chính sách thương mại; Chia sẻ thông lệ thực hành tốt về phân tích tác động của chính sách đối với phụ nữ; Chia sẻ phương pháp và thủ tục thu thập thông tin về phụ nữ trong kinh tế, thương mại; Phối hợp trong WTO để loại bỏ rào cản đối với sự tham gia của phụ nữ trong thương mại; Bảo đảm các hoạt động viện trợ thúc đẩy thương mại của WTO tạo điều kiện thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong thương mại quốc tế.