VNHN - Việt Nam xác định, trong thời gian tới, tiếp tục tham gia có hiệu quả, thực hiện đầy đủ trách nhiệm thành viên vào hoạt động của Tổ chức Năng suất châu Á (APO); và các tổ chức quốc tế, khu vực khác về năng suất, chất lượng; Trao đổi và hợp tác quốc tế để tiếp thu và cập nhật các phương pháp mới, kinh nghiệm, kỹ thuật gia tăng năng suất chất lượng...
Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng suất chất lượng
Đối với Việt Nam, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; Năng suất và đổi mới sáng tạo là nội dung xuyên suốt trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam (2020 – 2030). Vì vậy, Chính phủ, Quốc hội Việt Nam đã có những chính sách, quyết sách rất quan trọng nhằm nâng cao hoạt động công nghệ, nhất là nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm giúp cho nền kinh tế Việt Nam lên một tầm cao mới.
Trong thời gian qua, hoạt động hợp tác quốc tế và hội nhập trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã được Việt Nam đẩy mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu. Việt Nam duy trì hợp tác thường xuyên với hơn 30 tổ chức quốc tế, một số nước trên thế giới và khu vực. Việc tham gia các tổ chức quốc tế và khu vực trong nhiều năm qua đã giúp xây dựng nên chính sách về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng phù hợp với bài bản quốc tế, góp phần tích cực tạo thuận lợi cho thương mại, nâng cao vị thế của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế và khu vực, đảm bảo sự hội nhập của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đặc biệt, việc trở thành thành viên Tổ chức Năng suất châu Á (APO) từ ngày 1/1/1996 có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam. Được thành lập vào ngày 11/05/1961, APO có tầm nhìn trở thành tổ chức quốc tế dẫn đầu trong công cuộc nâng cao năng suất, đưa các nền kinh tế thành viên của APO trở nên năng suất và cạnh tranh hơn vào năm 2020. Sự hỗ trợ của APO đối với Việt Nam thể hiện trên hoạt động quan trọng trong thời gian gần đây như: Xây dựng Kế hoạch tổng thể về năng suất hướng tới phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, tăng cường năng lực thông qua các hội thảo, hội nghị, tư vấn, cung cấp chuyên gia... đối với nhiều lĩnh vực gắn liền với các chính sách, chủ trương phát triển của nhà nước như sản xuất thông minh, đô thị thông minh; truy xuất nguồn gốc; đào tạo chuyên gia đánh giá về Giải thưởng chất lượng quốc gia…
Từ khi gia nhập đến nay, Tổ chức Năng suất quốc gia Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) đã cử hàng nghìn lượt cán bộ của các cơ quan quản lý, các ngành kinh tế và các tổ chức, doanh nghiệp tham dự các chương trình, dự án của APO ở trong nước và nước ngoài.
Tổng thư ký APO, ngày 30/11/2019, khẳng định ủng hộ và hỗ trợ cho Việt Nam thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tạo động lực cho phát triển năng suất và mong muốn mở rộng phạm vi ứng dụng đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực: Nông nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, hài hòa các tiêu chuẩn…
Hiện tại, APO đã hỗ trợ các nền kinh tế thành viên thành lập 05 Trung tâm xuất sắc (COE) gồm: COE về Mô hình kinh doanh hoàn hảo tại Singapore (2009), COE về Năng suất xanh tại Đài Loan (2013), COE về năng suất trong lĩnh vực công tạo Philippines (2015), COE về công nghệ thông tin phục vụ công nghiệp 4.0 tại Ấn Độ (2017) và COE về Sản xuất thông minh tại Đài Loan (2019).
Các nhà lãnh đạo APO cũng đã bày tỏ sẵn sàng giúp Việt Nam thành lập COE về đổi mới sáng tạo thúc đẩy năng suất. COE đóng vai trò như một nơi kết nối chuyên gia và nơi sẽ tiến hành các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, tư vấn đánh giá trong lĩnh vực thế mạnh cho các nền kinh tế thành viên của APO. COE không cần phải xây dựng cơ sở vật chất gì mà chỉ cần duy trì một trang web cho phép các nền kinh tế thành viên kết nối và truy cập thông tin về các sự kiện, kiến thức liên quan; Duy trì cơ sở dữ liệu các chuyên gia trong lĩnh vực và tổ chức các đoàn chuyên gia đến hỗ trợ các nền kinh tế thành viên trong việc xây dựng các chính sách, năng lực liên quan và đón các đoàn vào học tập và tổ chức các khóa đào tạo, hội nghị liên quan cho các nền kinh tế thành viên.
Việc tham gia đầy đủ và có hiệu quả vào các chương trình, dự án của APO, sẽ giúp Việt Nam nói chung, Tổ chức Năng suất quốc gia (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) nói riêng, tăng cường năng lực chuyên gia lĩnh vực năng suất chất lượng, nhất là năng lực tiếp cận với các công cụ, giải pháp mới nâng cao năng suất chất lượng trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và nâng cao vai trò của Tổ chức Năng suất quốc gia trong APO; Nghiên cứu để xây dựng các cơ sở pháp lý cho hoạt động năng suất chất lượng và hoạt động APO tại Việt Nam...
Với vai trò là thành viên của APO, Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm và có những đóng góp vào quá trình triển khai các chương trình của APO. Cùng với việc đảm nhận vai trò Chủ tịch APO năm 2020, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để đón nhận những công nghệ mới từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại cũng như chia sẻ những thách thức trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, giải pháp khắc phục trong Kế hoạch tổng thể về phát triển năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo.
Trên cơ sở đó, Việt Nam xác định, trong thời gian tới, tham gia có hiệu quả, thực hiện đầy đủ trách nhiệm thành viên vào hoạt động của APO; và các tổ chức quốc tế, khu vực khác về năng suất, chất lượng; Trao đổi và hợp tác quốc tế để tiếp thu và cập nhật các phương pháp mới, kinh nghiệm, kỹ thuật gia tăng năng suất chất lượng, các nghiên cứu năng suất, so sánh năng suất với các nước trong khu vực và trên thế giới; Phối hợp với các chuyên gia quốc tế và nước ngoài đào tạo chuyên gia trong nước trong lĩnh vực năng suất, chất lượng; Mở rộng đàm phán, ký kết các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp với các nước, vùng lãnh thổ, khu vực, quốc tế để tạo thuận lợi thương mại...
Hải An