VNHN - Tại Hội nghị trực tuyến Chính sách an ninh Diễn đàn khu vực ASEAN (ASPC), do Cục Đối ngoại (Bộ Quốc phòng) tổ chức ngày 8-7 tại Hà Nội, chủ nhà Việt Nam và 26 quốc gia đối tác của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) đã chia sẻ nhiều quan điểm về củng cố, tăng cường hợp tác quốc phòng.
Dự và chủ trì Hội nghị, có đồng chí Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Quốc phòng, Trưởng ADSOM+ Việt Nam.
Tham dự Hội nghị, có 26 đoàn đối tác trong khuôn khổ ARF và Ban Thư ký ASEAN.
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề an ninh của mỗi quốc gia, cho thấy an ninh thế giới và khu vực rất mong manh trước những thách thức phi truyền thống.
“An ninh mạng, an ninh bán đảo Triều Tiên, an ninh biển, trong đó có an ninh tại Biển Đông đang là điểm nóng trong khu vực. Do đó, cần xây dựng niềm tin, giải quyết mọi khúc mắc bằng hòa bình, vì lợi ích quốc gia và thế giới”, Trưởng ADSOM+ Việt Nam nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm nêu trên, Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, ông Nishida Yasunori nêu rõ: Những nỗ lực đơn phương làm thay đổi hiện trạng tại Biển Đông đang gây ảnh hưởng đến an ninh khu vực.
“Nhật Bản ủng hộ cách giải quyết hòa bình, ủng hộ an ninh, an toàn hàng hải theo luật pháp quốc tế. Chúng tôi luôn mong muốn được hợp tác với tất cả các quốc gia trong việc duy trì trật tự thế giới”, đại biểu của Nhật Bản khẳng định.
Tham luận tại Hội nghị, đại diện Cơ quan Hành động đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Guillaume Descot, chỉ ra rằng: Các hành động đơn phương với mục đích thay đổi hiện trạng tại Biển Đông thực tế đã mang lại những đe dọa nền hòa bình của khu vực.
Theo đó, ông Guillaume Descot kêu gọi các nước thực hiện đúng các cam kết, kiềm chế, tránh dùng vũ lực và các hành động gia tăng căng thẳng. Đồng thời, cần thiết lập trật tự dựa trên luật pháp quốc tế để tạo môi trường và niềm tin.
Cũng tại Hội nghị, nhiều đại biểu đối tác của ARF đã bày tỏ lo ngại đối với những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang ngày càng gia tăng như môi trường, dịch bệnh, khủng bố... Vì vậy, cần tăng cường hợp tác, học tập kinh nghiệm lẫn nhau theo hướng thực chất, hiệu quả, thiết thực.