Doanh nghiệp nhỏ và vừa là bộ phận lớn trong cộng đồng DN Việt Nam
Với quan điểm luôn đồng hành, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển, coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, thời gian qua, trong chỉ đạo, điều hành, Chính phủ thực hiện phương châm: "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả". Nhiều chính sách, giải pháp đã được Chính phủ và các địa phương ban hành, triển khai thực hiện, tạo hiệu ứng tích cực, khắc phục các điểm nghẽn và bất cập của nền kinh tế, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, Chính phủ đã thực thi chính sách tiền tệ và tài khoá linh hoạt, phù hợp với diễn biến và thực tế tình hình kinh tế trong nước, khu vực và thế giới, nhằm tháo gỡ một phần khó khăn về vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường đầu ra bị ách tắc.
Ngày 21/4/2023 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, nhằm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp chủ động thích ứng với tình hình mới, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và phục hồi nhanh, đổi mới sáng tạo, phát triển sản xuất kinh doanh bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; lớn mạnh về số lượng và chất lượng, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Chính phủ đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt 1,5 triệu doanh nghiệp; 8.000-10.000 hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65-70% GDP cả nước, khoảng 30-35% tổng việc làm trong nền kinh tế, 98-99% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu…
Mặc dù nền kinh tế từ sau đại dịch Covid-19 vẫn rất khó khăn, nhưng số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang hoạt động không ngừng gia tăng. Minh chứng là trong năm 2022, số DN đang hoạt động đã tăng lên nhờ tăng tốc khởi nghiệp; số DN đăng ký thành lập mới đạt kỷ lục với 148.500 DN, tăng cao so với những năm trước đó. Điều đó cũng thể hiện sự hồi phục của kinh tế đại dịch COVID-19, cũng như môi trường đầu tư được cải thiện và đặc biệt là nỗ lực của đội ngũ doanh nhân trong khởi nghiệp. Không những vậy, cộng đồng doanh nhân luôn năng động, linh hoạt, chủ động vượt khó, không khoanh tay đứng nhìn, sẵn sàng lao vào sản xuất, kinh doanh, tạo nên thành tích tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong những năm qua.
Hiện toàn nền kinh tế nước ta có trên 850 nghìn doanh nghiệp, nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Đây là loại hình DN chiếm tỷ lệ lớn trong cộng đồng DN Việt Nam, sử dụng gần một nửa tổng số lao động và đóng góp đáng kể vào GDP hàng năm (khoảng 40%); giữ vai trò là bộ phận quan trọng trong thành phần kinh tế tư nhân, khu vực DNNVV đã có những đóng góp thúc đẩy sự chuyển mình và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong những năm vừa qua.
Thực trạng và giải pháp hỗ trợ phát triển
Kinh nghiệm của một số nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore… trong chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV cho thấy, dù đối với các nền kinh tế phát triển hay đang phát triển thì vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn hết sức quan trọng. Chính phủ cần có những chính sách và bước đi phù hợp nhằm trợ giúp những khó khăn, bất lợi của hệ thống doanh nghiệp này, trong đó nội dung hỗ trợ phát triển DNNVV của nhiều nước đều tập trung vào các vấn đề như: Cải thiện môi trường kinh doanh: Hỗ trợ về tài chính, tín dụng; Hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ; Hỗ trợ xúc tiến, mở rộng thị trường; Hỗ trợ thông tin và tư vấn; Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; Hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp…
Ở nước ta, bên cạnh những chuyển biến tích cực, thực tế cũng cho thấy, phát triển DNNVV tại Việt Nam còn nhiều hạn chế: DNNVV nhỏ bé về quy mô vốn, lao động, sức cạnh tranh yếu; chưa gắn với lợi ích chung, lâu dài bền vững của toàn xã hội; trình độ và năng lực quản lý sản xuất kinh doanh của các chủ DN cũng như trình độ kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ và tay nghề của người lao động trong các DNNVV vẫn còn rất nhiều hạn chế; Thiết bị máy móc phần lớn lạc hậu, chưa ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như quản lý; Các DNNVV gặp khó khăn về vốn, khả năng tự tài trợ vốn còn kém; Năng lực cạnh tranh sản phẩm còn thấp, thị trường tiêu thụ sản phẩm nhỏ bé; Khả năng liên kết, hợp tác, tham gia hiệp hội của các DNNVV còn hạn chế…
Đẩy nhanh sự phát triển và lớn mạnh của các DNNVV là một yêu cầu cấp thiết trong phát triển doanh nghiệp hiện nay. Muốn vậy, rất cần phải đưa ra và thực hiện những giải pháp cụ thể, sát thực, đáp ứng yêu cầu của phát triển đối với DNNVV trên cơ sở mở rộng liên kết, liên doanh, đa dạng hoá ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, vươn ra thị trường quốc tế; Phát triển DNNVV gắn với phát triển bền vững, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế.
Với tinh thần đó và để DNNVV phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh mới, đóng góp tích cực hơn nữa vào sự phát triển kinh tế - xã hội, cần quan tâm thực hiện một số giải pháp sau:
- Tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh thuận lợi đối với DNNVV, bao gồm những nội dung như: Tăng cường nỗ lực cải cách hành chính; nâng cao chất lượng đội ngũ công chức; tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời DN; phát triển dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; nâng cao tính năng động tiên phong của đội ngũ lãnh đạo; hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế; tăng cường tính minh bạch và tiếp cận thông tin…
- Hoàn thiện chính sách về thị trường; có chính sách hỗ trợ cho các DN trong việc xây dựng thương hiệu; Khuyến khích phát triển các dịch vụ tư vấn hoặc xây dựng hệ thống cung cấp thông tin pháp luật, thông tin kinh doanh miễn phí.
- Nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn lực, bao gồm: nguồn lực đất đai, nguồn lao động, nguồn vốn…
- Nâng cao năng lực quản lý và điều hành DN, bao gồm các kiến thức và kỹ năng: Kiến thức, kỹ năng quản trị hiện đại và chuyên nghiệp; Ngoại ngữ; Tin học ứng dụng trong thương mại và quản lý hệ thống thông tin DN. Hỗ trợ về kiến thức, kinh nghiệm cho DN trong việc tạo vốn từ nguồn tự có, tạo vốn thông qua vay, tạo vốn thông qua đi thuê tài chính, tạo vốn thông qua liên kết.
- Nghiên cứu thị trường và xúc tiến thương mại để giúp DN có thể tiếp cận thuận lợi hơn. Chẳng hạn: Đối với thị trường nội địa, lựa chọn những sản phẩm có thế mạnh, không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu tiêu dùng. Đối với thị trường xuất khẩu, cần đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, xây dựng kênh phân phối, mở rộng đại lý bán hàng ở nước ngoài, thúc đẩy các mối quan hệ và xúc tiến thương mại qua các hiệp hội, các cơ quan thương mại, tham gia hội chợ quốc tế…
- Tập huấn, phổ biến kinh nghiệm giúp DNNVV sắp xếp bố trí hợp lý đội ngũ lao động hiện có; Công tác tiêu chuẩn hoá lao động trong DN; tăng cường đào tạo, đào tạo lại dưới nhiều hình thức. Thông qua những cơ chế, chính sách cụ thể để tạo sự gắn bó về quyền lợi và trách nhiệm của người lao động với DN.
- Giúp DN nâng cao trình độ kỹ thuật, công nghệ theo hướng: nâng cao năng lực, đổi mới cơ chế quản lý kỹ thuật - công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng 23 công nghệ cao; nắm bắt và làm chủ công nghệ then chốt, mũi nhọn, sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao.
- Tăng cường hợp tác, liên doanh, liên kết thông qua hợp đồng gia công, nhà thầu phụ hoặc tham gia hiệp hội DN; duy trì các hoạt động mang tính kết nối các bên để DN trở nên mạnh hơn./.
CN Tô Văn Khoa