Đền Hồng Sơn (còn gọi là miếu Quan Phu Tử - Võ Miếu), thuộc phường Hồng Sơn, thành phố Vinh (Nghệ An), được xây dựng vào năm Minh Mệnh thứ 18 (1837), thờ Quan Vân Trường. Thời kỳ chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, đền bị hư hỏng nặng. Sau đó hợp tử một số đền, chùa trong vùng tập trung về đây, vì thế hiện nay đền Hồng Sơn phối thờ nhiều nhân vật như Chư Phật, Quốc tổ Vua Hùng, Thờ Trần Hưng Đạo, Tam Tòa Thánh Mẫu, Quan Hoàng Mười, Ngọc Hoàng thượng đế, Nam Tào, Bắc Đẩu... Trải qua thời gian, chiến tranh, mưa nắng…, ngôi đền bị xuống cấp, hư hỏng rất nhiều; cần được tu bổ, tôn tạo.
Toàn cảnh Đền Hồng Sơn
Nhằm gìn giữ và bảo tồn Di tích Đền Hồng Sơn đã được công nhận là Di tích Kiến trúc cấp Quốc gia tại quyết định số 114-VH/QĐ ngày 30/8/1984 của Bộ VH-TT-DL, UBND Thành phố Vinh đã có quyết định phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng các hạng mục công trình thuộc dự án: Tu bổ, tôn tạo di tích đền Hồng Sơn. Quy mô đầu tư tu bổ, tôn tạo dự án bao gồm: Phục dựng lại nhà Hạ điện; sửa chữa, thay thế một số cấu kiện đã bị hư hỏng thuộc nhà Thượng điện, nhà Trung điện, nhà Hậu hiền (gồm 02 nhà Tả Hiền và Hữu Hiền); các hạng mục phụ trợ: Sân, hệ thống thoát nước sân trong, hệ thống cấp điện ngoài nhà, giải pháp phòng cháy chữa cháy. Đối với Đền Hồng Sơn, đây là đợt tu bổ, tôn tạo có quy mô khá lớn, giúp khắc phục tình trạng xuống cấp và những hư hỏng của di tích, đưa ngôi đền nổi tiếng này trở về đúng với những kiến trúc và sự khang trang vốn có.
Theo đó, với mỗi phần kiến trúc của đền, rất nhiều hạng mục sẽ được tôn tạo, tu bổ với các giải pháp chi tiết, tỉ mỉ, đảm bảo giữ được kiến trúc truyền thống, vật liệu sử dụng cũng phù hợp với tiêu chí truyền thống của ngôi đền. Cụ thể như: Đối với nhà Hạ điện: Giữ nguyên phần móng, chân tảng, tường xây; Thay mới toàn bộ phần gồ bằng gỗ lim Nam Phi; Hình thức cột, vì, kèo, các cấu kiện, hoa văn, độ dốc mái, cấu tạo chân mái tương tự như hiện hạng của hạng mục trung điện và thượng điện; mái lợp ngói mũi như mẫu ngói hiện trạng của nhà thượng điện; Tu bổ tái sử dụng các hoa văn lưỡng long chầu nguyệt kìm nóc, con xô ở hạ điện hiện trạng; Tu bổ, tái sử dụng trần gỗ từ nhà hạ điện hiện nay; Chống mối bằng giải pháp chống mối nền, phun xử lý mặt tường và kết cấu gỗ…
Lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương tại đền Hồng Sơn
Đối với nhà Trung điện: Tu bổ các cấu kiện gỗ bị hư hỏng gồm: Thay mới các cấu kiện bị hư hỏng bằng gỗ Lim Nam Phi (khối lượng tạm tính: Trụ trốn, xà ngang, kẻ bẩy thay mới 16%; hoành, thượng lương, rui, mè do khuất trên trần nên tạm tính 100%, mái ngói tận dụng 20%), quá trình hạ giải xác định theo thực tế để thực hiện. Xử lý mối mọt bề mặt, tiêu tâm, hư hỏng mộng cho các cấu kiện còn lại; Tu bổ trần gỗ tô vẽ theo hoa văn giữ theo hiện trạng. Hệ thống điện chiếu sáng bằng dây dẫn luồn ống chạy nổi cấp cho đèn compac. Phòng cháy và chữa cháy…
Đối với nhà Thượng điện: Hạ giải toàn bộ nhà, đánh giá lại mức độ hư hỏng của các cấu kiện gỗ theo các quy định hiện hành liên quan đến bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích. Tu bổ các cấu kiện gỗ bị hư hỏng gồm: Thay mới các cấu kiện bị hư hỏng bằng gỗ Lim Nam Phi (khối lượng tạm tính: trụ trốn, câu đầu, xà thay mới 11,8%; hoành, thượng lương, rui, mè do khuất trên trần nên tạm tính 100%, ngói lợp tận dụng 20%), quá trình hạ giải xác định theo thực tế để thực hiện. Xử lý mối mọt; xây mới bậc cấp bằng đá xanh nguyên khối. Lắp dựng lại mái, thay thế mái ngói bị hỏng, xây lại bờ nóc, bờ chảy theo nguyên gốc, tu bổ và lắp lại các con giống hoa văn kìm nóc, con xô, đầu đao mái nguyên gốc. Tu bổ trần gỗ tô vẽ theo hoa văn giữ theo hiện trạng...
Đền Hồng Sơn uy nghiêm cổ kính
Đối với nhà Hậu hiền: Hạ giải các cấu kiện gỗ và mái, đánh giá mức độ hư hỏng của các cấu kiện theo các quy định hiện hành về bảo quản, tu bổ và phục hồỉ di tích. Thay mới các cấu kiện bị hư hỏng hoàn toàn bằng gỗ Lim Nam Phi; thay mới 100% mái ngói bằng ngói mũi cùng loại ngói nhà thượng điện; thay mới cửa sổ bằng cửa chữ thọ, cửa đi bằng cửa thượng song hạ bản gỗ lim. Xử lý mối mọt bề mặt, tiêu tâm, hư hỏng mộng cho các các cấu kiện còn lại. Tháo dỡ nền hiện trạng, hạ cốt nền cho phù hợp với chân tảng nguyên gốc, lát mới nền bằng gạch đất nung 250x250. Xây lại bờ nóc, bờ chảy giống bờ nóc, bờ chảy của thượng điện, trung điện.v.v…
Được biết, kinh phí đầu tư cho tôn tạo, tu bổ Đền Hồng Sơn được huy động từ nhiều nguồn với tinh thần Nhà nước và nhân dân cũng làm. Với tổng số tiền gần 17 tỷ đồng được huy động đầu tư cho việc tôn tạo, tu bổ lần này, Đền Hồng Sơn sẽ có được sự chắc chắn, khang trang hơn rất nhiều; tôn thêm vẻ đẹp của ngôi Đền gắn với kiến trúc truyền thống được gìn giữ, kế thừa... Mong muốn của nhân dân và các cấp chính quyền về việc giữ gìn các giá trị lịch sử-văn hóa, giá trị tâm linh của Di tích, trong đó có Đền Hồng Sơn, đã từng bước trở thành hiện thực; góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đời sống tinh thần ngày một tốt đẹp hơn trên quê hương Nghệ An.