VNHN - Sau một thời gian dài nghỉ dịch Covid-19, cuối cùng thì toàn học sinh trên cả nước cũng đã quay trở lại trường học, bên cạnh sự hào hứng thì vẫn có vài học sinh khối 9,12 đang rơi vào trạng thái lo lắng, căng thẳng khi phải gấp rút chuẩn bị ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp quan trọng sắp tới.
Vì đến thời điểm này, sau vài lần liên tục thay đổi, phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã được Bộ GD-ĐT công bố với dự kiến có khá nhiều tác động lớn tới công tác tuyển sinh đại học năm nay. Khiến không ít thí sinh, phụ huynh lo lắng.
Trước phương án thi tốt nghiệp THPT 2020 thay cho thi THPT quốc gia như mọi năm, học sinh, giáo viên, phụ huynh và các trường đại học, cao đẳng sẽ phải chịu một áp lực lớn trong mùa tuyển sinh.
Học sinh tập trung ôn tập kiến thức (Nguồn: Internet)
Nhiều ý kiến cho rằng, đề thi dễ hơn cho học sinh, thì sẽ là bài toán khó cho công tác tuyển sinh của các trường đại học. Bởi nếu đề của năm trước từ câu hỏi thứ 35 của bài thi 50 câu đã bắt đầu có sự phân hóa và tăng dần về độ khó thì đề thi năm nay phải đến câu thứ 45, tức là độ khó phân hóa gồm 5 câu cuối cùng. Như vậy, đề thi chỉ có từ 5% - 10% để phân loại thí sinh.
Ông Phạm Hữu Cường, giáo viên môn Ngữ Văn nhận xét: “Độ phân hóa không thật tốt, nhất là đối với các trường top đầu. Bởi vì đề thi Văn hầu như là câu vận dụng rất ít, ngay cả những phần mà để vận dụng cao thì càng ít. Những câu từ dư luận xã hội đến nghị luận văn học thì chủ yếu vẫn ở mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng cao thì hầu như không có”.
Phụ huynh cần quan tâm đến tâm lí các em học sinh nhiều hơn (Nguồn: Internet)
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT khẳng định, kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm mục đích đánh giá chất lượng giáo dục sau 12 năm học nên đề thi vẫn có sự phân hóa phù hợp để phân loại đối tượng học sinh giỏi, khá, trung bình và yếu.
Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các trường ĐH-CĐ tính toán thận trọng phương án tuyển sinh, không gây hoang mang, lo lắng cho học sinh. Học nhiều dồn dập để chạy đua ôn tập liên tục, sẽ khiến cho nhiều em học sinh căng thẳng, “bội thực” kiến thức, rơi vào trạng thái mệt mỏi thần kinh. Chính vì vậy gia đình nhà trường cần quan tâm nhiều hơn đến tâm lí của các em. Tạo điều kiện không gian thoải mái trong học tập và ôn thi.
Áp lực thi cử không phải câu chuyện của một người, các bậc phụ huynh nên dành thời gian bên cạnh chăm sóc, động viên con em của mình. Vì vai trò của gia đình vẫn là yếu tố quyết định tâm lí, tác động trực tiếp đến của các em học sinh trong kỳ thi tuyển sinh 2020./.