VNHN - Ngày nay, trong văn hóa tham gia giao thông ở thủ đô Hà Nội và rất nhiều đô thị khác trong nước, chúng ta không còn xa lạ gì với cảnh vượt đèn đỏ: khi thì ngay tức thì, lúc thì trước khi hết đèn vài giây, người thì "hiên ngang dẫn đường", kẻ thì hùa vào số đông... Nó phổ biến tới mức có lẽ nhiều người trong chúng ta đã quên mất rằng nó là việc làm sai, hay có chăng chỉ là sai với pháp luật chứ không phải với lương tri, với trí tuệ và với sự an nguy của chính mình, người thân và nhiều người xung quanh.
Trong bài viết nhỏ này, xin đưa ra vài phân tích nhỏ để người đọc cùng suy ngẫm, không phải dưới góc độ pháp luật, mà ở góc độ của lương tri.
Đèn đỎ và văn hóa giao thông
Trước hết, tôi muốn nói rằng văn hóa đèn đỏ, vốn dĩ rất quen thuộc mỗi ngày, chính là biểu hiện nổi bật nhất, rõ ràng nhất của văn hóa tham gia giao thông và cũng vì thế, nó là điểm mấu chốt nhất quyết định mức độ an toàn giao thông của xã hội.
Vì sao ư?
Thứ nhất, vì đèn giao thông là công cụ phổ biến nhất được sử dụng trên đường để bảo đảm trật tự tham gia của các phương tiện, nhất là ở các thành phố lớn. Đèn giao thông có ở khắp mọi tuyến đường, từng phút từng giây sắp xếp trật tự lưu hành của hàng vạn phương tiện. Nếu để ý chúng ta thấy ngay ở những đô thị đông dân cư như Hà Nội chẳng hạn, vào giờ đi làm (7h-8h) và giờ tan sở (17h-18h) hàng ngày bất cứ ngã tư nào không có đèn giao thông là bạn có thể sẽ mất tới hàng tiếng đồng hồ để thoát khỏi đó vì mật độ xe quá cao và không có đèn thì không có thứ tự. Vậy là, chưa cần đến tai nạn, chúng ta hàng ngày đã mất một lượng thời gian đáng kể khi rơi vào những tình huống thiếu ánh đèn giao thông.
Hãy thử tính tiền công làm việc của chính bạn mỗi giờ, nhân lên với số giờ bạn mất hàng ngày khi đi qua những ngã tư kiểu đó, và cộng với tiền xăng xem mỗi tháng bạn lãng phí bao nhiêu tiền. Tiếp theo, thử đếm số người bị kẹt cứng ở một ngã tư kiểu đó giờ cao điểm (tôi ước tính cũng một vài trăm người) và nhân lên với con số bạn vừa tính để xem chỉ riêng một ngã tư như vậy mỗi ngày, mỗi tháng đã làm lãng phí bao nhiêu của xã hội? Nếu một ngã tư có đèn giao thông mà không ai chấp hành, mọi việc chắc chắn còn tệ hơn là những ngã tư không đèn, vì ở đó người đang được đèn xanh sẽ yên tâm đi đúng quyền lợi của mình mà thiếu chú ý hơn còn người đèn đỏ mà cố vượt sẽ tăng tốc, luồn lách và kết quả là tỷ lệ tai nạn cao hơn, tắc đường càng nghiêm trọng hơn.
Thứ hai, vì việc dừng hay không dừng đèn đỏ quyết định trực tiếp sự an toàn không chỉ của chính bạn mà còn của những người xung quanh. Khác với những lỗi khác mà bạn có thể bị bắt phạt như không mang giấy tờ (chỉ mang tính hành chính) hay quên bật signal, không đội mũ bảo hiểm... (có thể gây nguy hiểm nhưng tỉ lệ nhỏ hơn), việc vượt đèn đỏ gây ra một mối nguy trực tiếp không chỉ cho một người mà có thể cho rất nhiều người đang cùng tham gia giao thông tại ngã tư đó.
Vậy nên, nếu nói tới văn hóa giao thông thì biểu hiện đầu tiên là văn hóa dừng đèn đỏ, nói tới an toàn giao thông thì điều đầu tiên cần nhớ là không vượt đèn đỏ.
Đèn đỎ và phẨm chẤt con ngưỜi
Chúng ta đã nói sơ qua về tầm quan trọng của đèn giao thông hay cụ thể hơn là ý thức dừng đèn đỏ. Chúng ta cũng đã nghe, đã nói, đã bàn tán rất rất nhiều về an toàn giao thông, về những mối nguy đến tính mạng và sức khỏe khi vượt đèn đỏ. Nhưng sức khỏe và tính mạng có phải là những thứ duy nhất bị đe dọa khi vượt đèn đỏ?
VƯỢT ĐÈN ĐỎ LÀ THIẾU VĂN MINH
Không chỉ vượt đèn đỏ, mà nói chung bất cứ hành vi vi phạm pháp luật một cách cố ý nào đều là thiếu văn minh. Riêng với văn hóa tham gia giao thông thì vượt đèn đỏ lại chính là biểu hiện cao nhất. Không chỉ là vi phạm pháp luật, khi vượt đèn đỏ dù bạn không gây tai nạn thì cũng gây cản trở sự di chuyển của người khác, những người cũng đã chờ đèn đỏ và khi có đèn xanh thì họ có quyền được đi. Nếu bạn là người đang đi đúng làn đường có đèn xanh, và người vượt đèn đỏ ở hướng vuông góc lao lên khiến bạn phải vất vả né tránh hoặc thậm chí dừng hẳn lại và chậm trễ công việc của mình bạn có thấy dễ chịu?
Trong xã hội hiện đại ở Việt Nam ngày nay, mà điển hình ở Thủ đô Hà Nội, người ta thi nhau tự sắm cho mình những chiếc xe, những bộ quần áo hào nhoáng và đắt nhất trong cái mức có thể để tự thể hiện con người mình. Nhưng khi một người đi xe máy đẹp, mặc một bộ quần áo lịch lãm và đôi giày bóng loáng vượt đèn đỏ và suýt đâm vào bạn, bạn nghĩ gì về anh ta? Bạn có thán phục và kính trọng? Bạn có nghĩ anh ta là người văn minh? Hãy tự hỏi mình và hãy nhớ, khi bạn vượt đèn đỏ, rất rất nhiều người cũng sẽ nghĩ về bạn y như thế đấy.
VƯỢT ĐÈN ĐỎ LÀ THIẾU KIÊN NHẪN
Ngày nay cái chữ "Nhẫn" thường được viết dưới dạng thư pháp bằng chữ Hán hay chữ Quốc ngữ khá phổ biến trong các văn phòng làm việc và tư gia của rất nhiều người ở đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề. Mọi người đều tự dặn mình phải biết nhẫn: nhẫn trong công việc, nhẫn trong quan hệ với đối tác, bạn bè,... Ấy thế nhưng, cái "nhẫn" không phải là một hành động cụ thể. Nó là một thói quen, cao hơn nữa là một phẩm chất. Nếu nó không được rèn luyện và đưa vào cuộc sống mỗi ngày, thì dù có dặn mình một tỷ lần bạn vẫn sẽ rất dễ dàng "đánh mất cái nhẫn" trong những trường hợp bất ngờ và thiếu mong muốn nhất.
Tôi thấy, ngày nay hầu hết chúng ta sẵn sàng dành thời gian quí giá của mình cho việc ngồi quán trà đá, café, xem TV và vào internet rất nhiều phút (với một số người là nhiều giờ) mỗi ngày. Vậy nên thật vô lý khi bạn nói mình vội nên cần vượt đèn đỏ trong khi người di chuyển nhiều nhất có lẽ một ngày cũng chỉ đi qua khoảng 25-30 ngã tư có đèn giao thông là cùng. Tính trung bình ra thì tổng thời gian dừng đèn đỏ chắc chắn vẫn dưới 20 phút mỗi ngày. Còn với người di chuyển vừa phải hoặc ít, chẳng hạn như người một ngày chỉ đi hai lượt đến cơ quan và về nhà thì trung bình mỗi ngày chỉ mất 2 đến 5 phút cho đèn đỏ. Vậy lí do gì để bạn phải "hi sinh chữ nhẫn" của mình và đặt mình vào nguy hiểm chỉ vì vài phút đó?
Chữ nhẫn, nếu bạn muốn rèn luyện, tôi nghĩ hãy bắt đầu từ việc nhỏ nhất này.
VƯỢT THEO SỐ ĐÔNG LÀ THIẾU CHÍNH KIẾN
Tôi dám khẳng định chắc chắn rằng chẳng có một người nào thật sự thành công ở bất cứ lĩnh vực nào mà lại là một gã ba phải cả. Ấy thế nhưng cái sự ba phải, hay nói bằng ngôn từ chính xác và hàn lâm hơn là cái sự thiếu chính kiến ấy ở ngay trong xã hội mà ai ai cũng mở miệng là nhắc tới thành công này lại đầy rẫy ở mọi nơi, mà những ngã tư đèn đỏ chính là một trong những nơi tiêu biểu nhất.
Hàng ngày, tôi thấy rất nhiều người, tôi biết một số người đang đọc bài này cũng nằm trong số đó, đã dừng hay ít ra là định dừng lại khi thấy đèn đỏ ở ngã ba, ngã tư... Thế nhưng, một vài kẻ vượt lên, và thế là một số khác hùa theo, và khi tỷ lệ người vượt đèn tăng càng cao thì đồng thời tâm lý của những người còn đang dừng (đang định dừng) càng dao động. Cuối cùng, rất nhiều trong số những cái người định dừng hay thậm chí dừng rồi cũng vượt lên chỉ vì ... sợ mình lạc lõng. Lạ hơn nữa là khi trao đổi với một số người quen, tôi được biết họ thấy ... ngượng vì cả phố vượt mà mình lại đứng đó.
Chẳng lẽ lẽ phải và chân lý mà cũng phụ thuộc vào số đông ư? Chẳng lẽ làm đúng mà lại đáng xấu hổ ư?
Như vậy, không phải thiếu chính kiến, không phải ba phải thì là gì?
Khi bạn làm đúng, bạn luôn có thể tự hào!
Khi bạn làm như vậy, sẽ có người làm theo, dù có thể là không nhiều, bạn càng phải cực kì tự hào!
ĐỪNG LÀM HỎNG THẾ HỆ TRẺ!
Người ta thường nói tâm hồn trẻ thơ như tờ giấy trắng, những người nuôi dưỡng và giáo dục chính là những người đóng vai trò vẽ lên đó. Muốn có một tâm hồn đẹp, hãy vẽ lên đó một bức tranh đẹp. Một bức tranh đẹp trong tâm hồn đứa trẻ, chắc chắn là bức tranh trong đó không có cảnh cha mẹ, chú bác, thầy cô, anh chị của nó đang vượt đèn đỏ.
Giáo dục xã hội và giáo dục nhà trường hiện tại và tương lai đều vô nghĩa đối với ý thức của con em bạn, nếu hàng ngày bạn để con em mình thấy bạn ngang nhiên vượt đèn đỏ. Ngày nhỏ, tôi nhớ bố mẹ tôi chỉ cho tôi đèn giao thông và nói cho tôi biết đèn đỏ phải dừng, đèn xanh mới được đi, và họ luôn làm đúng như vậy. Còn bạn, bạn sẽ dạy con em mình thế nào, bạn sẽ nói đèn đỏ phải dừng trong khi bạn vẫn cứ vượt ngay cả khi đứa trẻ đang ngồi trên xe của bạn?
Vậy thì cái bạn dạy được cho con em mình sẽ là:
1. Cứ vi phạm thoải mái mọi qui định, miễn là không ai biết hoặc không ai phạt
2. Lời dạy của bố/mẹ/anh/chị/... chỉ nghe cho biết vậy thôi, chẳng có giá trị gì cả
Tôi tin chẳng có bậc phụ huynh nào lại muốn con em mình trở thành như thế. Vậy thì hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất và dễ dàng nhất như việc dừng đèn đỏ, để vẽ cho con em của bạn một bức tranh đẹp!
Vậy, sau các ý trên, xin một lần tổng kết lại:
Đừng vượt đèn đỏ dù cho không có cảnh sát giao thông đang làm việc, dù chỉ còn 1, 2 giây, dù rất dễ rẽ phải nhưng không có biển cho phép. Bởi vì bạn không vượt không phải vì sợ sự răn đe của pháp luật.
Bạn không vượt đèn đỏ là vì bạn là người văn minh, biết kiên nhẫn, có chính kiến, và vì tương lai cho con em của bạn!
Văn hóa đèn đỏ, vốn dĩ rất quen thuộc mỗi ngày, chính là biểu hiện nổi bật nhất, rõ ràng nhất của văn hóa tham gia giao thông và cũng vì thế, nó là điểm mấu chốt nhất quyết định mức độ an toàn giao thông của xã hội. |