17/01/2025 lúc 22:04 (GMT+7)
Breaking News

Sức sống thời đại của nghề chơi Quan họ

VNHN - 10 năm trước, ngày 30/9/2009, hình thức diễn xướng văn hoá dân gian Quan họ đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là niềm tự hào và là động lực to lớn để dân ca Quan họ tiếp tục phát triển vượt qua ranh giới quốc gia và lan toả rộng rãi.

VNHN - 10 năm trước, ngày 30/9/2009, hình thức diễn xướng văn hoá dân gian Quan họ đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là niềm tự hào và là động lực to lớn để dân ca Quan họ tiếp tục phát triển vượt qua ranh giới quốc gia và lan toả rộng rãi.

Vừa tròn một thập kỷ được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (30-9-2009 - 30-9-2019), Dân ca Quan họ Bắc Ninh vượt không gian và thời gian đến với hàng triệu công chúng trong nước và trên thế giới, trở thành “sứ giả” của Việt Nam trong nhiều hoạt động giao lưu quốc tế.

Biểu diễn Quan họ trên sân khấu chương trình “Tứ hải giao tình” tại Festival Về miền Quan họ năm 2019.

Thế kỷ 21, nghề chơi Quan họ đặc sắc, độc đáo của quê hương Bắc Ninh-Kinh Bắc đang được các thế hệ kế thừa và nối tiếp thành dòng chảy liên tục. Nghệ nhân vẫn tiếp tục trao truyền, bền bỉ giữ nghề. Đối với cộng đồng, Quan họ không còn là niềm đam mê mà đã trở thành lẽ sống, gần gũi, tự nhiên như việc hít thở và ăn uống mỗi ngày. Gắn liền với tình yêu di sản ấy luôn là ý thức trách nhiệm mà với nhiều thế hệ liền anh, liền chị còn xác định là sứ mệnh cuộc đời mà bất kể khi nào họ cũng nguyện hết lòng phục vụ nghề chơi.

Theo dòng chảy thời gian, nội dung, hình thức của Di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh cũng dần biến đổi để thích nghi, phù hợp với các điều kiện tồn tại mới, mang hơi thở và sức sống thời đại. Một sự chuyển dịch có ý nghĩa bước ngoặt, mang đến giá trị mới làm giàu và thăng hoa di sản là sự lan tỏa của hình thức diễn xướng Quan họ trên sân khấu.

Nếu trong thế kỷ trước, trình diễn Quan họ trên sân khấu tạo ra không ít những tranh luận với nhiều quan điểm trái chiều trong giới nghiên cứu và cả cộng đồng thì sang thế kỷ 21 này, Quan họ trên sân khấu đã được kiểm nghiệm, chứng minh và khẳng định giá trị. Cùng với các hình thức diễn xướng dân gian như hát chúc hát mừng, hát thờ, hát canh, hát hội thì biểu diễn Quan họ trên sân khấu đã bắt nhịp với xu thế thưởng thức âm nhạc của công chúng hiện đại và góp phần quan trọng đưa di sản ra thế giới.

NSƯT Quý Tráng, Nguyên Giám đốc Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh-người mà nửa thế kỷ nay luôn đau đáu với hoạt động sáng tạo thể nghiệm để khẳng định chỗ đứng vững chắc của Quan họ trong đời sống đương đại, cho rằng: “Sức sống dồi dào cũng như sự lan tỏa mạnh mẽ của dân ca Quan họ Bắc Ninh hiện nay phần nhiều bắt nguồn từ các chương trình biểu diễn quảng bá, giới thiệu Quan họ trên sân khấu do các nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn, nay là Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh thực hiện. Sân khấu Quan họ càng hay thì quần chúng khán giả càng yêu thích Quan họ. Đó là một quy luật phát triển tất yếu để Quan họ thích ứng, bám rễ trong đời đại mới”.

Quan họ mời trầu du khách quốc tế trong chương trình biểu diễn Dân ca Quan họ trên thuyền tại hồ Nguyên Phi Ỷ Lan.

Sức sống thời đại của Dân ca Quan họ Bắc Ninh còn biểu lộ ở việc trở thành chất liệu, khơi nguồn cảm hứng cho các tác phẩm văn học nghệ thuật, các chương trình biểu diễn nghệ thuật trên sân khấu, đặc biệt là âm nhạc đương đại. Nhiều ca khúc dựa trên âm hưởng dân ca Quan họ đã chạm đến trái tim và được công chúng yêu thích đón nhận, trở thành những bài ca đi cùng năm tháng như: Làng Quan họ quê tôi, Những cô gái Quan họ, Yêu một Bắc Ninh, Gửi về Quan họ, Chiếc nón ba tầm, Thành phố miền Quan họ, Lúng liếng cái duyên.

Bây giờ, người nắm giữ và thực hành di sản không chỉ có nghệ nhân và con cháu của họ hay những người nông dân trong xóm, trong làng mà còn có cả nghệ sĩ chuyên nghiệp, công chức, doanh nhân, giáo viên, học sinh, cán bộ hưu trí... Ngoài hình thức sinh hoạt mang tính cá nhân, gia đình, cộng đồng làng xóm cũng xuất hiện thêm hàng trăm tổ, đội, nhóm CLB văn nghệ của các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp.

Theo thống kê đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 44 làng Quan họ gốc, 369 làng Quan họ thực hành, 381 CLB Quan họ với hơn một vạn hội viên tham gia sinh hoạt, trong đó hàng nghìn người có khả năng truyền dạy. Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang ngoài 5 làng Quan họ gốc cũng phát triển được 84 CLB Quan họ thực hành. Đặc biệt, còn có hơn 140 CLB Quan họ ở các tỉnh và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài mà nhiều hội viên không phải quê vùng Kinh Bắc nhưng vẫn dành tình cảm yêu mến cho Quan họ. Điều đáng trân trọng là ở tất cả CLB đều có sự tham gia rất nhiệt tình và trách nhiệm của các hội viên với nhiều lứa tuổi từ cao niên, trung niên, đến thanh thiếu niên, nhi đồng.

Nếu xem văn hóa Quan họ như một cây di sản thì có thể nói, chưa bao giờ Quan họ nhận được sự quan tâm chăm sóc toàn diện, từ gốc đến ngọn như thời gian vừa qua. Ngoài nỗ lực của cộng đồng còn có sự quan tâm tiếp sức toàn diện, đúng hướng từ cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp Đảng ủy, chính quyền. Trong 10 năm, kể từ khi Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO vinh danh, Bắc Ninh nỗ lực thực hiện chuỗi chương trình hành động có ý nghĩa sâu sắc, thiết thực, đáng ghi nhận như tôn vinh và đãi ngộ nghệ nhân; hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các làng Quan họ gốc và các CLB Quan họ tiêu biểu; đưa Quan họ vào giảng dạy trong trường học; tổ chức nhiều chương trình biểu diễn giới thiệu quảng bá trong nước và quốc tế; đầu tư hàng trăm tỷ đồng mua sắm, phục dựng thiết chế văn hóa Quan họ.

Tất nhiên, sức sống di sản không phải chỉ tính bằng những con số đơn thuần hay sự đầu tư kinh phí mà như lời phát biểu của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh trong lễ kỷ niệm 10 năm Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO vinh danh tổ chức vào dịp Festival đầu xuân 2019 đã khẳng định: “Quan họ đã lan tỏa đến mọi miền Tổ quốc, trở thành một biểu tượng văn hóa hấp dẫn, góp phần tích cực trong quá trình hội nhập văn hóa quốc tế. Di sản văn hóa Quan họ đang mang một sức sống mới, hoà trong “nhịp thở của thời đại”. Tình người Quan họ luôn được nhắc đến như một bản sắc của vùng Bắc Ninh - Kinh Bắc. Đáng quý nhất là ý thức của cộng đồng về giá trị của di sản ngày càng sâu sắc hơn”. Đó mới thực sự là nền tảng bền vững để di sản tỏa sáng và tiếp tục tạo nên những giá trị riêng cho nhân loại.