19/01/2025 lúc 13:36 (GMT+7)
Breaking News

Sức sống nội sinh để quảng bá và hội nhập quốc tế

VNHN- Bản sắc dân tộc chính là sức sống nội sinh, là thẻ căn cước biểu lộ một cách trọn vẹn nhất sự hiện diện của mỗi dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập.

VNHN- Bản sắc dân tộc chính là sức sống nội sinh, là thẻ căn cước biểu lộ một cách trọn vẹn nhất sự hiện diện của mỗi dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập.

Trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng, ngoại giao văn hóa và thông tin tuyên truyền đối ngoại đã và đang đóng vai trò rất quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh một Việt Nam đổi mới, hội nhập, ổn định, hiếu khách và giàu bản sắc. Tròn 6 năm Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế được ban hành. Cuộc trao đổi với ông Trần Nhất Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTT&DL) về những thành tựu và phương hướng hội nhập quốc tế về văn hoá của đất nước trong thời gian qua.

Chúng ta đã chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa để quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại nhằm xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước… trong những năm vừa qua như thế nào?

Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VHTT&DL Trần Nhất Hoàng: Nói đến hội nhập quốc tế về văn hoá phải nhắc đến một cột mốc quan trọng vào năm 2009 khi Chính phủ chọn là năm Ngoại giao Văn hóa, mở ra một thời kỳ mới trong chủ trương về ngoại giao văn hoá, coi văn hóa là một trong 3 trụ cột của ngoại giao Việt Nam, bên cạnh hai trụ cột quan trọng là ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế. Kể từ đó, các hoạt động hợp tác và quảng bá văn hoá Việt Nam ra nước ngoài được tăng cường và thu được những thành tựu đáng kể.

Đặc biệt những năm gần đây, quá trình hội nhập sâu rộng và mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực của Việt Nam, trong đó có văn hoá, đã đưa vị thế của Việt Nam lên một tầm cao mới. Chúng ta có thể kể đến một loạt sự kiện quốc tế lớn được tổ chức tại Việt Nam như Interpol, IPU, APEC 2017, năm qua có Diễn đàn Liên minh nghị viện các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương APPF 26, Hội nghị Thượng đỉnh các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS), Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN (WEF-ASEAN), Tổ chức các Cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) và nhất là Thượng đỉnh Mỹ-Triều tháng 2/2019 vừa qua. Trong những sự kiện đó, dấu ấn văn hoá Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiểu biết và nhận thức của thế giới về một Việt Nam bên cạnh sự năng động trong

phát triển kinh tế, xã hội, những chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, cởi mở, còn là một Việt Nam có lịch sử văn hiến lâu đời, văn hoá đậm đà bản sắc, có nhiều di sản thiên nhiên thế giới, cảnh đẹp hùng vĩ, thơ mộng, con người hiền hoà, thân thiện, một điểm đến hấp dẫn tại châu Á… Nhờ công tác quảng bá và hội nhập quốc tế về văn hoá được Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương và khối doanh nghiệp, tư nhân chung tay thực hiện, hình ảnh của Việt Nam trở nên thân quen, được bạn bè quốc tế thêm hiểu, thêm yêu mến Việt Nam.

Hình ảnh Việt Nam thông qua nét đẹp văn hóa, con người, du lịch, ẩm thực, nghệ thuật biểu diễn… là một nhận thức trở nên rất phổ biến trong bạn bè quốc tế qua các lễ hội văn hoá Việt Nam ở nước ngoài, những Tuần/Ngày văn hóa Việt Nam tại nước ngoài nhân dịp kỷ niệm năm tròn, năm chẵn trong quan hệ ngoại giao với các nước. Quảng bá, giới thiệu văn hoá Việt Nam trở thành một trong những nội dung chính trong “Năm Việt Nam” tại các nước như tại tại Italy, năm chéo Việt-Pháp, Pháp-Việt, tới đây có Năm hữu nghị với Liên bang Nga, với Trung Quốc… Trung tâm văn hoá Việt Nam tại Pháp tích cực kết nối Việt Nam với Pháp, với châu Âu qua văn hoá, ngôn ngữ; Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản thường niên có sức hút gần 400.000 khách ghé thăm mở ra mô hình hiệu quả trong quảng bá văn hoá du lịch Việt Nam tại nước ngoài, Lễ hội Việt Nam tại Hàn Quốc đã và sẽ là kênh hỗ trợ quảng bá Việt Nam quan trọng tới người dân Hàn Quốc vốn đang có làn sóng đầu tư và du lịch Việt Nam và rất nhiều sự kiện khác. Đó là những sự kiện điển hình cho thấy vai trò của văn hóa trong hội nhập và quảng bá Việt Nam với thế giới trong những năm qua và hứa hẹn sẽ mở rộng hơn nữa trong những năm tới đây.

Bên cạnh đó là những thành tựu của văn hoá và thương hiệu Việt Nam những năm qua trên hàng loạt lĩnh vực từ di sản, điện ảnh, mỹ thuật… Sự tăng trưởng ấn tượng mang tính lịch sử của du lịch Việt Nam, chỉ trong 3 năm số khách quốc tế tăng gấp đôi từ 8 triệu năm 2015 lên 16 triệu năm 2018, Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về tăng trưởng du lịch; những kỳ tích của thể thao Việt Nam trong 3 năm qua trên các đấu trường lớn nhất thế giới và khu vực như những thành tích lịch sử tại Olympic Rio 2016, Asiad 2018, giải vô địch U23 Châu Á, AFF Cup v.v... Tất cả đã mở ra một thời kỳ mới chưa từng có cho văn hoá, du lịch, cho thương hiệu và hình ảnh Việt Nam trên thế giới.

Văn hoá Việt Nam đang góp tiếng nói và vai trò năng động tại các diễn đàn lớn thế giới như UNESCO, UNWTO (Tổ chức Du lịch thế giới của Liên Hợp Quốc), WIPO (Tổ chức Sở hữu trí tuệ), BIE (Tổ chức Triển lãm thế giới), IGF (Quỹ Văn hoá dân gian thế giới)… Mỗi năm, gần 20 văn bản hợp tác về văn hoá được ký kết với các nước bạn bè quốc tế. Hội nhập văn hoá còn có phần đóng góp quan trọng của giao lưu nhân dân.

Ở lĩnh vực thông tin đối ngoại, thương hiệu du lịch, văn hoá Việt Nam thành công khi các điểm đến nổi bật trong nước được xếp hạng và điểm danh điểm đến hàng đầu thế giới tại hầu hết các trang tin, tạp chí và hệ thống truyền thông chuyên ngành quốc tế lớn như National Geographic, Code Nast Traveler, Travel and Leisure… Bên cạnh việc thu hút gần 16 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, rồi thành công của bộ phim Holywood với dàn sao hạng 1 mang tên Kong: Đảo đầu lâu (Kong: Skull Islands) với hơn 70% cảnh quay tại Việt Nam, các đoàn truyền hình, làm phim thế giới cũng bắt đầu tìm đến Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn cho việc quay phim, thực hiện các chương trình truyền hình thực tế, khám phá, tìm hiểu về văn hoá, du lịch Việt Nam và phát sóng trên các đài truyền hình có uy tín quốc tế tại Nhật, Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha… Truyền thông quốc tế nhắc đến Việt Nam qua những thành tích cá nhân của các vận động viên thể thao, các nghệ sĩ tham gia thi quốc tế, các nhiếp ảnh gia đạt giải cao, các bộ phim Việt Nam đoạt giải quốc tế… Ngay cả những sàn đấu giá tranh quốc tế uy tín cũng ghi nhận các tác phẩm tranh của nghệ sĩ Việt Nam bắt đầu có giá trị cao, một số tranh đã được bán với giá kỷ lục.

Chúng ta đã tạo điều kiện thuận lợi để các nước, các tổ chức quốc tế, các cơ quan văn hóa, du lịch nước ngoài giới thiệu đất nước, con người, văn hóa, du lịch tại Việt Nam như thế nào, nhất là các địa bàn có quan hệ truyền thống lâu đời và gần gũi về địa lý như Trung Quốc, Lào, Campuchia và các nước khác thuộc khối ASEAN?

Phó Cục trưởng Trần Nhất Hoàng: Giao lưu, hội nhập văn hoá mang tính 2 chiều, bên cạnh việc đưa văn hoá Việt Nam ra thế giới, ta còn chủ động tích cực tiếp nhận tinh hoa văn hoá thế giới vào Việt Nam, giúp nâng cao trình độ thưởng thức nghệ thuật cho công chúng Việt Nam. Chỉ riêng ở lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, mỗi năm chúng ta đón khoảng 20 chương trình cấp quốc gia của các nước bạn vào giao lưu biểu diễn tại Việt Nam. Ta cũng tạo điều kiện tốt nhất để các chương trình biểu

diễn mang tính kinh điển, của nghệ sĩ hàng đầu thế giới trình diễn tại Việt Nam đã trở nên vô cùng phổ biến. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến những sự kiện văn hóa quốc tế do Việt Nam tổ chức được bạn bè quốc tế tham gia đông đảo như Festival Huế, Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội, Liên hoan Xiếc quốc tế, Liên hoan Rối quốc tế…

Còn phải kể đến vai trò của những định chế văn hóa nước ngoài tại Việt Nam như những trung tâm văn hoá luôn được tạo điều kiện để hoạt động sôi nổi, hiệu quả. Mới đây, Chính phủ đã ra Nghị định về thành lập và hoạt động của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam, quy chuẩn hóa và làm thuận lợi hơn cho những hoạt động văn hóa nước ngoài tại Việt Nam. Những Trung tâm văn hoá luôn được khuyến khích để mang tinh hoa văn hóa các nước bạn đến Việt Nam. Chúng ta cũng đón nhận văn hoá các nước với tinh thần trân trọng, nhiều hoạt động được tổ chức ở Nhà hát Lớn, hoặc những nhà hát có quy mô lớn, được mang đến cho công chúng các địa phương, công tác truyền thông được coi trọng, hỗ trợ.

Trong thời gian tới, chúng ta nên có những giải pháp gì để thực hiện tốt nhiệm vụ lớn là phát triển những loại hình, mô hình, phương thức hoạt động văn hóa đối ngoại đa dạng, hiệu quả để giới thiệu các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới thông qua các hoạt động văn hóa nghệ thuật và truyền thống phù hợp với từng địa bàn?

Phó Cục trưởng Trần Nhất Hoàng: Bên cạnh việc tiếp tục phát huy và làm tốt hơn, chuyên nghiệp hơn những công tác như đã nêu ở trên. Tiếp tục tìm tòi cách làm mới, ứng dụng công nghệ mới, mở rộng quảng bá Việt Nam đến quốc tế, tăng cường hợp tác có hiệu quả với các đối tác quốc tế truyền thống và không ngừng mở rộng với những đối tác mới, địa bàn mới… Năm 2019 đặt ra mục tiêu cụ thể, trong đó các sự kiện quảng bá văn hoá, hợp tác quốc tế về văn hóa phải gắn liền với hiệu quả quảng bá thu hút khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam, văn hoá chính là phương tiện quan trọng để truyền tải nét hấp dẫn, nét đẹp cho Việt Nam.

Bên cạnh đó, từng bước hợp tác, hội nhập phát triển ngành Công nghiệp Văn hoá sau khi Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Với nền văn hoá đặc sắc, đa dạng như Việt Nam, dân số trẻ, năng động, cầu thị, ham học hỏi, chúng ta có tiềm năng lớn trong lĩnh vực này.

Trên cơ sở phát huy thành tựu của những năm qua, ngành văn hóa, thể thao du lịch tiếp tục phát huy sức sáng tạo, sự năng động, hội nhập chủ động của Việt Nam với quốc tế về văn hoá, du lịch, thể thao và xây dựng thương hiệu Việt Nam xứng tầm với tiềm năng đất nước.