Định nghĩa về văn hóa là một trong số những định nghĩa phức tạp nhất và có thể nói hiện nay chưa có một định nghĩa cuối cùng về văn hóa. Điều đó không phải là ngẫu nhiên mà trước hết là do bản chất của văn hóa - một lĩnh vực có phạm vi rộng lớn về không gian, lâu dài về thời gian; vừa trực quan, vừa tiềm ẩn mà chung quy là kết tinh giá trị tinh thần của nhân loại qua quá trình phát triển của mình.
Theo nghĩa rộng thì văn hóa dưới dạng sơ khai nhất được hình thành gần như song hành với sự hình thành của nhân loại. Vai trò của văn hóa ngày càng gia tăng đối với sự phát triển của xã hội, là nền tảng tinh thần của xã hội đồng thời bị quy định bởi chính sự phát triển của xã hội là điều không thể nghi ngờ. Mỗi nền văn hóa đều để lại những dấu ấn trong sự phát triển của mỗi dân tộc. Khó tìm thấy những thành tựu kinh tế - xã hội của mỗi dân tộc mà thiếu bóng dáng của văn hóa dưới hình thức này hay hình thức khác, với mức độ này hay mức độ khác. Lịch sử trong quá khứ cũng như trong hiện tại cho thấy sự phát triển của mỗi dân tộc tỷ lệ thuận với sự phát triển của mỗi nền văn hóa. Văn hóa không chỉ là một thành tố trong cấu trúc xã hội mà còn là một động lực trong sự phát triển của mỗi dân tộc. Nền văn hóa của mỗi dân tộc đều có nhiều đặc trưng. Những đặc trưng đó hình thành diện mạo mỗi nền văn hóa. Khi so sánh các nền văn hóa, những đặc trưng chung, giống nhau được coi là những nét tương đồng và những đặc trưng khác nhau được coi là những nét dị biệt. Như vậy trong quan hệ giữa các nền văn hóa thì mỗi nền văn hóa đều có tính tương đồng và tính dị biệt.
Văn hóa của các dân tộc thể hiện qua từng thời kỳ
Có thể nêu ra một số đặc trưng sau đây của sự tương đồng giữa các nền văn hóa.
1. Đó là sự tương đồng về các sản phẩm văn hóa. Hoạt động văn hóa không phải là hoạt động hư vô. Hoạt động đó phải tạo ra những sản phẩm nhất định với hai loại hình: vật thể và phi vật thể. Mặc dù tỷ lệ giữa 2 loại hình này không như nhau, tính nổi trội của hai loại hình này hay loại hình khác trong mỗi nền văn hóa là một thực tế song 2 loại hình này luôn song song tồn tại. Tất nhiên sự phân chia 2 loại hình này chỉ có tính chất tương đối vì không có sản phẩm văn hóa vật thể nào mà lại không có ít nhiều hình ảnh của sản phẩm văn hóa phi vật thể và ngược lại.
2. Đó là sự tương đồng về quá trình phát triển của văn hóa thông qua mối quan hệ tương tác giữa kế thừa và phát triển thể hiện ở quan hệ giữa truyền thống và hiện đại. Văn hóa là một dòng chảy liên tục không có những vạn lý trường thành ngăn cách. Trong dòng chảy đó, có những sản phẩm văn hóa của quá khứ bất chấp sự thăng trầm của lịch sử, vượt qua sự thử thách của thời gian nay trở thành văn hóa truyền thống với tính ổn định, bền vững của nó. Một số sản phẩm văn hóa của quá khứ dung nạp những yếu tố mới của hiện thực, tiếp thu những giá trị mới của thời đại nay „hóa thân“ dưới nhiều hình thức, để hình thành các sản phẩm văn hóa hiện đại. Cũng không loại trừ những sản phẩm văn hóa của quá khứ bị loại bỏ do không phù hợp hoặc không thích ứng với xã hội hiện đại hoặc không chịu đựng được sự khảo nghiệm nghiêm ngặt của xã hội hiện đại.
3. Đó là sự tương đồng về động lực phát triển của văn hóa thể hiện ở mối quan hệ giữa nội lực và ngoại lực trong sự phát triển của mỗi nền văn hóa trong quá trình phát triển của mình. Mỗi nền văn hóa đều đứng trước cơ hội và thách thức của việc bảo tồn nền văn hóa của mình (thông qua nội lực) cũng như đứng trước cơ hội và thách thức trong việc tiếp nhận tinh hoa của các nền văn hóa khác (thông qua ngoại lực). Những biểu hiện tích cực và tiêu cực trong các nền văn hóa là những bằng chứng về khả năng thích ứng với thách thức và cơ hội. Có thể coi sự ứng phó với những thách thức và những cơ hội nói trên như một hàn thử biểu đo sức sống và sức mạnh của mỗi nền văn hóa. Sự phát triển của mỗi nền văn hóa phụ thuộc một phần vào việc hóa giải những thách thức và tận dụng những cơ hội đặt ra trước các nền văn hóa.
4. Đó là sự tương đồng về các nhân tố làm nền tảng cho sự hình thành và phát triển của các nền văn hóa .Ở đây muốn nói về các nhân tố thiên nhiên, xã hội và con người. Các nền văn hóa đều không đứng ngoài các nhân tố này. Những nhân tố này quy định nội dung, loại hình và thể loại văn hóa… Không thể nhận dạng đầy đủ một nền văn hóa nếu lãng quên những nhân tố đó. Đồng thời thông qua các sản phẩm văn hóa có thể hình dung ở một mức độ nhất định cảnh quan thiên nhiên, trạng thái xã hội, tâm trạng con người ở một thời kỳ tương ứng. Theo một nghĩa nào đó, có thể coi đặc trưng này là mối quan hệ giữa hiện thực và sự phản ánh hiện thực. Trong mối quan hệ này thì các nhân tố thiên nhiên, xã hội, con người là đối tượng được phản ánh còn văn hóa là sản phẩm của sự phản ánh. Tất nhiên văn hóa không phải là bản sao của hiện thực, không phải là sự chụp ảnh hiện thực và sự hình thành văn hóa từ hiện thực không như quy trình của một máy quay phim.
Sẽ là một sai lầm nếu tuyệt đối hóa sự tương đồng mà bỏ quên tác động của sự dị biệt. Thực chất, sự tương đồng và sự dị biệt là 2 bộ phận hữu cơ trong mỗi nền văn hóa, tác động lẫn nhau và trong những điều kiện nhất định có sự chuyển hóa lẫn nhau mà các tác phẩm âm nhạc là một minh chứng. Nếu sự tương đồng tạo nên sự hội nhập của văn hóa thì sự dị biệt tạo nên sự đa dạng của văn hóa. Làn sóng di cư vào châu Âu hiện nay khẳng định việc phát triển sự hội nhập phải song hành với việc tôn trọng sự dị biệt.
Thế giới hiện nay đang bước vào giai đoạn mà toàn cầu hóa là xu thế chủ đạo. Xu thế toàn cầu hóa tạo ra thời cơ mới và thách thức mới đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội mà văn hóa không thể đứng ngoài. Tác động của xu thế toàn cầu hóa khiến cho khoảng cách địa lý giữa các nước dường như thu hẹp lại; biên giới quốc gia ngày càng mờ nhạt dần; sự thâm nhập lẫn nhau trong các lĩnh vực giữa các nước tăng lên nhanh chóng kéo theo hệ quả ngoài sự kiểm soát v.v… Văn hóa cũng đứng trước những cơ hội mới và thách thức mới. Chưa bao giờ nền văn hóa của dân tộc này lại có điều kiện tiếp nhận những tinh hoa, những giá trị văn hóa của dân tộc khác một cách nhanh chóng và rộng lớn như hiện nay song cũng chưa bao giờ nền văn hóa của mỗi dân tộc lại đứng trước nguy cơ “xâm thực“, nguy cơ bào mòn bản sắc văn hóa của dân tộc như hiện nay. Vì vậy, sự tương đồng của các nền văn hóa cũng chịu chung “số phận‘‘ đó.
PGS.TS Phạm Hữu Tiến
Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Quản lý
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam