19/01/2025 lúc 16:14 (GMT+7)
Breaking News

Sự tử tế vẫn còn nguyên vẹn

VNHN-Tôi gọi sự tử tế là thương hiệu của tình người. Trong mênh mang tình người, sự tử tế là phẩm giá đầu tiên làm nên thương hiệu ấy. Thật khó có thể tưởng tượng trong cuộc sống con người lại thiếu vắng đi sự tử tế.

VNHN-Tôi gọi sự tử tế là thương hiệu của tình người. Trong mênh mang tình người, sự tử tế là phẩm giá đầu tiên làm nên thương hiệu ấy. Thật khó có thể tưởng tượng trong cuộc sống con người lại thiếu vắng đi sự tử tế.

Cho dù ở lúc này lúc khác, có người nhất thời có thể vì lý do nào đó mà hành xử tàn nhẫn, thậm chí có thể gây tội ác thì tôi tin sự tử tế vẫn còn nguyên vẹn, là cốt lõi trong một xã hội nhân bản.

Những cơn lũ lụt ở miền trung đã chia cắt nhiều vùng dân cư, gây nhiều thiệt hại về người và của. Và trong hiểm nguy có không ít tấm gương dũng cảm cứu giúp bà con thoát khỏi vòng nguy hiểm. Còn nhớ trận lũ lịch sử năm 2013 ở xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi đã khiến nhiều hộ dân bị cô lập và tính mạng bị đe dọa. Có tới 240 người đã được cứu thoát khỏi tử thần nhờ sự can đảm của các ông Hồ Sở, Phan Thuận cùng một số người dân khác trong xã. Hành động dũng cảm của họ bất chấp nguy hiểm tính mạng bị đe dọa và tài sản gia đình bị thiệt hại. Người nông dân Hồ Sở bộc bạch chân thành: “Lũ cuốn trôi hết, hư hại hết nhưng tôi nghĩ còn người thì còn của. Chứ nghe bà con kêu cứu át cả tiếng ầm ầm nước lũ mà đau lòng quá. Biết là chèo ghe giữa biển nước lũ cuồn cuộn trong đêm có thể nguy hiểm tính mạng nhưng mọi người đang đối mặt với cái chết mà không cứu thì lòng không chịu được”. Chẳng còn gì đơn giản hơn suy nghĩ đơn giản mà vô cùng thiện tâm ấy.

Khó có thể liệt kê hết những hành động dũng cảm cứu người trong lũ dữ. Một dạo báo chí hết lời biểu dương tấm gương anh Lê Văn Điệp, Bí thư Chi đoàn thôn Hà Lời, xã Sơn Trạch, Bố Trạch (Quảng Bình) cứu 150 người trong đó có nhiều em nhỏ và người già neo đơn. Lũ về đột ngột, anh Điệp chỉ kịp đưa thuyền đi cứu người bị mắc kẹt. Cứu người xong về nhà thì lũ đã cuốn trôi ngôi nhà. Còn rất nhiều nghĩa cử cao đẹp mà chỉ những người trong cuộc mới thấu. Người cứu chỉ coi đơn giản là chuyện tất yếu, bình thường giúp nhau trong hoạn nạn, thấm đượm tình làng nghĩa xóm trong khi người được cứu canh cánh trong lòng chịu hàm ơn ân nhân cứu mạng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng gửi thư biểu dương anh Nguyễn Bá Luân, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Nam và một số đồng nghiệp, trong khi cơn bão số 12 đang hoành hành dữ dội đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh Nam Trung Bộ, đã bất chấp hiểm nguy, dũng cảm đưa ca-nô ra biển cùng các lực lượng chức năng kịp thời cứu được nhiều người dân gặp nạn trên biển.

Mỗi năm thủy thần cướp đi không ít sinh mạng. Không chỉ trong lũ lụt, cũng từ những tai nạn thương tâm đuối nước xảy ra ở sông ngòi, biển cả mà xuất hiện những anh hùng đúng nghĩa, trong đó có cả thanh, thiếu niên dũng cảm. Tấm gương anh Trần Hữu Hiệp quên mình cứu người trong vụ lật ca-nô trên sông Soài Rạp (huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh) khiến cộng đồng cảm phục, lan tỏa tình người trong cộng đồng mà sự hy sinh quả cảm ấy trở thành biểu tượng của sự tử tế. Khi ca-nô lật, anh Hiệp nhờ mặc áo phao đã cứu được bốn người. Phát hiện một phụ nữ có thai đang chấp chới trong lằn ranh sinh tử, dù đã đuối sức nhưng anh vẫn nhường áo phao. Có lẽ chẳng còn một mỹ từ nào để biểu đạt hết cái đẹp của sự hy sinh cao cả này. Thời chiến tranh có không ít tấm gương chiến sĩ lấy thân mình chở che đồng đội và điều này không khó lý giải vì tình đồng đội, vì lý tưởng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Nay giữa thời bình, giữa bề bộn lo toan cơm áo đời thường, sự tử tế nhường ấy thật đáng quý, đáng trân trọng. Tôi cứ ám ảnh mãi hình ảnh anh Hiệp trên sông vào thời khắc ấy trước sinh mệnh hai mẹ con. Ám ảnh để rồi cố lý giải vì sao anh lại chọn cứu người thay vì giải thoát mình khỏi nguy hiểm. Có thể đã có một sự lựa chọn? Và sự tử tế, tình yêu con người đã chiến thắng. Anh đã coi sự sống đồng loại còn quý hơn tính mạng của mình.

Trong cuộc sống, sự tử tế biểu hiện dưới muôn nghìn phương cách từ nhỏ đến lớn. Mới đây dư luận từ ngạc nhiên đi đến khâm phục trước một việc bình thường là GS, TS, Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Huyết học- Truyền máu T.Ư nghỉ hưu. Lần đầu tiên trong lịch sử ngành y, một lãnh đạo bệnh viện về nghỉ chế độ nhận được sự yêu mến, quyến luyến, tập thể y, bác sĩ, nhân viên và cả bệnh nhân. Tất cả bật khóc trong buổi chào cờ chia tay người viện trưởng. Người thầy thuốc với trí tuệ, tài năng, tâm huyết và nhân cách, cống hiến trọn đời cho ngành huyết học- truyền máu. Chỉ có tấm lòng và y đức đạt tới độ tuyệt đối mới đủ thu phục được lòng người đến vậy. Gần 1.000 người trong nước mắt xếp hàng hai bên tiễn chào người viện trưởng là một hình ảnh đẹp đẽ hiếm có về sự tử tế, về thương hiệu của tình người.

Đây đó trong đời sống hiện đại, có quá nhiều câu chuyện buồn xảy ra khi đồng tiền lên ngôi và đạo đức xuống cấp. Xung đột giữa những người ruột thịt, thậm chí dẫn đến án mạng chỉ vì những tranh chấp vật chất tầm thường, lừa gạt, cướp giết, trộm cắp... Nhiều lắm những mặt trái xã hội ấy luôn tồn tại và đó là một phần cuộc sống chúng ta phải chấp nhận. Những người bi quan đã nghi ngờ về sự tử tế không còn và tình người bị chi phối bởi những yếu tố vật chất. Đừng nói tình người đã cạn. Điều tất yếu không thể phủ nhận là những chuyện đau lòng vẫn chỉ là thiểu số, sự tử tế vẫn luôn lên ngôi, là âm hưởng chủ đạo của cuộc sống này.

Một sớm mai trên đường phố, hình ảnh một cụ già chống gậy được một người bất kỳ, có thể là em bé đi học, thanh niên dạo phố hay viên cảnh sát giao thông dẫn qua đường giữa một rừng xe cộ chẳng nhẽ lại không là một hình ảnh lay động tình người. Tôi đã bắt gặp ở rất nhiều ngã tư có những người tàn tật ngồi trước cái mẹt nhỏ bày bán vài thứ lặt vặt như tăm bông, kẹo ngậm... với đôi mắt cầu khẩn. Có không ít người dừng xe lại, cúi xuống đưa tiền mà chẳng nhận về một thứ gì. Trên đường phố có ngày nào ta không gặp những hành động giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau giữa những người cả quen biết lẫn không. Trước cổng các trường học có những người già ăn xin ngồi thành hàng im lặng và nhẫn nhục. Tôi đã không cầm được nước mắt khi chứng kiến em học sinh bé xíu, cặp trĩu trên lưng to hơn người, tung tăng đi hết lượt đưa cho những người thiếu may mắn kia những tờ bạc lẻ đều nhau, nét mặt rạng ngời một niềm vui thánh thiện. Mầm thiện đã được gieo. Và trong gian nan, hoạn nạn lại càng bừng sáng lên những tấm lòng tương thân tương ái.

Mầm thiện có phải là sự tử tế được gieo trồng? Nó đấy nhưng phải biết nhìn để nhận ra và sống cùng nó mới có được sự tử tế làm nên thương hiệu của tình người. Tôi vẫn luôn tin rằng dù ở đâu, lúc nào tình người vẫn luôn có mặt, tô điểm thêm cho cuộc đời này tươi sáng hơn.