VNHN - Thông qua Bộ Ngoại giao, Chính phủ và nhân dân Việt Nam vừa gửi tặng Chính phủ và nhân dân các nước Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha và Anh 550.000 khẩu trang vải kháng khuẩn chống giọt bắn, do Việt Nam sản xuất, hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19.
Thứ trưởng BNG Tô Anh Dũng trao tặng hỗ trợ cho đại diện Vương quốc Anh. Ảnh: BNG
Tại buổi lễ trao tặng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cho biết, Chính phủ Việt Nam đã dành một phần nguồn lực của mình giúp đỡ các nước có thêm phương tiện bảo vệ sức khỏe cho người dân để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay; Việt Nam luôn sẵn sàng phối hợp chặt chẽ, trao đổi kinh nghiệm đẩy lùi và khống chế dịch bệnh.
Cùng với Chính phủ các nước trên, truyền thông châu Âu đánh giá cao nghĩa cử này của Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, gây ra những hậu quả nặng nề ở các nước châu Âu. Việt Nam, dù đang phải căng hết sức mình để chống dịch Covid-19, nhưng đã sẵn sàng chia sẻ nguồn lực, hỗ trợ y tế và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân các nước thời gian qua ở Việt Nam.
Từ đầu tháng 2-2020, ngay khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, cùng với việc thực hiện các phương án chống dịch, Việt Nam đã trao tặng Trung Quốc số vật tư, trang thiết bị y tế gồm máy thở, quần áo sát khuẩn, găng tay và khẩu trang y tế với tổng trị giá 500.000USD.
Chỉ tính riêng tỉnh Lạng Sơn, qua 2 đợt đã tặng Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc) hơn 600.000 khẩu trang hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19. Với Lào và Campuchia, dù tình hình dịch bệnh ở hai nước này chưa quá phức tạp, Việt Nam còn ảnh hưởng nặng nề hơn nhưng với mối quan hệ láng giềng đặc biệt, Việt Nam đã tặng các trang thiết bị y tế gồm quần áo bảo hộ, khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn, hệ thống xét nghiệm cùng bộ xét nghiệm dịch Covid-19 cho 2 nước này, với tổng giá trị hơn 7 tỷ đồng.
Việt Nam cũng đã tặng Myanmar 50.000USD để hỗ trợ phòng chống Covid-19. Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng đã tặng Bộ Quốc phòng Lào và Bộ Quốc phòng Campuchia hàng trăm ngàn khẩu trang kháng khuẩn, các trang thiết bị y tế và tài hiệu hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19… Tất cả đó, dù giá trị vật chất không quá nhiều, nhưng đã nói lên trách nhiệm và nghĩa tình của Việt Nam trong công cuộc phòng chống dịch Covid-19 hiện nay.
Ngay từ đầu, khi dịch bệnh mới diễn ra, cùng với việc áp dụng chính sách điều trị hoàn toàn miễn phí cho các công dân trong nước; Việt Nam cũng đã điều trị miễn phí cho các công dân nước ngoài ở Việt Nam mắc Covid-19. Dù đó là công dân đang làm việc ở Việt Nam, hay đi du lịch. Gần 40 người nước ngoài đã được điều trị tận tình, cho đến khi lành bệnh. Một số người nước ngoài hiện cũng đang được điều trị tích cực ở các cơ sở y tế của Việt Nam. Mặc dù đã có nhiều ý kiến, nhưng đến thời điểm này, tất cả những người nước ngoài vẫn đang được điều trị hoàn toàn miễn phí. Đây là điều mà thế giới đã đánh giá rất cao, dù Việt Nam không phải là nước giàu và điều kiện hạ tầng y tế cũng ở mức vừa phải. Trong khi đó, 1 ca điều trị mắc Covid-19 ở châu Âu và Mỹ, chi phí bệnh nhân phải trả từ vài ngàn đến vài chục ngàn USD, tùy theo có bảo hiểm hay không và mức độ bệnh tình.
Đến thời điểm này, Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dư luận thế giới thừa nhận, đánh giá cao về việc kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả. Việt Nam đã tiếp cận sớm và có những biện pháp phù hợp, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan nhiều trong cộng động. Chính sách giãn cách xã hội và biện pháp cách ly đã được Việt Nam áp dụng triệt để, mang lại hiệu quả lớn. Cùng với đó, dù khó khăn, nhưng Việt Nam luôn thể hiện sự nhân văn, nghĩa tình, hòa hiếu như truyền thống dân tộc vốn có để giúp đỡ các quốc gia khác phòng chống dịch bệnh.
Trong Thông điệp gửi hội nghị trực tuyến của WHO ngày 8-4 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, khi đại dịch Covid-19 đang tràn qua mọi đường biên giới lãnh thổ, đòi hỏi các quốc gia, dân tộc phải có đại nỗ lực và đại đoàn kết. Mặc dù còn khó khăn và nguồn lực hạn chế, song hưởng ứng Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hiệp quốc về đại dịch Covid-19 (2-4-2020), trong khả năng của mình, Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vật tư, thiết bị y tế… cho nhiều nước. Đó là sự chia sẻ, là hành động cao đẹp mà Việt Nam đã và đang làm.
Trần Lưu