Phối cảnh dự án thành phố thông minh tại huyện Đông Anh
1. Nhận thức chung về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội
Cần phải nhấn mạnh rằng, quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội là quá độ từ một xã hội dựa trên chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa, áp bức, bóc lột, bất công lên một xã hội tiến bộ hơn, tốt đẹp hơn, văn minh hơn. Chủ nghĩa xã hội mà chúng ta nói ở đây không phải là chủ nghĩa xã hội theo mô hình cũ, mà là chủ nghĩa xã hội đã được đổi mới, là chủ nghĩa xã hội thực sự khoa học. Đó là một xã hội ở nấc thang cao hơn chủ nghĩa tư bản, tiếp sau chủ nghĩa tư bản, phát triển hơn chủ nghĩa tư bản về lực lượng sản xuất, về năng suất lao động, về dân chủ. Nó thừa kế tất cả những giá trị tích cực trong chủ nghĩa tư bản và nhân lên trong xã hội mới.
Là thời đại quá độ, có nghĩa trong thời đại này có sự tồn tại đan xen giữa cái cũ và cái mới, giữa những cái định hình và cái chưa định hình, tức là mới định hướng. Cái cũ đã tỏ ra lỗi thời, đã đến giới hạn tồn tại của mình (tuy giới hạn đó rất khó xác định rạch ròi), nó bất lực trước những vấn đề nan giải do thời đại đặt ra. Còn cái mới đang hình thành, đang trong quá trình ra đời, nó chưa vững chắc, chưa hoàn thiện, thậm chí có lúc chòng chành, nghiêng ngả, trải qua nhiều thời kỳ tự “lột xác” để tìm ra những hình thức mới nhằm thể hiện đúng bản chất của mình hơn.
Là thời đại quá độ, có nghĩa đây là thời kỳ chuyển tiếp, chuyển biến sâu sắc về mọi mặt của đời sống xã hội từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, tư tưởng. Trong thời đại này không tránh khỏi diễn ra những cuộc khủng hoảng, những đổ vỡ, những chấn động sâu sắc, tuy nhiên sự quá độ theo xu hướng tiến lên vẫn diễn ra.
Tuy nhiên, trong khi vẫn khẳng định thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH trên thế giới, chúng ta cần có sự đổi mới về nhận thức trên vấn đề này so với trước đây (kể cả so với các bản tuyên bố Mátxcơva năm 1957, 1960 và 1980).
Lý tưởng xã hội chủ nghĩa là lý lưởng về một xã hội mà trong đó con người được giải phóng, được phát triển toàn diện, xã hội không còn có áp bức, bóc lột, bất công.
Đó là lý tưởng mà C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã xây dựng trên cơ sở nghiên cứu quy luật phát triển khách quan của lịch sử. Chính tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã mở ra cho chúng ta, trong bối cảnh hiện nay, tầm nhìn mới về tính đa dạng của con đường đi lên CNXH không chỉ như các kinh nghiệm đã có.
Chúng ta biết rằng tư tưởng xã hội chủ nghĩa đã có một lịch sử rất lâu dài trong sự phát triển của tư tưởng nhân loại. Từ xa xưa ngay trong thời kỳ cổ đại ở phương Đông và phương Tây, con người đã mơ ước đến một xã hội công bằng, bình đẳng, không có áp bức và bóc lột. Mơ ước đó đã phát triển trong lý luận của các nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng mà tiêu biểu là Saint-Simon, Charles Fourier, Robert Owen, lý tưởng xã hội chủ nghĩa không phải là phát hiện của C.Mác và Ph.Ăng-ghen mà đã có trước các ông. Công lao của C.Mác và Ph.Ăng-ghen là đã thừa kế, phát triển, xây dựng, luận chứng lý tưởng riêng của giai cấp công nhân mà là lý tưởng chung của nhân loại không chỉ trong quá khứ mà ngay cả hiện nay. Sự xem xét toàn bộ lịch sử phát triển của nhân loại cũng như tình hình thế giới hiện nay cho phép chúng ta khẳng định điều đó.
Song để thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa, có nhiều con đường khác nhau tùy thuộc vào điều kiện thời đại và đặc điểm dân tộc. Chính V.I.Lê-nin đã từng dự báo như vậy. Các dân tộc đã và đang tìm những con đường khác nhau để thực hiện lý tưởng đó. Do vậy, không thể có một mô hình rập khuôn, duy nhất về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội thích hợp cho mọi quốc gia và mọi dân tộc. Ở đây, cường điệu cái chung, cái phổ biến cũng sai lầm không kém việc cường điệu cái riêng, cái đặc thù. C.Mác dựa trên sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, những mâu thuẫn của nó đã rút ra tính tất yếu của chủ nghĩa xã hội cũng như phương thức thực hiện nó thông qua cách mạng vô sản, đồng thời nêu ra một sự báo khoa học về chủ nghĩa xã hội tương lai. Do chưa có thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội nên C.Mác chưa thể xây dựng một hệ thống lý luận hoàn chỉnh về chủ nghĩa xã hội. Những phác thảo của C.Mác về chủ nghĩa xã hội nhiều nét mang tính chất dự báo và chỉ trên đại thể thôi. Chính về sau này, dựa trên thực tiễn Cách mạng tháng Mười Nga và kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Nga, V.I.Lê-nin đã có sự bổ sung, phát triển lý luận của C.Mác về chủ nghĩa xã hội, nhất là trong thời kỳ thực hiện chính sách kinh tế mới (NEP).
Như vậy, phải coi quan điểm lý luận về chủ nghĩa xã hội là một quan điểm động, không ngừng tiến hóa, phát triển chứ không phải chết cứng, bất biến, giáo điều. Chính do không phát triển được lý luận về chủ nghĩa xã hội để kịp thời giải đáp những vấn đề thực tiễn đặt ra là một trong những nguyên nhân cơ bản sâu xa làm cho chủ nghĩa xã hội hiện thực bị khủng hoảng và đi tới sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu chứ không chỉ giản đơn là do đế quốc phá hoại hoặc giản đơn là do hiểu sai và làm sai chủ nghĩa Mác – Lê-nin.
2. Nhận thức của Đảng ta về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội
1. Nhận thức trước năm 1991
Trong các văn kiện của Đảng, khi nhận định về thời kỳ quá độ, Đảng ta thường cụ thể hóa bằng các nội dung, tính chất của thời đại một cách cụ thể là bối cảnh tình hình thế giới.
Ngay từ năm 1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương do đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn trình bày tại Đại hội, Đảng ta đã nhận định: “chúng ta đang sống trong một thời đại vĩ đại chưa từng có trong lịch sử loài người. Đó là thời đại mà nội dung cơ bản là sự quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, thời đại mà chủ nghĩa xã hội đã trở thành hệ thống thế giới và đã giành được ưu thế rõ rệt trên trường quốc tế, thời đại mà lực lượng xã hội chủ nghĩa, độc lập dân tộc, dân chủ và hòa bình đã mạnh hơn lực lượng của chủ nghĩa đế quốc, thời đại mà phong trào cách mạng trên thế giới phát triển vô cùng mạnh mẽ và chủ nghĩa đế quốc đang trên đà diệt vong không thể cứu vãn được”[1].
2. Nhận thức trong Cương lĩnh 1991
Đại hội lần thứ VII năm 1991 của Đảng đã thông qua “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, trong đó chỉ rõ: “Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại là cuộc đấu tranh giai cấp và dân tộc gay go, phức tạp của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Chủ nghĩa xã hội hiện đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song, loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử”[2]. Cụm từ “trong giai đoạn hiện nay của thời đại” có hàm ý là thời đại chung vẫn là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, song trong giai đoạn hiện nay thì cuộc đấu tranh rất gay go, phức tạp.
3. Quá trình nhận thức từ sau Cương lĩnh 1991 đến Cương lĩnh 2011
Nhận thức của Đảng ta luôn có tính nhất quán và xuyên suốt. Mặc dù thế giới có nhiều đổi thay, năm 1991 Liên Xô tan rã, gây nên một sự chấn động lớn không chỉ trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, mà toàn bộ tình hình thế giới. Phong trào cộng sản và công nhân thế giới lâm vào thoái trào. Các học giả phương Tây ra sức công kích học thuyết Mác – Lê-nin và con đường phát triển đi lên chủ nghĩa xã hội. Họ còn đưa ra dự báo về sự kết thúc của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản sẽ sớm diễn ra. Sự hoang mang, dao động diễn ra ngay trong đội ngũ những người cộng sản. Mặc dù vậy, Đảng ta vẫn nhận thức một cách kiên định và đúng đắn về thời đại, đặc biệt đã rất mềm dẻo và thực tế trong việc nêu bật đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại; khẳng định tình hình thế giới tuy diễn biến phức tạp, các nước xã hội chủ nghĩa còn lại gặp nhiều khó khăn nhưng nhất định sẽ đứng vững và phát triển.
4. Nhận thức trong Cương lĩnh 2011
Các Đại hội IX và Đại hội X của Đảng, trong các văn kiện của Đại hội không đề cập đến thời đại, mà chỉ đưa ra những nhận định về tình hình thế giới. Tới Đại hội XI năm 2011, “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011)” đã được thông qua, trong đó có đoạn viết: “Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại là các nước với chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhất định có bước tiến triển. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”[3].
Nhận thức về thời đại và thế giới đương đại của Đảng ta không phải “nhất thành, bất biến” mà có sự điều chỉnh theo dòng thời cuộc. Trên cơ sở tiếp thu khách quan có chọn lọc những nhận thức và cách tiếp cận mới về thời đại, Đảng ta phát triển lý luận, cụ thể hóa những vấn đề của giai đoạn hiện nay của thời đại. Đó là việc nêu bật đặc điểm nổi bật của từng thời kỳ, thời gian 5 hoặc 10 năm. Những nhận định của Đảng ta về đặc điểm nổi bật của thế giới về chính trị, kinh tế, xã hội, về những vấn đề toàn cầu và những xu hướng vận động của thế giới luôn có sự chuẩn xác.
III. Nhận thức mới về thời kỳ quá độ lên CNXH
Đối với nước ta, thời kỳ quá độ là thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Đảng ta xác định “bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa tức là bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa, nhưng tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, đặc biệt là về khoa học và công nghệ, để phát triển như lực lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế hiện đại”[4]. Phân tích sâu sắc hơn về vấn đề này, trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Giáo sư, Tiến sĩ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xác định: “Nói bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột tư bản chủ nghĩa; bỏ qua những thói hư, tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa, chứ không phải bỏ qua cả những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản. Đương nhiên, việc kế thừa những thành tựu này phải có sự chọn lọc trên quan điểm khoa học, phát triển”[5].
Luận cứ về việc tại sao chúng ta không lựa chọn mà lại bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa được Tổng Bí thư Đảng ta khẳng định rất sáng tỏ: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên nhân phẩm con người. Chúng ta cần sự phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công; “cá lớn nuốt cá bé”, vì lợi ích vị kỷ của một số cá nhân và các nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn và hủy hoại môi trường. Và, chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một số giàu có”[6]. Thật là một áng hùng văn lay động lòng người!
Quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa mang tính đặc thù, chưa có tiền lệ trong lịch sử nên đối với nước ta, đây là chặng đường cách mạng đầy khó khăn, thách thức. Những thách thức đó là: Thứ nhất, chúng ta tiến bước cùng nhân loại nhưng lại ở điểm xuất phát thấp, từ một xã hội đang phát triển với nền sản xuất nhỏ manh mún, lạc hậu. Thứ hai, đất nước trải qua các cuộc chiến tranh tàn khốc, giành được những thắng lợi vẻ vang nhưng phải gánh chịu những tổn thất nặng nề về nhân lực, vật lực, về cơ sở hạ tầng kinh tế nên phải hàn gắn và xây dựng lại. Thứ ba, trong những thập niên vừa qua thế giới có nhiều biến động phức tạp khôn lường, đặc biệt là sự sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu nên cũng bị mất đi sự giúp đỡ tích cực, nhiều mặt của anh em bạn bè trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa. Đây không chỉ là sự hẫng hụt về vật chất mà còn là sự tác động tiêu cực về tinh thần, tư tưởng. Thứ tư, nước ta bị các thế lực thù địch bao vây, cấm vận trong những năm đầu thời kỳ đổi mới và cho tới nay cũng luôn phải đấu tranh với các thế lực thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ xã hội mà chúng ta đang xây dựng.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Càng đi sâu vào thực tiễn, Đảng ta càng nhận thức được rằng, quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp, vì nó phải tạo sự biến đổi sâu sắc về chất trên tất cả cách lĩnh vực của đời sống xã hội. Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, lực lượng sản xuất rất thấp, lại trải qua mấy chục năm chiến tranh, hậu quả rất nặng nề; các thế lực thù địch thường xuyên tìm cách phá hoại nên lại càng khó khăn, phức tạp, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước đi, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen nhau, có sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới”[7].
Quá trình hình thành, phát triển nhận thức về quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội là những phát kiến sáng tạo. Nhận thức lý luận và thực tiễn về quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa trong điều kiện đã có hệ thống xã hội chủ nghĩa là hai lần sáng tạo. Đối với Việt Nam hiện nay, chúng ta đi lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa trong điều kiện kinh tế xã hội trong nước còn lạc hậu, yếu kém, thế giới diễn biến phức tạp, nhất là sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu đòi hỏi sự sáng tạo gấp nhiều lần. Hàng loạt các vấn đề về nhận thức và vô vàn những khó khăn phức tạp trong thực tiễn đặt ra để giải đáp câu hỏi lớn: Những nội dung và những nhiệm vụ chủ yếu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam là gì?
Trình bày một cách khái quát lại rất sâu sắc, dễ hiểu, không chỉ nêu rõ nội dung và những nhiệm vụ chủ yếu mà cả phương pháp giải quyết các vấn đề đặt ra trong quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở nước ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xác định: “Trong thời kỳ quá độ, các nhân tố xã hội chủ nghĩa được hình thành, xác lập và phát triển đan xen, cạnh tranh với các nhân tố phi xã hội chủ nghĩa, gồm cả các nhân tố tư bản chủ nghĩa trên một số lĩnh vực. Sự đan xen, cạnh tranh ngày càng phức tạp và quyết liệt trong điều kiện cơ chế thị trường và mở cửa, hội nhập quốc tế. Bên cạnh các mặt thành tựu, tích cực, sẽ luôn có những mặt tiêu cực, thách thức cần được xem xét một cách tỉnh táo và xử lý một cách kịp thời, hiệu quả. Đó là cuộc đấu tranh rất gay go, gian khổ, đòi hỏi phải có tầm nhìn mới, bản lĩnh mới và sức sáng tạo mới. Đi lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa là một quá trình không ngừng củng cố, tăng cường, phát huy các nhân tố xã hội chủ nghĩa để các nhân tố đó ngày càng chi phối, áp đảo và chiến thắng. Thành công hay thất bại là phụ thuộc trước hết vào sự đúng đắn của đường lối, bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”[8]./.
GS.TS Vũ Văn Hiền
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t.21,tr. 612-613.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.314.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.69
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 21.
[5] Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 25.
[6]. Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 25.
[7]. Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 25.
[8]. Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 35 - 36.