31/03/2025 lúc 02:09 (GMT+7)
Breaking News

Sự phát triển của thương mại điện tử dưới tác động của truyền thông

Thương mại điện tử (TMĐT) đã trở thành một phần không thể thiếu trong nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là tại Việt Nam. Việc kết hợp hiệu quả giữa truyền thông và thương mại điện tử không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận và mở rộng thị trường mà còn nâng cao trải nghiệm và niềm tin của người tiêu dùng.

Truyền thông nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành vi mua sắm trực tuyến

Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành vi mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng, đặc biệt là khi kết hợp với mạng xã hội để tạo ra mô hình thương mại xã hội. Theo thống kê từ Statista, doanh số Social Commerce (Thương mại xã hội) toàn cầu đạt 992 tỷ USD năm 2022 và có thể lên đến 2,9 nghìn tỷ USD vào năm 2026. Chính vì vậy, thương mại xã hội được đánh giá là một trong những xu hướng thương điện tử được đánh giá cao và có tiềm năng trong tương lai.

Truyền thông xã hội không chỉ giúp người tiêu dùng tiếp cận thông tin sản phẩm mà còn tạo môi trường tương tác, chia sẻ kinh nghiệm, từ đó ảnh hưởng mạnh mẽ đến quyết định mua hàng. Một nghiên cứu gần đây tại Vĩnh Long cho thấy các yếu tố như lợi ích chức năng (tiện lợi, hiệu quả, thông tin, chia sẻ kinh nghiệm), lợi ích tiền tệ (phiếu giảm giá, ưu đãi đặc biệt) và lợi ích mang tính khoái lạc (giải trí, vui vẻ) đều tác động tích cực đến hành vi mua hàng trực tuyến của người tiêu dùng (1).

Sự kết hợp giữa mạng xã hội và thương mại điện tử đã tạo ra một xu hướng mới, trong đó các nền tảng như Facebook, Instagram, TikTok không chỉ là nơi chia sẻ thông tin mà còn trở thành kênh bán hàng hiệu quả. Các siêu ứng dụng như WeChat tại Trung Quốc đã tích hợp cả chức năng mạng xã hội và thương mại điện tử, tạo ra hệ sinh thái khép kín, giúp người dùng vừa trò chuyện, chia sẻ vừa mua sắm mà không cần rời khỏi ứng dụng. Sự kết hợp này mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đối với doanh nghiệp, nó giúp tăng cường khả năng tiếp cận khách hàng, tạo kênh bán hàng mới, giảm chi phí marketing và tăng doanh thu. Chẳng hạn, việc sử dụng các KOL (Key Opinion Leaders) trên mạng xã hội giúp doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng đến đối tượng khách hàng mục tiêu và tăng cường uy tín thương hiệu. Vào năm 2024, Jennie - thành viên nhóm nhạc BLACKPINK, diện trang phục của thương hiệu Việt LSOUL là một minh chứng rõ ràng về tầm ảnh hưởng của KOL trong ngành thời trang. Cụ thể, khi Jennie mặc chiếc váy chấm bi của LSOUL trong một buổi phỏng vấn, sản phẩm này đã nhanh chóng thu hút sự chú ý và được săn đón bởi người hâm mộ. Trước đó, Jennie cũng đã mặc một thiết kế khác của LSOUL trong bài đăng quảng bá cho bộ sưu tập Jentle Salon, dẫn đến việc sản phẩm này "cháy hàng" với hơn 2.000 sản phẩm được bán ra chỉ trong vòng 15 phút (2).

Mẫu mini skirt Jennie diện gây sốt, 2.000 sản phẩm được bán ra chỉ trong vòng 15 phút.

Có thể thấy, đối với người tiêu dùng, mô hình này giúp họ có trải nghiệm mua sắm tiện lợi, dễ dàng tiếp cận thông tin sản phẩm, nhận đánh giá từ cộng đồng và tham gia vào các chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Tuy nhiên, sự kết hợp này cũng đối mặt với nhiều thách thức như vấn đề bảo mật thông tin, nguy cơ rò rỉ dữ liệu cá nhân và sự tin cậy của thông tin.

Truyền miệng điện tử (eWOM) và niềm tin của người tiêu dùng

Truyền miệng điện tử (eWOM) là một hình thức truyền thông mà người tiêu dùng chia sẻ trải nghiệm, đánh giá về sản phẩm hoặc dịch vụ trên các nền tảng trực tuyến. eWOM ảnh hưởng đáng kể đến niềm tin và định mua hàng của người tiêu dùng. Khác với truyền miệng truyền thống (WOM), eWOM có khả năng lan tỏa nhanh chóng và tiếp cận đến một lượng lớn người tiêu dùng trong thời gian ngắn. Theo nghiên cứu, eWOM có thể tác động mạnh mẽ đến nhận thức, thái độ và hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho thấy, truyền miệng điện tử tác động đến người tiêu dùng bằng cách tạo ra nội dung bình luận tích cực và ổn định tích cực, từ đó làm tăng niềm tin của người tiêu dùng và tăng ý định mua lại trực tuyến (3). Niềm tin của người tiêu dùng vào thông tin eWOM phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tính thuyết phục, độ tin cậy, độ chính xác và mức độ thu hút của thông tin. Sự tin cậy của thông tin eWOM được đo lường qua các yếu tố như: thông tin eWOM thuyết phục, đáng tin cậy, chính xác, thu hút nhiều người tham gia bình luận và đến từ những người có cùng sở thích trải nghiệm và sử dụng sản phẩm.

EWOM có khả năng lan tỏa nhanh chóng và tiếp cận đến một lượng lớn người tiêu dùng trong thời gian ngắn

Điều này cho thấy, khi thông tin eWOM được đánh giá là đáng tin cậy và phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng, nó sẽ có tác động tích cực đến niềm tin và ý định mua hàng của họ. Để tận dụng hiệu quả eWOM, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược truyền thông và tiếp thị phù hợp. Theo hướng dẫn từ Amazon Ads, tiếp thị doanh nghiệp là chiến lược được sử dụng bởi các doanh nghiệp hoặc tập đoàn lớn để tiếp cận đối tượng khách hàng rộng hơn và phát triển thương hiệu của họ. Chiến lược này bao gồm việc sử dụng các kênh truyền thông khác nhau nhằm tiếp cận đối tượng khách hàng mới và lan truyền nhận thức về thương hiệu.

Một chiến lược truyền thông hiệu quả cần bắt đầu bằng việc xác định rõ đối tượng khách hàng mục tiêu, hiểu rõ sở thích, tâm lý và hành vi của họ. Sau đó, doanh nghiệp cần xây dựng thông điệp truyền thông thuyết phục và lựa chọn các kênh truyền thông phù hợp để tiếp cận khách hàng mục tiêu. Ví dụ, việc sử dụng các kênh truyền thông xã hội, blog, diễn đàn và trang web đánh giá để khuyến khích khách hàng chia sẻ trải nghiệm và đánh giá về sản phẩm hoặc dịch vụ có thể giúp lan tỏa thông tin tích cực và tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chú trọng đến việc quản lý và phản hồi các thông tin eWOM, đặc biệt là những phản hồi tiêu cực, để duy trì và nâng cao uy tín thương hiệu. Tóm lại, eWOM đóng vai trò quan trọng trong việc ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng và định hình chiến lược truyền thông, tiếp thị của doanh nghiệp. Việc hiểu rõ và tận dụng hiệu quả eWOM sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng niềm tin nơi khách hàng, từ đó thúc đẩy hành vi mua sắm và tăng trưởng kinh doanh.

Mặc dù truyền thông mang lại nhiều lợi ích cho TMĐT, nhưng cũng đặt ra những thách thức. Thông tin sai lệch, đánh giá giả mạo có thể làm giảm niềm tin của người tiêu dùng. Do đó, doanh nghiệp cần chú trọng vào chất lượng sản phẩm, dịch vụ chăm sóc khách hàng và minh bạch trong thông tin để duy trì uy tín. Cơ hội nằm ở việc tận dụng truyền thông để tạo ra trải nghiệm mua sắm tốt hơn, cá nhân hóa và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Một số giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của truyền thông nhằm thúc đẩy mua sắm trực tuyến

Một là, tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) để cá nhân hóa nội dung tiếp thị. AI giúp doanh nghiệp phân tích hành vi mua sắm của người tiêu dùng, từ đó đưa ra các gợi ý sản phẩm phù hợp, tối ưu hóa quảng cáo và xây dựng chiến lược nội dung hiệu quả hơn. Theo báo cáo năm 2024 của McKinsey, việc áp dụng AI trong quảng cáo có thể tăng tỷ lệ chuyển đổi lên đến 30% so với phương pháp truyền thống. (4) Nhờ khả năng phân tích dữ liệu theo thời gian thực và thuật toán học sâu, AI giúp doanh nghiệp nắm bắt nhanh chóng nhu cầu khách hàng và tối ưu hóa chiến lược tiếp cận. Chẳng hạn, các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada hay Amazon sử dụng AI để hiển thị sản phẩm dựa trên lịch sử tìm kiếm và mua sắm của từng cá nhân, giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi. Ngoài ra, dữ liệu lớn giúp doanh nghiệp dự đoán xu hướng tiêu dùng, từ đó tạo ra các chiến dịch marketing kịp thời và chính xác.

Hai là, tận dụng Influencer Marketing và Livestream Shopping để gia tăng độ tin cậy và khả năng tác động đến quyết định mua hàng. Người tiêu dùng ngày nay không chỉ quan tâm đến thông tin sản phẩm từ thương hiệu mà còn bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các đánh giá từ người có ảnh hưởng (KOLs, KOCs). Theo báo cáo của Influencer Marketing Hub, 63% người tiêu dùng tin tưởng vào đánh giá của influencer hơn là quảng cáo truyền thống. Bên cạnh đó, Livestream Shopping đã trở thành xu hướng bùng nổ, đặc biệt tại thị trường châu Á. Tại Trung Quốc, doanh số từ livestream đạt 480 tỷ USD vào năm 2022 (theo eMarketer), với các nền tảng như Taobao Live, Douyin (TikTok Trung Quốc) dẫn đầu thị trường (5). Doanh nghiệp có thể kết hợp livestream với ưu đãi độc quyền, tương tác trực tiếp với khách hàng để tăng tỷ lệ chốt đơn ngay trong buổi phát sóng. TikTok Shop, Shopee Live và Facebook Live cũng đang dần trở thành kênh bán hàng quan trọng tại Việt Nam, giúp thương hiệu kết nối tốt hơn với khách hàng và tăng doanh thu hiệu quả.

Ba là, thực hiện chiến lược tiếp thị nội dung đa kênh kết hợp tối ưu hóa SEO trên mạng xã hội sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng một cách bền vững. Người tiêu dùng ngày nay tiếp nhận thông tin từ nhiều nền tảng khác nhau như Facebook, Instagram, TikTok, YouTube, Google và các sàn thương mại điện tử. Vì vậy, doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống nội dung nhất quán trên tất cả các kênh, từ bài viết blog, video ngắn, hình ảnh quảng cáo đến nội dung tương tác như mini-game hay thử thách hashtag. Đặc biệt, tối ưu SEO trên các nền tảng tìm kiếm và mạng xã hội giúp thương hiệu gia tăng khả năng hiển thị. Ví dụ, YouTube và TikTok đều có thuật toán ưu tiên nội dung chứa từ khóa liên quan đến xu hướng tìm kiếm của người dùng. Các bài đăng có sử dụng từ khóa SEO hợp lý có thể tăng lượt tiếp cận tự nhiên lên đến 70%. Bằng cách kết hợp nội dung hấp dẫn với chiến lược SEO hiệu quả, doanh nghiệp có thể thu hút lượng lớn khách hàng tiềm năng và duy trì sự hiện diện mạnh mẽ trong môi trường số.

Nguyễn Phan Yến Nhi

...