Cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân trong Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Việt Nam là minh chứng sinh động về sự nhạy bén của Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhận định tình hình, dự kiến thời cơ và chỉ đạo chớp thời cơ lịch sử để khởi nghĩa thành công.
Phát triển hoàn chỉnh hệ thống các quan điểm và lựa chọn hình thức, phương pháp cách mạng phù hợp
Vai trò quyết định của Ðảng Cộng sản Việt Nam trong Cách mạng Tháng Tám trước thể hiện ở sự phát triển hoàn chỉnh hệ thống các quan điểm về cách mạng giải phóng dân tộc và lựa chọn hình thức, phương pháp cách mạng phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể.
Những quan điểm cơ bản chỉ đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc được thể hiện rõ nét qua các hội nghị Trung ương Ðảng (tháng 11/1939 và tháng 11/1940) và nhất là Hội nghị Trung ương tám (tháng 5/1941). Đó là đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Hội nghị Trung ương tháng 11/1939 chỉ rõ: "Bước đường sinh tồn của các dân tộc Ðông Dương không có con đường nào khác hơn là đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng độc lập". Hội nghị Trung ương tám (tháng 5/1941) nhấn mạnh: "Nhiệm vụ giải phóng dân tộc, độc lập cho đất nước là một nhiệm vụ trước tiên của Ðảng ta". "Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới quyền lợi giải phóng của toàn thể dân tộc".
Về hình thức, Đảng chủ trương động viên, tổ chức và đoàn kết lực lượng của toàn dân trong Mặt trận Dân tộc thống nhất nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần dân tộc, yêu nước để thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc. Mặt trận được xây dựng hệ thống tổ chức chặt chẽ và bao gồm các đoàn thể cứu quốc. Ðảng lãnh đạo Mặt trận bằng cách đưa quan điểm, chính sách vào các đoàn thể và hoạt động của Mặt trận và thông qua các đảng viên tham gia Mặt trận và đoàn thể.
Về phương pháp cách mạng, Ðảng đặt nhiệm vụ khởi nghĩa vũ trang để giành độc lập, giành chính quyền là nhiệm vụ trung tâm. Hội nghị Trung ương tám (tháng 5/1941) xác định: “Cuộc cách mạng Ðông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa võ trang”. Phải chuẩn bị lực lượng sẵn sàng để “với lực lượng đó, ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn".
Trên quan điểm đó, Ðảng ta đã chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng. Sau khởi nghĩa Bắc Sơn (ngày 27/9/1940), Ðảng chủ trương phát triển lực lượng vũ trang từ đội du kích Bắc Sơn, xây dựng căn cứ địa Bắc Sơn-Vũ Nhai, xây dựng cứu quốc quân.
Ngày 28/1/1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước và trực tiếp chỉ đạo xây dựng căn cứ địa cách mạng ở Cao Bằng. Tại các căn cứ địa lực lượng chính trị của quần chúng tập hợp trong Mặt trận Việt Minh ngày càng phát triển rộng lớn. Từ lực lượng chính trị đó phát triển lực lượng vũ trang. Những vấn đề về chính quyền, về kinh tế, xã hội cũng được đặt ra và thực hiện ở vùng căn cứ địa cách mạng.
Phân tích, dự báo thời cơ, chuẩn bị lực lượng sẵn sàng khởi nghĩa
Từ năm 1940-1945, tình hình quốc tế và trong nước biến chuyển sôi động, nhanh chóng, xuất hiện không chỉ thời cơ thuận lợi mà cả những thách thức, nguy cơ đối với cách mạng nước ta. Trong bối cảnh ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự mẫn cảm đặc biệt trong phân tích, đánh giá tình hình, dự báo xu thế và triển vọng của cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta đã mau chóng đưa ra những quyết định sáng suốt, kịp thời. Đây là thời kỳ thể hiện nổi bật nhất sự lãnh đạo, chỉ đạo nhạy bén, sáng suốt của Đảng gắn liền mật thiết với tầm nhìn xa trông rộng, trí tuệ và mưu lược, sáng tạo và bản lĩnh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh.
Năm 1944, tình hình thế giới có những chuyển biến mau lẹ, phong trào cách mạng trong nước đã phát triển mạnh mẽ. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong "Thư gửi đồng bào toàn quốc" tháng 10/1944 đã chỉ rõ: “Cơ hội cho dân tộc ta, giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc một năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh”. Người chỉ thị thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (ngày 22/12/1944).
Ngày 9/3/1945 phát xít Nhật đảo chính gạt bỏ thực dân Pháp để độc chiếm Ðông Dương. Thường vụ Trung ương Ðảng đã kịp thời ra bản chỉ thị lịch sử: Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta (ngày 12/3/1945). Chỉ thị nêu rõ kẻ thù của cách mạng là phát xít Nhật, vì vậy khẩu hiệu là Ðánh đuổi phát xít Nhật. Ðảng đã phát động cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ để làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa. Ðây là thời kỳ tiền khởi nghĩa, phải thay đổi mọi hình thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức và đấu tranh cho phù hợp. Sẵn sàng chuyển sang tổng khởi nghĩa.
Chỉ thị của Trung ương cũng phân tích thời cơ cách mạng và cho rằng những cơ hội tốt đang giúp cho những điều kiện khởi nghĩa mau chín muồi. Những điều kiện thuận lợi đó là: chính trị khủng hoảng, kẻ thù hoang mang không rảnh tay đối phó với cách mạng; nạn đói làm cho quần chúng căm ghét quân cướp nước; chiến tranh thế giới đến giai đoạn quyết liệt. Ðồng minh sẽ đổ bộ vào Ðông Dương để đánh Nhật. Những điều kiện để khởi nghĩa mà chỉ thị của Trung ương nêu ra đã là định hướng quan trọng để các đảng bộ địa phương chủ động phát động và lãnh đạo khởi nghĩa. Bản Chỉ thị còn chủ trương phá kho thóc gạo của đế quốc để cứu đói, lập Ủy ban Quân sự cách mạng và xây dựng chính quyền (các Ủy ban Dân tộc giải phóng và Ủy ban nhân dân cách mạng).
Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, cao trào cách mạng phát triển mạnh mẽ. Tháng 4/1945 các lực lượng vũ trang cách mạng thống nhất thành Việt Nam giải phóng quân. Ngày 4/6/1945, thành lập Khu Giải phóng Việt Bắc với sáu tỉnh như là căn cứ địa của cách mạng cả nước. Tổ chức Việt Minh phát triển rộng khắp trên cả nước. Không chỉ ở căn cứ địa, ở vùng nông thôn mà phong trào ở đô thị cũng phát triển mạnh mẽ, nhất là phong trào công nhân, học sinh, sinh viên trí thức.
“Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta"
Tháng 5/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Cao Bằng về Tuyên Quang. Tại Tân Trào (Tuyên Quang) đã diễn ra Hội nghị Toàn quốc của Ðảng họp ngày 14 và 15/8/1945. Lúc này phong trào cách mạng của toàn dân đang diễn ra sôi sục trong cả nước. Ðảng ta nhận định "cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới". Lệnh Khởi nghĩa - Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa - được ban bố: Chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng! Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta.
Cũng ở thời điểm lịch sử đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh có Thư Kêu gọi tổng khởi nghĩa nêu rõ: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta".
Hưởng ứng lời hiệu triệu đó, toàn dân ta đã nhất tề đứng dậy tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám long trời lở đất, giành lại chính quyền về tay nhân dân. Tiếng sấm Tháng Tám nổ ra vào khoảng giữa thế kỷ 20, diễn ra trong vòng 15 ngày và đã giành thắng lợi vĩ đại. Từ đây chấm dứt hàng nghìn năm đô hộ của phong kiến, hàng trăm năm thực dân đế quốc cướp đi của dân ta quyền sống, quyền làm người.
Cách mạng Tháng Tám không mang phép màu nào trong lòng nó. Ðây là cuộc cách mạng do Ðảng ta, một Ðảng tiên phong của giai cấp, của dân tộc, khi ấy mới 15 tuổi, với khoảng năm nghìn đảng viên dẫn đường. Ý lớn và chí lớn của Ðảng, của Bác Hồ đã gặp ý chí đoàn kết, sức mạnh vô địch của toàn dân, thắp lên ngọn lửa cháy bùng thời đại, phù hợp với xu thế phát triển của nhân loại. Không lâu sau đó, ngày 2/9/1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Ðông Nam Á ra đời. Tuyên ngôn Ðộc lập như hịch truyền sông núi, vang vọng trên đất nước bên bờ sóng Biển Ðông, thức tỉnh các dân tộc đang bị áp bức trên toàn thế giới hãy vùng lên tự cứu mình.
Tầm vóc lịch sử của Cách mạng Tháng Tám, không chỉ làm thay đổi cuộc sống, số phận của nhân dân ta, xóa bỏ ách thống trị trong 80 năm của đế quốc thực dân và chế độ phong kiến, đưa nhân dân ta ra khỏi cảnh lầm than nô lệ, tiến tới tự do và làm chủ mà còn mở ra triển vọng tốt đẹp nhất trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam thời hiện đại. Đây là cuộc hồi sinh vĩ đại của 20 triệu dân ta, xác nhận tính chính xác đến kỳ diệu dự báo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh và từ đó đến nay - 78 năm qua, dân tộc Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, lần lượt đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ và mới, giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất đất nước và tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, kiên trì đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để tạo nên thế và lực của cách mạng Việt Nam ngày nay./.
Phương Anh TTXVN (tổng hợp)