29/03/2024 lúc 16:25 (GMT+7)
Breaking News

Sử dụng công cụ kinh tế nhằm thúc đẩy tiêu dùng bền vững ở Việt Nam hiện nay

Thúc đẩy tiêu dùng bền vững là yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững dựa vào việc đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế dài hạn gắn với bảo vệ môi trường. Thuế và những công cụ dựa vào thị trường là một phương thức hiệu quả để nhà nước tác động đến hành vi tiêu dùng của xã hội.

Bài viết tập trung phân tích vai trò của các công cụ kinh tế trong thúc đẩy tiêu dùng bền vững ở Việt Nam, trên cơ sở đó, đề xuất những giải pháp sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế trong thúc đẩy tiêu dùng bền vững ở Việt Nam hiện nay.

Ảnh minh họa - Internet

Những năm gần đây, phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách và xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của nhân loại. Quá trình phát triển có bền vững hay không phụ thuộc vào hiệu quả và mức độ khai thác, sử dụng tài nguyên của các nhà sản xuất và người tiêu dùng. Quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa làm gia tăng tiêu dùng trong sản xuất và tiêu dùng cá nhân, gây ra các vấn về môi trường như ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, ảnh hưởng đến thế hệ tương lai.

Thực tế phát triển ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam cho thấy, chúng ta đã và đang sử dụng quá nhiều tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực môi trường để tạo ra một mức tăng trưởng kinh tế thấp hơn - đó là sản xuất không bền vững. Đồng thời, chúng ta lại sử dụng không hiệu quả những sản phẩm đã được sản xuất ra để đáp ứng nhu cầu cuộc sống của con người. Sự lãng phí và không hiệu quả trong tiêu dùng khiến cho chất lượng cuộc sống của con người tuy được cải thiện trong những năm qua, nhưng với tốc độ chậm hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế - đó là tiêu dùng không bền vững.

Hội nghị thượng đỉnh thế giới Rio De Janeiro về Môi trường và phát triển năm 1992 chỉ rõ: “Nguyên nhân chính của việc môi trường toàn cầu tiếp tục bị suy thoái đó là những mô hình sản xuất và tiêu dùng không bền vững… đây là vấn đề đáng lo ngại, làm cho tình trạng đói nghèo và mất cân bằng trở nên tồi tệ”(1).

Thúc đẩy tiêu dùng bền vững là khía cạnh quan trọng của phát triển bền vững dựa vào việc đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế dài hạn gắn với bảo vệ môi trường và nhu cầu của xã hội. “Hầu hết chính sách của chính phủ các nước là nhằm hạn chế tác động môi trường của các hoạt động sản xuất công nghiệp thiếu bền vững thông qua quy định và thuế. Thúc đẩy tiêu dùng bền vững trở thành nhân tố quan trọng trong việc hạn chế những ngoại ứng tiêu cực lên môi trường và xã hội cũng như là một cách để cung cấp cho thị trường những sản phẩm bền vững”(2).

Có thể thấy, tiêu dùng bền vững không chỉ ở một số quốc gia phát triển mà nó còn là xu thế tiêu dùng ngày nay. Vì vậy, các quốc gia trong đó có Việt Nam cần có những chính sách thúc đẩy tiêu dùng bền vững để có thể tham gia tích cực vào xu hướng toàn cầu, bảo đảm cho sự phát triển bền vững, đồng thời, quản lý và sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

1. Vai trò của các công cụ kinh tế trong thúc đẩy tiêu dùng bền vững ở Việt Nam

Từ nhu cầu thực tế của quá trình phát triển, các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách đã tìm ra những giải pháp trên cơ sở lý thuyết kinh tế học, nhằm thay đổi hành vi của doanh nghiệp và người tiêu dùng - yếu tố được xem là nguyên nhân trực tiếp làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường. Bằng việc sử dụng các công cụ kinh tế, dựa vào thị trường để tác động đến lợi ích của nhà sản xuất và người tiêu dùng, hành vi tiêu dùng và sử dụng tài nguyên được điều chỉnh. Qua cơ chế đó, nhà nước có thể tác động hạn chế sử dụng lãng phí năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, đồng thời khuyến khích tiêu dùng bền vững ở khu vực doanh nghiệp và dân cư.

Công cụ kinh tế thúc đẩy tiêu dùng bền vững là công cụ mà Nhà nước đề ra, sử dụng để tác động vào đối tượng quản lý (doanh nghiệp, người tiêu dùng) nhằm đạt được mục tiêu quản lý của nhà nước về tài nguyên, môi trường và mục tiêu phát triển bền vững. Các công cụ kinh tế thường dùng như thuế bảo vệ môi trường, phí bảo vệ môi trường, đặt cọc - hoàn trả, quỹ môi trường và nhãn sinh thái.

Trên lý thuyết và thực tế, việc sử dụng công cụ kinh tế để thúc đẩy tiêu dùng bền vững về thực chất là việc thực hiện các khuyến khích và trừng phạt tài chính để tăng cường năng lực, động lực và sự tự nguyện, tự giác thực hiện các nghĩa vụ, các hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm tiết kiệm tài nguyên, năng lượng và tiêu dùng các sản phẩm bền vững của doanh nghiệp và người tiêu dùng; đồng thời, bảo đảm phân phối công bằng các lợi ích thụ hưởng và các chi phí phải gánh chịu cho mục đích tiêu thụ bền vững tài nguyên, năng lượng, các sản phẩm sau sản xuất, bảo vệ môi trường.

Một là, các công cụ kinh tế góp phần nâng cao ý thức của doanh nghiệp trong khai thác tài nguyên thiên nhiên, đổi mới công nghệ sản xuất, tạo ra những sản phẩm bền vững, thân thiện với môi trường

Các công cụ kinh tế không ra lệnh cho các chiến lược kiểm soát mà những người gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm nhưng nó có tác động đến hoạt động kinh tế một cách tích cực để phát triển và lựa chọn chi phí kiểm soát hiệu quả mà không theo quy ước nào. Thuế tài nguyên, giấy phép, quota ô nhiễm là những công cụ hữu ích trong việc quản lý tài nguyên; khuyến khích bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên. Từ đó, hạn chế việc tiêu dùng lãng phí tài nguyên đất, nước, khoáng sản trong sản xuất.

Thuế bảo vệ môi trường thúc đẩy doanh nghiệp trong việc tìm kiếm các biện pháp nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh, áp dụng các công nghệ sản xuất sạch, tiên tiến, sử dụng các nguyên liệu thay thế nguyên liệu hóa thạch để sản xuất ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, góp phần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên.

Mặc dù mức thuế bảo vệ môi trường đang áp dụng cho túi nilon ở Việt Nam còn thấp so với các nước nhưng thuế bảo vệ môi trường đã có những tác động đến khuyến khích sản xuất và tiêu dùng bền vững ở Việt Nam. Nhiều hệ thống siêu thị, khách sạn như Saigon Co.op, WinMart, Lotte,… đã dần chuyển sang sử dụng các sản phẩm bằng giấy, túi đựng thân thiện môi trường để đựng hàng cho khách. 

Trên lý thuyết và thực tế, việc sử dụng công cụ kinh tế để thúc đẩy tiêu dùng bền vững về thực chất là việc thực hiện các khuyến khích và trừng phạt tài chính để tăng cường năng lực, động lực và sự tự nguyện, tự giác thực hiện các nghĩa vụ, các hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm tiết kiệm tài nguyên, năng lượng và tiêu dùng các sản phẩm bền vững của doanh nghiệp và người tiêu dùng; đồng thời, bảo đảm phân phối công bằng các lợi ích thụ hưởng và các chi phí phải gánh chịu cho mục đích tiêu thụ bền vững tài nguyên, năng lượng, các sản phẩm sau sản xuất, bảo vệ môi trường.

Tháng 6-2019, “đã có 9 công ty hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì bắt tay nhau thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam) với cùng chung mong muốn góp phần vì Việt Nam xanh-sạch-đẹp, thông qua việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, làm cho quá trình thu gom và tái chế bao bì sản phẩm được thực hiện theo cách dễ tiếp cận hơn và bền vững hơn”(3).

Với chính sách khuyến khích sản xuất và sử dụng xăng, dầu sinh học, Luật Thuế bảo vệ môi trường hiện hành quy định chỉ thu đối với xăng dầu gốc hóa thạch (xăng khoáng), không thu thuế đối với etanol. Thêm vào đó, “thuế tiêu thụ đặc biệt cũng quy định thuế suất ưu đãi đối với xăng sinh học E5 (5% etanol) là 8%, E10 (10% etanol) là 7%. Như vậy, trường hợp xăng khoáng và xăng E5 cùng một giá tính thuế thì giá xăng E5 thấp hơn giá xăng khoáng là 3% (thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng khoáng là 10%). Bộ Tài chính cho rằng việc điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, cùng với giải pháp khác (như quy định mức thuế tiêu thụ đặc biệt ưu đãi đối với xăng sinh học) sẽ góp phần khuyến khích sản xuất và sử dụng xăng dầu sinh học, hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường”(4).

Hai là, nâng cao ý thức tiêu dùng hướng đến lối sống xanh

Các công cụ kinh tế hướng tới sức mạnh của thị trường, chúng tác động đến quyền lợi kinh tế của các cá nhân, doanh nghiệp. Do đó, việc sử dụng tài nguyên luôn phải tiết kiệm và hiệu quả nhất mà không ảnh hưởng tới doanh thu và lợi nhuận. Bên cạnh những công cụ kinh tế về thuế, phí bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt giúp điều chỉnh giá xăng dầu, giá điện và giá nước, có tác động trực tiếp đến quyết định và thói quen tiêu dùng của người dân thông qua giá cả.

Chương trình nhãn xanh Việt Nam cũng là một công cụ hữu hiệu trong việc thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Thông qua chương trình nhãn sinh thái, nhãn tiết kiệm năng lượng, nhãn bông sen xanh… người tiêu dùng được cung cấp những thông tin liên quan đến sức khỏe, sự ảnh hưởng đến môi trường, mức tiêu thụ năng lượng của những sản phẩm mà họ tiêu dùng. Do đó, người tiêu dùng sẽ quyết định lựa chọn những sản phẩm có gắn nhãn sinh thái như là một chỉ báo giúp họ nhận biết những sản phẩm có lợi cho sức khỏe, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, phát triển lối sống xanh và bền vững. Đồng thời, khi sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, người tiêu dùng đã gián tiếp thực hiện hành vi có lợi cho bảo vệ môi trường. Ví dụ như các sản phẩm điều hòa không khí có dán nhãn năng lượng, nghĩa là sản phẩm tiết kiệm điện sẽ được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.

Mặt khác, thói quen tiêu dùng bền vững của người tiêu dùng tạo ra xu thế và thị hiếu tiêu dùng, làm tăng lượng cầu về các sản phẩm thân thiện với môi trường. Thông qua cơ chế thị trường, tín hiệu này sẽ tác động đến kế hoạch sản xuất, các nhà sản xuất phải quan tâm đến các yếu tố bảo vệ môi trường, sản xuất ra những sản phẩm chất lượng tốt hơn, sử dụng ít tài nguyên hơn, góp phần nâng cao ý thức của nhà sản xuất trong đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất thân thiện với môi trường.

Ba là, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường, doanh nghiệp tham gia vào đổi mới công nghệ sản xuất đều được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất, nhập khẩu. Các doanh nghiệp này được hưởng các ưu đãi về thuế nên giá thành sản phẩm thấp hơn, tạo nên lợi thế cạnh tranh về giá so với các doanh nghiệp khác, nhờ vậy, tăng lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất và tiêu thụ bền vững.

Ngoài ra, các ưu đãi kèm theo chứng chỉ về nhãn sinh thái khuyến khích doanh nghiệp tham gia, thực hiện gắn nhãn sinh thái trên các sản phẩm của mình, nhờ đó, tạo ra lợi ích kép cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tham gia chương trình Nhãn xanh Việt Nam được hưởng các ưu đãi về thuế của Nhà nước, đồng thời, việc gắn nhãn sinh thái lên các sản phẩm giúp doanh nghiệp nâng cao lợi thế cạnh tranh, tăng tính nhận diện các sản phẩm bền vững đối với người tiêu dùng.

Những năm gần đây, xu thế của người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn những sản phẩm, hàng hóa không chỉ quan tâm chất lượng, mẫu mã, giá cả mà còn xem xét đến các yếu tố sức khỏe và mức độ thân thiện với môi trường của sản phẩm. Nhãn sinh thái chính là một chứng chỉ xanh để sản phẩm của các doanh nghiệp có thể đứng vững trên thị trường trong nước và cũng như xuất khẩu sang các thị trường có đòi hỏi khắt khe về yếu tố sản xuất thân thiện với môi trường như Mỹ, EU.

Hiện nay, “nhiều sản phẩm của một số công ty đã được chứng nhận nhãn xanh Việt Nam là Bóng đèn huỳnh quang của Công ty Cổ phần bóng đèn Điện Quang, Sơn phủ dùng trong sơn xây dựng của Công ty TNHH Sơn Jotun Việt Nam, Máy in của công ty Fuji Xerox Asia Pacific Pte Ltd, Ắc quy của Công ty TNHH Ắc quy GS Việt Nam...”(5). Khi thực hiện Chương trình Nhãn xanh Việt Nam, các doanh nghiệp này đã tạo dựng được hình ảnh doanh nghiệp tuân thủ pháp luật Việt Nam; thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với cộng đồng; gia tăng uy tín trên thị trường và lợi thế ưu tiên trong các quyết định mua sắm của Chính phủ. Những lợi thế cạnh tranh này giúp doanh nghiệp nâng cao lợi nhuận và tạo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Bốn là, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường, thúc đẩy các dự án tiêu dùng bền vững.

Một trong những công cụ tài chính trong bảo vệ môi trường, thúc đẩy tiêu dùng bền vững là thuế bảo vệ môi trường. “Thu thuế bảo vệ môi trường chính là công cụ để bù đắp, khắc phục tổn hại về môi trường, thông qua chương trình chi tiêu của Chính phủ”(7). Thuế bảo vệ môi trường là một trong những sắc thuế bảo đảm cân đối và cơ cấu lại ngân sách.

Từ khi áp dụng thuế bảo vệ môi trường (năm 2012), “tổng thu từ sắc thuế này liên tục tăng (tăng 6 lần, từ hơn 11.000 tỷ đồng năm 2012, lên gần 69.000 tỷ đồng dự thu năm 2019), trong đó, xăng, dầu đóng góp hơn 90%. Theo thống kê của Bộ Tài chính, tổng chi ngân sách nhà nước cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường giai đoạn 2013-2018 là 72.422 tỷ đồng”(8).

Có thể thấy, sau 7 năm thực hiện (2012-2019), thuế bảo vệ môi trường đã đóng góp vào thu ngân sách nhà nước, bù đắp chi phí cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, không thể nhìn vào con số thu, chi thuế bảo vệ môi trường để đánh giá hiệu quả sử dụng thuế bảo vệ môi trường hoặc đánh giá mức thu cao hơn mức chi cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Theo các chuyên gia, thuế bảo vệ môi trường mới chỉ tính toán cho một số mặt hàng mang tính hủy hoại môi trường trực tiếp như xăng, dầu, nilon,... còn nhiều vấn đề liên quan tới môi trường chưa được tính đến. Trong khi đó, các khoản chi cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường cũng mới chỉ tính đến những khoản chi trực tiếp cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Cần phải nhìn rộng ra, các khoản chi khác, tuy không liệt kê vào chi bảo vệ môi trường, nhưng lại có tác dụng làm môi trường tốt hơn, tiêu dùng bền vững hơn, ví dụ như dự án làm đường cao tốc, phát triển phương tiện công cộng (xe buýt, đường sắt đô thị,...), các chương trình công nghệ ứng dụng công nghệ xanh, bền vững.

2. Một số giải pháp sử dụng hiệu quả công cụ kinh tế thúc đẩy tiêu dùng bền vững ở Việt Nam hiện nay

Trong nhiều biện pháp để thúc đẩy tiêu dùng bền vững, công cụ kinh tế tỏ ra hiệu quả khi thông qua cơ chế thị trường tác động đến hành vi tiêu dùng của cả khu vực doanh nghiệp và cá nhân. Để sử dụng hiệu quả công cụ kinh tế trong thúc đẩy tiêu dùng bền vững, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ luật pháp, cơ chế chính sách, đến các yếu tố nâng cao năng lực triển khai (tổ chức thực hiện, truyền thông, cơ chế tài chính, thanh tra, kiểm tra, xử phạt, công nghệ xử lý môi trường...).

Một là, cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường

Cơ chế chính sách bảo vệ môi trường chưa phù hợp với thể chế kinh tế thị trường. Các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường, thúc đẩy tiêu dùng bền vững chưa phát huy được vai trò điều tiết vĩ mô, hạn chế các hoạt động tiêu dùng quá mức trong sản xuất kinh doanh và tiêu dùng không bền vững của cá nhân. Các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 chưa tạo ra hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi để khuyến khích sản xuất, tiêu thụ bền vững, phát triển dịch vụ môi trường, sản phẩm, hàng hóa thân thiện với môi trường, khuyến khích xã hội hóa trong một số hoạt động bảo vệ môi trường.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bổ sung một chương quy định về các công cụ kinh tế và nguồn lực cho bảo vệ môi trường. Theo đó, một số chính sách về phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường đã được bổ sung; đối với dự án, nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước thì ưu tiên thực hiện mua sắm xanh; thúc đẩy khai thác, sử dụng và phát triển vốn tự nhiên; đặc biệt là thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, chính sách về tín dụng xanh, trái phiếu xanh cũng được bổ sung để huy động đa dạng các nguồn lực xã hội vào bảo vệ môi trường.

Mặc dù Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có bổ sung một số công cụ kinh tế vào các điều khoản trong luật nhưng cơ sở pháp lý nhằm triển khai các công cụ kinh tế khác trên thực tế như đặt cọc - hoàn trả và các công cụ hỗ trợ đổi mới cơ chế chính sách vẫn chưa được ban hành. Các văn bản dưới luật để cụ thể hóa luật và chính sách của Nhà nước về việc sử dụng các công cụ kinh tế trong thực tiễn nhằm thúc đẩy tiêu dùng bền vững, triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam còn thiếu đồng bộ. Chính vì vậy, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quản lý môi trường là nhiệm vụ cấp bách hiện nay, trong đó, cần bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật, quy định dưới luật nhằm hướng dẫn cụ thể việc triển khai các chính sách của Nhà nước. Từ đó, củng cố, làm rõ nét vai trò của các công cụ kinh tế và sử dụng nó một cách hiệu quả nhất.  

Hai là, tăng cường công tác nghiên cứu và từng bước triển khai áp dụng pháp luật sử dụng các công cụ kinh tế trong thúc đẩy tiêu dùng bền vững

Pháp luật sử dụng các công cụ kinh tế trong thúc đẩy tiêu dùng bền vững và bảo vệ môi trường đã được luật hóa trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách. Việc triển khai thực hiện, cụ thể hóa các quy định trong Luật này vào thực tiễn một cách hiệu quả đòi hỏi có những công trình nghiên cứu khoa học, thí điểm ứng dụng trong thực tiễn. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, triển khai thí điểm và nhân rộng mô hình ứng dụng trên phạm vi toàn quốc. Đồng bộ hóa pháp luật về sử dụng các công cụ kinh tế trong thúc đẩy tiêu dùng bền vững với các công cụ kỹ thuật, hành chính và truyền thông.

Trước hết, cần xây dựng định hướng, nghiên cứu về cơ chế, chính sách đẩy mạnh kinh tế hóa ngành môi trường. Để có được bức tranh tổng thể để đưa ra định hướng xây dựng chính sách, cần thực hiện điều tra, khảo sát, đánh giá khả năng, tiềm năng đóng góp vào thu ngân sách nhà nước và tăng trưởng GDP của toàn ngành môi trường. Đồng thời, đánh giá thực trạng thực hiện các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành. Các đối tượng đánh giá là thuế, phí bảo vệ môi trường, tiền bồi thường thiệt hại về môi trường theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, các nguồn thu từ xử phạt vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, cơ chế ký quỹ, đặt cọc, hoàn trả, chi trả dịch vụ môi trường hay các hoạt động cung ứng dịch vụ môi trường. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế về vận dụng các công cụ kinh tế trong quản lý nhà nước về môi trường, rút ra bài học ứng dụng phù hợp điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam.

Thứ hai, xây dựng kế hoạch, ban hành cơ chế để từng bước cụ thể hóa pháp luật về công cụ kinh tế trong quản lý môi trường, từng bước thực hiện chủ trương kinh tế hóa ngành môi trường. Kinh tế hóa ngành môi trường trước hết đòi hỏi phải xây dựng và phát triển các thị trường trong lĩnh vực môi trường. Khi thị trường được xác lập các chủ thể hoạt động theo nguyên tắc và cơ chế thị trường trong công tác bảo vệ môi trường, tiêu dùng bền vững có sự tham gia, quản lý của Nhà nước. Áp dụng các nguyên tắc của kinh tế thị trường vào lĩnh vực môi trường như: người gây ô nhiễm trả tiền, vận dụng nguyên tắc cung - cầu, khuyến khích gia tăng lượng cầu đối với các sản phẩm bền vững, từ đó thay đổi hành vi sản xuất của nhà sản xuất hoặc đổi mới công nghệ, tìm nguyên liệu thay thế... Đồng thời, áp dụng cơ chế chi trả dịch vụ sinh thái, tham gia thị trường cácbon, thực hiện cơ chế chuyển nhượng, trao đối quyền, giấy phép phát thải. Xây dựng cơ chế định giá, hạch toán môi trường, xây dựng các công cụ kinh tế, pháp luật về thuế bảo vệ môi trường phù hợp với cơ chế thị trường.

Ba là, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền, giáo dục

Nhằm tạo tiền đề cho công cụ kinh tế phát huy hiệu quả, cần phải đẩy mạnh sử dụng công cụ kinh tế kết hợp với công cụ giáo dục, truyền thông để phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân về tiêu dùng bền vững, hình thành thói quen lành mạnh, lối sống thân thiện với môi trường.

Khi ban hành các chính sách thuế về bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt,… cần kết hợp với tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu được ý nghĩa của việc thu thuế, không chỉ là khoản thu về cho ngân sách nhà nước mà nó còn có ý nghĩa bảo vệ môi trường, khuyến khích những hành vi sản xuất và tiêu dùng bền vững. Từ đó, tạo ra được hiệu ứng lan tỏa và tự giác chấp hành của các đối tượng nộp thuế.

Đối với chương trình dán nhãn sinh thái, cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đến các doanh nghiệp, marketing cho nhãn sinh thái tại Việt Nam nhằm quảng bá, thu hút sự tham gia của các nhà sản xuất, phân phối hướng tới việc cung ứng các sản phẩm dịch vụ thân thiện với môi trường. Đồng thời, có chiến dịch tuyên truyền, thông tin đến người tiêu dùng để họ nhận biết những lợi ích về sức khỏe khi sử dụng những sản phẩm được gắn nhãn sinh thái.

_________________

(1)  Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về Môi trường và phát triển: Chương trình nghị sự 21, Chương 4.3, Rio de Janeiro (Braxin), 1992.

(2)  OECD: Promoting sustainable consumption – Good practices in OECD countries, 2008.

(3)  Bộ Công thương: Nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa. https://moit.gov.vn/bao-ve-moi-truong/no-luc-giam-thieu-rac-thai-nhua.html, ngày truy cập 31-8-2022.

(4)  Đại đoàn kết: Không ưu đãi thuế bảo vệ môi trường với xăng E5. http://daidoanket.vn/khong-uu-dai-thue-bao-ve-moi-truong-voi-xang-e5-399897.html, ngày truy cập: 31-8-2022.

(5)  “Nhãn xanh Việt Nam”: Xu thế mới trong phát triển xanh. https://vneconomy.vn/nhan-xanh-viet-nam-xu-the-moi-trong-phat-trien-xanh.htm, ngày truy cập: 31-8-2022.

(6)  Hoàn thiện pháp luật về thuế bảo vệ môi trường. https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2227, ngày truy cập 31-8-2022.

(7)  Thu thuế bảo vệ môi trường không phải chỉ chi cho môi trường. https://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/su-kien-tai-chinh/thu-thue-bao-ve-moi-truong-khong-phai-chi-chi-cho-moi-truong-136330.html, ngày truy cập: 31-8-2022.

(8)  Thu - chi thuế bảo vệ môi trường: Hiệu quả đến đâu. http://www.hanoimoi.com.vn/ban-in/Khoa-hoc/948266/thu---chi-thue-bao-ve-moi-truong-hieu-qua-den-dau, ngày truy cập: 31-8-2022.

ThS LÊ BẢO NGỌC

Tạp chí Lý luận chính trị,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 
...