VNHN - Sông Hương không chỉ là một biểu tượng mà còn là niềm tự hào của người dân cố đô Huế. Sông Hương là quà tặng vô giá mà tạo hóa đã dành riêng cho cố đô. Con sông này là yếu tố có tính quyết định để người xưa chọn Huế làm kinh đô, là nơi hội tụ của cảnh quan và di sản văn hóa Huế.
Sông Hương mang vẻ đẹp thâm trầm gắn với những chiến tích hào hùng của dân tộc trong cuộc trường chinh dựng cõi mở nước, tựa như cái đòn gánh gánh hai đầu đất nước. Mọi sức nặng của bất kì sự kiện trọng đại nào đều đổ xuống đôi vai kinh thành Huế và sông Hương. Đó là dòng sông thiêng liêng của tổ quốc, là dòng Linh Giang trong sử sách xưa, đã chiến đấu oanh liệt bảo vệ biên giới đất Việt, từng soi bóng xuống kinh thành Phú Xuân, từng chứng kiến những rung chuyển lớn lao của cách mạng tháng Tám, của chiến dịch Mậu Thân 1968.
Từ thượng nguồn, uốn lượn quanh co giữa núi rừng, đồi cây mang theo những mùi vị hương thơm của thảo mộc rừng nhiệt đới. Dòng sông cũng đi qua các làng mạc xanh tươi, rợp bóng cây của Kim Long, Nguyệt Biều, Vĩ Dạ, Ðông Ba, Gia Hội, Chợ Dinh, Nam Phổ, Bao Vinh, quyện theo mùi thơm của các loài hoa xứ Huế… rồi từ đây con sông xuôi ra biển cả Thuận An, Lăng Cô rộng lớn. Được hợp thành từ 2 con sông Tả Trạch và Hữu Trạch, sông Hương như một dải lụa mềm mại, dài miên man, uốn lượn chảy qua bao cảnh đẹp xứ Kinh kỳ mộng mơ, từ khu vườn Vĩ Dạ với những thảm cỏ xanh tươi, qua ngôi chùa Thiên Mụ cổ kính văng vẳng tiếng chuông ngân nga, rồi rẽ vào sông Bạch Yến để lãng đãng phiêu du cùng mây gió.
Trên hành trình ngao du ấy, dòng sông quyện theo những mùi vị và hương thơm của muôn vàn cỏ cây hoa lá và thảo mộc nhiệt đới, tạo nên mùi thơm ngát hương đặc trưng cho con sông. Tương truyền thứ cỏ ấy là Thạch Xương Bồ - một vị thuốc có hương thơm nên mới mang tên Hương Giang. Sông Hương có một vị trí rất đặc biệt đối với đời sống văn hóa, tâm linh cũng như sự phát triển của du lịch Huế.
Sông Hương - biểu tượng cố đô Huế
Đại đa số cảnh quan, kiến trúc và di sản văn hóa nổi tiếng của vùng đất cố đô mà du khách thường ghé thăm mỗi lần đến Huế đều hội tụ hai bên bờ sông. Từ những công trình kiến trúc cung đình như kinh thành, lăng tẩm, đến những công trình tín ngưỡng, tôn giáo như chùa chiền, chánh điện, cho đến các công trình văn hóa, giáo dục, công sở, phố thị, bảo tàng, làng nghề, những con đường và công viên đẹp nhất ở Huế…
Sông Hương cũng là sân khấu, là môi trường để nuôi dưỡng, bảo tồn và phát triển các loại hình văn hóa phi vật thể của Huế như Nhã nhạc cung đình và ca Huế. Con sông êm đềm này là không gian văn hóa để tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật lớn của các Festival Huế, là nơi hẹn hò, níu kéo nhiều thế hệ người Huế và du khách thập phương trở lại với cố đô, là nơi diễn ra các sự kiện giao lưu văn hóa quốc gia và quốc tế. Khi màn đêm buông xuống bao phủ dòng sông, trong đêm tối tĩnh mịch, những con thuyền vẫn “mải mê” xuôi ngược với điệu hò ngân nga, lắng đọng chút trầm tư và sâu lắng. Cầu Tràng Tiền lên đèn, toả ra những ánh đèn lung linh rực rỡ sắc màu, chiếu sáng cả một vùng sông tĩnh lặng. Bên bờ sông, những ánh đèn vàng le lói lần lượt được thắp lên. Cùng với núi Ngự Bình, sông Hương đã, đang và sẽ mãi mãi là biểu tượng của cố đô Huế.