VNHN - Tỉnh Sơn La xác định một số nhiệm vụ chủ yếu trong giai đoạn 2016 - 2020 thực hiện tái cơ cấu kinh tế theo lộ trình bước đi phù hợp; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, gắn với từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách hợp lý, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế.
Những mục tiêu mang tính đột phá chiến lược
Hướng tới mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, trở thành trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc vào năm 2020 trên cơ sở tái cấu trúc kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng để khai thác tiềm năng, lợi thế vùng Tây Bắc, tỉnh Sơn La đã đưa ra những giải pháp và mục tiêu thiết thực, cụ thể.
Hội nghị triển khai thực hiện Đề án Ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La. Ảnh: Cổng TTĐT Sơn La.
Theo đó, Sơn La sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư hướng vào đầu tư các ngành, lĩnh vực, sản phẩm, địa phương có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh.
Hình thành và phát triển cơ cấu kinh tế hợp lý, bền vững; điều chỉnh cơ cấu nội bộ các ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế theo hướng chú trọng ưu tiên những ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế động lực, mang tính đột phá, có sức tác động và lan toả tới các ngành, lĩnh vực và vùng kinh tế khác; phát triển những ngành, lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng cao.
Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn với điều chỉnh cơ cấu ngành nghề đào tạo, bố trí và sử dụng lao động theo hướng hài hòa, hợp lý để nâng cao năng suất lao động, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa cũng được chú trọng.
Ngoài ra, trong thời gian tới Sơn La sẽ tiếp tục đổi mới tư duy, phân định rõ vai trò, chức năng của Nhà nước và thị trường theo hướng giảm thiểu các rào cản, tạo động lực khuyến khích chuyển dịch, phân bổ và sử dụng các yếu tố nguồn lực trong sản xuất, kinh doanh nhất là vốn và nguồn nhân lực lao động theo tín hiệu thị trường.
Khai thác, phát huy hiệu quả, hợp lý các nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh về nguồn nhân lực, đất đai, nguồn nước và các nguồn tài nguyên khác bằng cơ chế, chính sách phù hợp để thực hiện tái đầu tư, tạo bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội.
Phát triển và xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực với chất lượng cao, có sức cạnh tranh; đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng và phát triển cụm tương hỗ về nông sản, du lịch và điện năng để khai thác, sử dụng hiệu quả đất đai tại Mộc Châu, Mường La..., nguồn nước hệ thống sông Đà, các hồ thủy điện.
Phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội để giảm nghèo nhanh, bền vững; từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, giảm dần chênh lệch mức sống giữa các tầng lớp dân cư và giữa các vùng trong tỉnh, thực hiện tốt hơn các chính sách dân tộc và các chính sách về thuế tài nguyên, phát triển vùng khó khăn, vùng biên giới.
Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh Sơn La cũng xác định tái cơ cấu kinh tế phải gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của cấp cơ sở.
Nhiệm vụ, giải pháp cụ thể
Những định hướng chủ yếu trong thực hiện tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh Sơn La cho thấy, việc xây dựng môi trường kinh tế thuận lợi, ổn định thông qua việc thực hiện hiệu quả các giải pháp chính sách và biện pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ; ban hành các cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi để thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư.
Đồng chí Hoàng Văn Chất, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La cùng đoàn công tác của tỉnh thăm Trung tâm trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm huyện Quỳnh Nhai. Ảnh: Cổng TTĐT Sơn La.
Ưu tiên tập trung nguồn lực, cơ chế, chính sách ưu đãi cho những lĩnh vực, địa bàn có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh, những địa phương còn nhiều khó khăn để rút ngắn dần khoảng cách chênh lệch trong phát triển kinh tế và giải quyết hiệu quả các vấn đề về xã hội.
Đổi mới cơ bản cơ chế phân bổ và quản lý sử dụng vốn, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán và lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư Nhà nước.
Tiếp tục sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Tập trung làm lành mạnh hóa tình trạng tài chính của các tổ chức tín dụng, trước hết tập trung xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đảm bảo khả năng thanh toán, chi trả và phát triển ổn định, đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư tư nhân trong phát triển hạ tầng, phát triển các ngành dịch vụ công cộng, các dự án sản xuất chế biến gắn với vùng nguyên liệu.
Sắp xếp lại các ngành sản xuất, dịch vụ theo hướng tập trung các nguồn lực đầu tư để phát huy tiềm năng và lợi thế của từng địa phương với tầm nhìn dài hạn, thực hiện phân bổ lại các ngành sản xuất, dịch vụ hợp lý tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp.
Tăng cường phối hợp và kết nối với các địa phương trong vùng, miền để cùng phát triển. Khai thác tốt lợi thế là trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc.
Để thực hiện thành công những mục tiêu, tỉnh Sơn La cũng đã xác định và đưa ra những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như nâng cao chất lượng công tác xây dựng, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch; Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển.
Lựa chọn các lĩnh vực phát triển để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý và bền vững, tăng nhanh giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực kinh tế, sản phẩm của tỉnh như: Lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản; Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng; Lĩnh vực thương mại và dịch vụ...
Đổi mới thực hiện huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, tái cơ cấu đầu tư, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng; Tái cơ cấu tổ chức tín dụng; Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, nâng cao chất lượng doanh nghiệp tư nhân; Coi trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tạo điều kiện thuận lợi cho tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Phát triển và tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ. Trong đó chú trọng nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, ứng dụng chuyển giao và thương mại hoá các công nghệ mới, tiên tiến hiện đại. Ưu tiên, khuyến khích hỗ trợ xây dựng các trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ cao, các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh.
Các chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh Sơn La:
- Tốc độ tăng trưởng bình quân là 10%/năm.
- Cơ cấu kinh tế: ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm 28%, công nghiệp - xây dựng chiếm 24%, dịch vụ chiếm 48%.
- Huy động vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm (2016-2020) là 80.000 tỷ đồng.
- Thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 5.000 tỷ đồng.
- GDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt khoảng 42,8 triệu đồng/người/năm.
- Giá trị hàng hóa nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu bình quân đạt 100 triệu USD/năm./.