Theo đó, không gian đi bộ, không gian văn hóa khu vực hồ Thiền Quang bao gồm: khu vực Trần Nhân Tông (đoạn từ phố Quang Trung đến Trần Bình Trọng) và khu vực phụ cận (công viên Thống Nhất, vườn hoa, đường dạo quanh hồ Thiền Quang, nhà văn hóa Thanh Thiếu niên…) nhằm thúc đẩy kinh tế ban đêm và cải thiện bộ mặt đô thị trên địa bàn.
Đồng thời, UBND TP. Hà Nội vừa yêu cầu Sở GTVT Hà Nội phối hợp với các Sở: Công thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Du lịch, Công an TP và các đơn vị liên quan xem xét đề nghị của Sở Văn hóa & Thể thao về việc UBND quận Hai Bà Trưng xây dựng Đề án tổ chức không gian phố đi bộ, trong đó làm rõ căn cứ pháp lý thực hiện, nhu cầu và sự cần thiết nghiên cứu đề án, phương án đảm bảo trật tự an toàn giao thông, văn minh, mỹ quan đô thị và những nội dung khác có liên quan.
Trước đó, tại cuộc làm việc của lãnh đạo Thành ủy Hà Nội với Quận ủy Hai Bà Trưng, quận đã đề nghị thành phố cho phép lập đề án tổ chức không gian phố đi bộ khu vực hồ Thiền Quang. Đề nghị này nhằm phát huy giá trị văn hoá, kiến trúc, cảnh quan khu vực, phát triển du lịch trên địa bàn.
Đồng ý với đề nghị của quận Hai Bà Trưng, nguyên Bí thư Hà Nội đề nghị quận vào cuộc triển khai ngay ý tưởng tổ chức tuyến phố đi bộ khu vực hồ Thiền Quang gắn với công viên Thống Nhất để thúc đẩy kinh tế ban đêm và cải thiện bộ mặt đô thị trên địa bàn.
Đánh giá những năm qua, quận Hai Bà Trưng có bước tiến vững chắc trên các lĩnh vực, ông Vương Đình Huệ cũng đề nghị quận Hai Bà Trưng chủ động rà soát quy hoạch phân khu; đề xuất theo hướng xây dựng thành quận có màu sắc riêng. Từ đó xây dựng Hai Bà Trưng trở thành quận tiêu biểu, đồng bộ từ từng phường đến từng tuyến phố. Bên cạnh đó, quận Hai Bà Trưng cần quan tâm quy hoạch không gian ngầm, tăng cường quản lý đất đai, trật tự đô thị...
Được biết, tuyến phố đi bộ đầu tiên của Hà Nội được tổ chức từ năm 2004 - Hàng Đào – Hàng Ngang – Hàng Đường – Đồng Xuân – Hàng Giấy, quận Hoàn Kiếm. Sau 16 năm, quận Hoàn Kiếm đã tổ chức mở rộng thêm 3 không gian đi bộ là khu vực bảo tồn cấp I – khu phố cổ Hà Nội năm 2014 (Hàng Buồm, Mã Mây, Đào Duy Từ, Hàng Giấy, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện); không gian đi bộ Hồ Gươm và vùng phụ cận năm 2016. Cuối năm 2020, thêm 8 tuyến phố (Đinh Liệt, Gia Ngư, Cầu Gỗ, Hàng Bè, Hàng Dầu, Hàng Bạc, Đào Duy Từ, Ô Quan Chưởng; ba ngõ Cầu Gỗ, Trung Yên, Phất Lộc) trở thành không gian đi bộ.
Đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đang có các không gian đi bộ gồm: Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, không gian đi bộ khu Phố cổ Hà Nội và không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn (Tây Hồ).
Được biết, dự kiến dịp lễ 30-4 và 1-5 tới đây Hà Nội có thêm hai không gian đi bộ gồm: Không gian đi bộ thuộc khu đô thị mới Nam đường Vành đai 3 (nằm trên địa phận phường Đại Kim, quận Hoàng Mai và xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì), không gian đi bộ xung quanh Thành cổ Thị xã Sơn Tây.