23/12/2024 lúc 03:36 (GMT+7)
Breaking News

Sở TNMT Nghệ An: Chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả quản lý

Theo Chương trình chuyển đổi số TN&MT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Sở Tài nguyên và Môi trường đặt ra mục tiêu đến năm 2030, ngành TN&MT quản lý, điều hành cơ bản trên phương thức, quy trình, mô hình của công nghệ số và kết quả phân tích, xử lý dữ liệu số; áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao.

Thực hiện Quyết định số 417/QĐ-BTNMT ngày 10/3/2021 của Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về phê duyệt chương trình chuyển đổi số tài nguyên và môi trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 05/8/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 586/KH-UBND ngày 22/8/2022 của UBND tỉnh Nghệ An về ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, ngành Tài nguyên và Môi trường đã tích cực triển khai các giải pháp chuyển đổi số, nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý, khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường... Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận các vấn đề liên quan lĩnh vực tài nguyên, môi trường.

Nâng cao hiệu quả công việc

Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, bao gồm: đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thuỷ văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo và tổ chức thực hiện các dịch vụ công về lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng của Sở. Những năm gần đây, Sở luôn chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Đến thời điểm này, Sở đã chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện công tác đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính, cập nhật, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính trên phần mềm VDBLIS và mở rộng triển khai trên toàn tỉnh. Đồng thời, triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu dùng chung thuộc lĩnh vực TN&MT như: Cơ sở dữ liệu tài nguyên nước; cơ sở dữ liệu khoáng sản; cơ sở dữ liệu môi trường; cơ sở dữ liệu thanh tra, khiếu nại, tố cáo nhằm hướng tới công tác quản lý theo hướng hiện đại, bài bản.

Việc xử lý văn bản trên phần mềm văn bản điện tử tiếp tục được đẩy mạnh. Hiện tại 100% văn bản của các phòng, đơn vị trực thuộc Sở đã được trao đổi trên hệ thống quản lý văn bản, 95% văn bản được ký số trên phần mềm. Qua đó tiết kiệm được thời gian, chi phí, tạo sự chuyên nghiệp, nâng cao hiệu suất trong công việc, hướng tới góp phần xây dựng thành công chính quyền điện tử.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã cơ bản hoàn thành cung cấp 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện trên môi trường trực tuyến gồm 62 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đồng thời triển khai cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở. Trong năm 2022, tỷ lệ hồ sơ giải quyết mức độ 3,4 đạt trên 35% vượt so với chỉ tiêu 30% UBND tỉnh đề ra.

Hội nghị tổng kết xây dựng Đảng năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An đã xây dựng vận hành được các hệ thống cơ sở dữ liệu như: Hệ thống thông tin đất đai đã và đang được xây dựng (12/21 huyện thành thị) phục vụ quản trị vận hành công tác chuyên môn của Văn phòng Đăng ký đất đai và các Chi nhánh (dự án VILG); hệ thống giám sát các trạm quan trắc tự động tại Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường; hệ thống kho tư liệu ngành tài nguyên và môi trường; Hệ thống điểm lưới tọa độ các cấp; hệ thống cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu. Các hệ thống đi vào hoạt động đã phục vụ nhu cầu quản lý, lưu trữ và cung cấp thông tin cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu một cách nhanh chóng, chính xác. Sở đã chỉ đạo Chi cục bảo vệ môi trường tổ chức giám sát các đơn vị có nguồn thải lớn trên địa bàn tỉnh. Đến ngày 31/12/2022, tỉnh Nghệ An có 31 cơ sở nằm trong danh sách đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục quy định hiện hành của pháp luật; trong đó có 06 đơn vị phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động và 25 đơn vị phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động. Hiện nay, đã có 21/31 đơn vị đã thực hiện việc đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, trong đó có 19/31 đơn vị đã truyền dẫn số liệu quan trắc tự động về hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu quan trắc tự động của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo thực hiện đúng quy định, từng bước số hóa trong quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường.

Trình độ ứng dụng CNTT của đội ngũ CBCCVC Sở Tài nguyên và Môi trường tác nghiệp trên môi trường máy tính đạt 100%, đa số CBCCVC trong ngành có nhận thức cao về tầm quan trọng, vai trò hiệu quả việc ứng dụng CNTT trong công cuộc chuyển đổi số.

Hội nghị viên chức và người lao động của Trung tâm CNTT - Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An

Tuy vậy, công tác thực hiện chuyển đổi số trong ngành TN&MT còn đó những khó khăn như: Một số trang thiết bị, máy móc, hệ thống phần mềm do sử dụng lâu năm nên xuống cấp, lạc hậu, chưa đáp ứng được việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Hạ tầng kỹ thuật CNTT và phần mềm chuyên ngành tuy được đầu tư, nhưng chưa đồng bộ…

Trước những khó khăn này, Sở TN&MT Nghệ An đã, đang kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ, để từng bước tháo gỡ, khắc phục, đầu tư, nâng cấp. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác chuyển đổi số đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động. Trong đó, nhấn mạnh về tầm quan trọng của chuyển đổi số trên nền tảng tài nguyên số, cải cách hành chính, thủ tục hành chính gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng tài nguyên số trong lĩnh vực TN&MT, nhằm nâng cao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính trong lĩnh vực TN&MT. Theo Chương trình chuyển đổi số TN&MT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Sở Tài nguyên và Môi trường đặt ra mục tiêu đến năm 2030, ngành TN&MT quản lý, điều hành cơ bản trên phương thức, quy trình, mô hình của công nghệ số và kết quả phân tích, xử lý dữ liệu số; áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao.

Ngọc Anh