VNHN - Tại diễn đàn những kỳ họp Quốc hội, các đại biểu, cơ quan và quan chức có trách nhiệm đã công khai phê phán chất lượng, tính logic và độ chính xác các báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội và nghi ngờ các số liệu đưa ra không sát với thực tế. Thực trạng này đang trở thành một nỗi lo của nhiều người. Đã trở thành căn bệnh kéo dài ngày càng nặng hơn.
Nguyên nhân
Bệnh thành tích luôn đẩy số liệu lên cao để được khen thưởng, cất nhắc, đề bạt. Như mức tăng trưởng GDP, hộ giàu, thu nhập bình quân đầu người… Cơ chế xin và cho lại hạ thấp số liệu phù hợp các tiêu chí để được xin và cho dễ dàng, như số hộ đói nghèo, nợ xấu, thiệt hại do hỏa hoạn, thiên tai…
Xu thế chính trị chi phối, đầu nhiệm kỳ tạo thế, cuối năm, cuối nhiệm kỳ cần hoàn thành kế hoạch để tạo đà, cũng dễ chế biến số liệu theo hướng “lạc quan” hơn. Khi đã nói dối lần đầu, để hợp pháp hóa số liệu cũ sẽ phải nói dối kéo dài, khó có điểm dừng. Tuy nhiên, để làm được việc này cũng có lúc, có việc do chỉ đạo của cấp trên, nhưng không ít trường hợp cấp dưới tự “co giãn” số liệu để vừa lòng “thượng cấp”. Mặt khác, hầu hết các phép tính của các cơ quan Trung ương luôn chính xác, nhưng lại dựa vào con số báo cáo của cơ sở và các địa phương không chính xác, nên tổng thể càng không chính xác.
HẬu quẢ
Nói dối kéo dài đã trở thành căn bệnh nan y, làm cho công tác hoạch định chính sách vĩ mô không chính xác gây hậu quả khó lường.
Đảng và Nhà nước thực hiện các chủ trương, chính sách như đề bạt, khen thưởng, kỷ luật và tài trợ, đầu tư… không đúng đối tượng, gây bất bình trong các tầng lớp dân cư.
Niềm tin của nhân dân vào tính trung thực, minh bạch của các cơ quan công quyền bị xói mòn nghiêm trọng. Tổn thương lớn đến sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương và cơ sở.
HƯỚNG KHẮC PHỤC
Đã đến lúc chúng ta phải đối mặt với sự thật, dù xót xa, cay lòng, nhưng suy đến cùng sự thật bao giờ cũng có sức thuyết phục cao nhất. Vì thế, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Bungari Todor Zhivkov đã từng nói: “Điều quý giá nhất của thế giới và hành tinh chúng ta là niềm tin cậy và sự thật. Sự thật sẽ sáng tạo thế giới, và mọi sự giả dối đều phá hoại thế giới”.
Từ năm 2014 trở đi cần phát động cao trào nói thật, báo cáo đúng. Mọi báo cáo của địa phương, cơ sở, doanh nghiệp đều phải thẩm định, ai báo cáo sai phải xử lý nghiêm túc đối với người báo cáo, người duyệt số liệu và người đứng đầu, nhất là những số liệu cốt lõi của nền kinh tế như: số hộ giàu nghèo, nợ xấu, lạm phát, trượt giá, tồn đọng bất động sản, thu nhập bình quân, hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN,…
Cần điều chỉnh một số tiêu chí thống kê cho sát với thực tế để dễ cân đong, đo đếm hơn, ví dụ: Thước đo GDP hiện nay tỉnh thành nào cũng tăng trên 10% mà cả nước chỉ tăng trên 5%, thật là khó hiểu. Cụ thể có những năm, chỉ tiêu nào cũng tăng (vì dễ nói dối) nhưng thu ngân sách lại giảm, vì tiền được “điểm danh” qua Kho bạc nhà nước nên khó nói dối hơn.
Phải coi bệnh nói dối kéo dài đã đến hồi phản kết. Nói dối kéo dài, bản chất cũng là lừa đảo. Phải xử tội nói dối như tội danh lừa đảo thì mới nghiêm túc, triệt để.
Điều quan trọng hơn là biết sai và chủ động sửa sai. Đó là tư duy cần có của một Đảng cầm quyền chân chính. Tôi tin Đảng, Nhà nước ta khi đã biết sai và quyết tâm khắc phục thì sẽ thành công, đó là cách tốt nhất để lấy lại niềm tin của quần chúng nhân dân.