Ninh Thuận đã thực hiện nhiều chương trình, đề án, kế hoạch, cơ chế, chính sách về phát triển nguồn nhân lực được ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả. Quy mô, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; các cơ sở đào tạo, dạy nghề trọng điểm của tỉnh được quan tâm đầu tư phát triển đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực cả ngắn hạn, trung hạn. Công tác thu hút lao động có chất lượng, trình độ chuyên môn cao làm việc trong các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trong tỉnh được quan tâm thực hiện và đạt kết quả bước đầu.
PV Tạp chí Việt Nam hội nhập đã có buổi trò chuyện với ông Trần Văn Trưa, Phó Giám đốc Sở LĐTB và XH tỉnh Ninh Thuận. Ông chia sẻ, tình hình thời tiết, điều kiện sản xuất ở một số nơi vẫn còn nhiều khó khăn, để hướng tới phát triển nguồn nhân lực của tỉnh có quy mô, cơ cấu, chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững là vấn đề rất cấp bách.
Năm 2021 đại dịch Covid đi qua đã ảnh hưởng rất nhiều tới kinh tế cũng như xã hội, đời sống người dân. Tuy nhiên được sự hỗ trợ từ Chính Phủ về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid, Ninh Thuận đã triển khai thực hiện thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh thông qua 12 diện đối tượng được hỗ trợ: Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và hỗ trợ người lao động ngừng việc; Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; Hỗ trợ tiền ăn cho người diện F1, F0 và trẻ em, người cao tuổi; Viên chức hoạt động nghệ thuật và hướng dẫn viên du lịch; Hộ kinh doanh ; Người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; Hỗ trợ lao động tự do…
Trong năm 2022, tiếp tục thực hiện nội dung hỗ trợ tiền thuê nhà theo Nghị quyết số 11/NQ-CP và Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến thời điểm hiện tại, UBND đã phê duyệt và chi hỗ trợ cho 22 lao động, 04 doanh nghiệp với mức hỗ trợ là 33 triệu đồng, ông Trần Văn Trưa cho biết.
Khi được hỏi về các giải pháp để tiếp cận và hỗ trợ các huyện vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc và miền núi, ông Trần Văn Trưa cho biết: Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong việc thực hiện các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo. Triển khai thực hiện các chương trình, chính sách để có điều kiện thoát nghèo như vay vốn, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, …; thực hiện kịp thời các chính sách an sinh xã hội đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các nhóm đối tượng yếu thế khác; Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp và người dân trong công tác giảm nghèo, hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Thường xuyên cập nhật, đưa tin về các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến và nhân rộng; khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người nghèo, vận động nhân dân cùng góp sức thực hiện công tác giảm nghèo; Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các Sở, ban, ngành và địa phương trong triển khai thực hiện các Chương trình…; Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và cộng đồng thực sự làm chủ trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm trong suốt quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Mặc dù còn nhiều hạn chế, khó khăn trong việc đào tạo nguồn nhân lực như: chuyển dịch cơ cấu lao động tuy đúng hướng nhưng còn chậm, lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp còn cao; quy mô đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, tỷ trọng lao động có trình độ cao trong số lao động đang làm việc trong nền kinh tế còn thấp. Do đó Ninh Thuận ngày càng chú tâm trong công việc nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có tay nghề thích ứng với điều kiện sản xuất mới hiện nay, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh có quy mô, cơ cấu, chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội nhanh và bền vững.
Để đạt được những kết quả đó, sở đã có những giải pháp thích hợp như: Kiện toàn bộ máy quản lý giáo dục nghề nghiệp theo hướng phân rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, gắn với trách nhiệm tăng cường thanh tra, kiểm tra; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và xây dựng cơ sở dữ liệu giáo dục nghề nghiệp; Đa dạng hóa hình thức và phương pháp dạy nghề phù hợp với đối tượng và yêu cầu sản xuất. Tăng cường đầu tư trang thiết bị dạy nghề, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Ưu tiên, tạo môi trường thuận lợi phát triển những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động có trình độ cao đẳng và trung cấp; Đổi mới và phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa toàn diện, đồng bộ; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không chỉ đào tạo kiến thức nghề, kỹ năng nghề mà còn chú trọng đào tạo văn hóa nghề, tác phong công nghiệp cho người lao động; Liên kết với các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm; tiếp cận, thực hành trên dây chuyền công nghệ của doanh nghiệp; cam kết với các đơn vị sử dụng lao động có kế hoạch tiêu thụ sản phẩm đầu ra của học nghề để người lao động an tâm sau khi học nghề sẽ có việc làm ổn định; sản phẩm làm ra sẽ có nơi tiêu thụ.
Bên cạnh đó, tính đến hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã thẩm định và chấp thuận cho hơn 25 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp phép hoạt động giới thiệu về các địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận để tuyên truyền, tư vấn cho người lao động.
Nhằm đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh; năm 2021, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 11/2021/NQ-HĐND ngày 31/8/2021 quy định chính sách hỗ trợ cho vay vốn từ ngân sách địa phương đối với người lao động đi làm việc ở nước ng oài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025. Theo đó, các đối tượng được hỗ trợ cho vay vốn bao gồm: người lao động thuộc hộ nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, là người dân tộc thiểu số, hộ cận nghèo, người lao động là thân nhân của người có công với cách mạng; người lao động là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an đã xuất ngũ trở về địa phương; người lao động sinh sống tại thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; người lao động sinh sống tại xã khu vực II, khu vực III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã an toàn khu./.
Võ Hà