08/12/2024 lúc 23:26 (GMT+7)
Breaking News

Siết chặt quy định cho vay đặc biệt với tổ chức tín dụng mất khả năng chi trả

Theo Dự thảo Thông tư mới của Ngân hàng Nhà nước, thời gian vay đặc biệt của tổ chức tín dụng mất khả năng chi trả sẽ chỉ còn dưới 12 tháng thay vì 24 tháng, phải có tài sản đảm bảo.

Theo Dự thảo Thông tư mới của Ngân hàng Nhà nước, thời gian vay đặc biệt của tổ chức tín dụng mất khả năng chi trả sẽ chỉ còn dưới 12 tháng thay vì 24 tháng, phải có tài sản đảm bảo.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang dự thảo Thông tư quy định về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Thông tư này quy định về cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và tổ chức tín dụng khác đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Việc cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước với lãi suất ưu đãi đến mức 0% do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Theo dự thảo, Ngân hàng Nhà nước cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt trong các trường hợp sau: Cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản đối với tổ chức tín dụng khi tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống trong thời gian tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, bao gồm cả trường hợp tổ chức tín dụng đang thực hiện phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt;

Cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% để hỗ trợ phục hồi đối với ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô theo phương án phục hồi đã được phê duyệt;

Các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt muốn vay đặc biệt phải có tài sản đảm bảo

Cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% để hỗ trợ phục hồi đối với ngân hàng thương mại theo phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.

Cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% đối với ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc trước ngày Luật số 17/2017/QH14 có hiệu lực theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% đối với ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc trước ngày Luật số 17/2017/QH14 có hiệu lực sau chuyển nhượng theo phương án chuyển nhượng đã được phê duyệt.

Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam cũng cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt trong 3 trường hợp khi tổ chức tín dụng, công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống trước khi phương án cơ cấu lại được phê duyệt.

Riêng với khoản cho vay đặc biệt hỗ trợ thanh khoản với tổ chức tín dụng (bao gồm cả Quỹ tín dụng nhân dân) có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống trong thời gian tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, bao gồm cả trường hợp tổ chức tín dụng đang thực hiện phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt, dự thảo Thông tư quy định thời gian cho vay tối đa dưới 12 tháng. Như vậy, thời hạn cho vay đã giảm 1 nửa so với quy định hiện hành là tối đa 2 năm.

Với các tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống trong thời gian tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt nói trên, Thông tư cũng bổ sung quy định bên đi vay phải sử dụng tài sản bảo đảm theo thứ tự ưu tiên như tín phiếu Ngân hàng Nhà nước; trái phiếu Chính phủ; trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; trái phiếu Chính quyền địa phương do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng phát hành.

Ngoài ra, trái phiếu được phát hành bởi ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (trừ các ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc), ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, cầm cố trái phiếu được phát hành bởi tổ chức tín dụng (trừ các ngân hàng thương mại nêu trên) và doanh nghiệp khác; quyền đòi nợ phát sinh từ khoản cho vay của bên đi vay đối với cá nhân, tổ chức (trừ tổ chức tín dụng).

Để thuận lợi cho việc nhận tài sản đảm bảo (cầm cố giấy tờ có giá) và giải ngân tiền cho vay đặc biệt, dự thảo Thông tư quy định Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước là đơn vị giải ngân thay cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố.